MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án ngàn tỉ trùm mền: đừng “vương, thương, cho” gì nữa!

"Tôi đang theo dõi chuyện người ta nằng nặc đòi để nhà thầu Trung Quốc làm tiếp đường cấp nước Sông Đà, rồi bây giờ lại nổ ra vụ gang thép Thái Nguyên. Thật buồn quá, đáng lo quá! Không thể hiểu nổi tại sao lại như vậy?"

Từ ngày thành lập, Công ty gang thép Thái Nguyên với thiết bị, công nghệ kém chất lượng của Trung Quốc đã khai thác gần hết mỏ sắt lớn rồi mà chưa làm ra được gì như kỳ vọng.

Sản phẩm phần lớn chỉ được dùng để làm nhà cấp 4, vì chất lượng sản phẩm không có mấy công trình lớn dám sử dụng.

Lúc đầu, nó được tuyên truyền là sẽ hình thành nên nền công nghiệp gang thép đứng đầu Đông Nam Á này nọ, rồi cuối cùng có được gì đâu hay chỉ là một đống sắt thép phế thải, nợ nần ngập đầu. Thực chất, tôi biết rõ đó chỉ là công nghệ lạc hậu từ bao nhiêu năm rồi được Trung Quốc mua về làm.

Tới khi họ thải ra thì giao cho Việt Nam hứng. Mà tiếp nhận thì mình phải trả tiền cho họ, nếu không cũng phải vay nợ, cam kết này nọ để mai sau con cháu phải trả. Họ có tiền của chúng ta để đầu tư mới. Họ đi lên hiện đại. Còn mình thì hứng công nghệ lạc hậu, cay đắng chịu hậu quả.

Đã một thời gian dài ở Việt Nam dự án đó mang tiếng bỏ thì thương vương thì tội, khốn khổ như thế. Nó ngốn cạn mỏ sắt đó rồi lại đi khai thác tiếp mỏ khác.

Công nghệ lạc hậu tốn bao nhiêu nhân công làm việc trong môi trường ô nhiễm. Mình thì cứ nghĩ đơn giản có nhiều công nhân thừa nên cần có cơ sở gang thép chất lượng kém này để giải quyết.

Tôi biết rõ rằng không phải chỉ có gang thép Thái Nguyên mà còn nhiều cơ sở khác cũng đồng cảnh tệ hại này như các nhà máy phân đạm, nhiệt điện, rồi biết bao nhiêu nhà máy ximăng lò đứng gây ô nhiễm, kém chất lượng...

Tại nhiều tỉnh vẫn còn đang nằm chình ình phơi mưa nắng các đống sắt thép phế thải, lạc hậu đó. Bây giờ còn có cái nào hoạt động được nên hồn? Trong mối quan hệ với đối tác này, chúng ta đã phải ngậm ngùi nhận quá nhiều thua thiệt.

Chúng ta làm sao có thể thoát khỏi lệ thuộc kinh tế nếu cứ như thế? Bây giờ, họ gợi ý mình phục hồi này nọ để lại tiếp tục đẩy các thiết bị, công nghệ lạc hậu sang cho mình ôm lần nữa. Nhiều người đã từng chua xót ví von: Việt Nam có nhà có máy mà không có nhà máy.

Đây là câu nói của chính các kỹ sư, công nhân của chúng ta ngậm ngùi thừa nhận thực tế nhà máy kém hiệu quả. Mình có nghe, có chịu sửa không? Đây là những tiền đề cực kỳ nguy hiểm cho công cuộc phát triển nền công nghiệp và kinh tế của Việt Nam.

Chúng ta cứ tuyên bố tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhưng làm sao hiện đại được với công nghệ quá lạc hậu đó? Thế giới người ta đã rũ bỏ hết các công nghệ lạc hậu từ lâu rồi mà mình cứ lún sâu vào đó thì khó thoát ra được để 
phát triển.

Thật sự, tôi chưa thấy có doanh nghiệp nào trên thế giới mà dám đi dọa chính Nhà nước như doanh nghiệp quốc doanh của mình rằng: sẽ đóng cửa nếu không đáp ứng các đòi hỏi quyền lợi này nọ.

Đây là thời điểm đất nước đang đứng trước rất nhiều thách thức tiến lên hay tụt hậu nặng nề. Chúng ta cần phải dũng cảm thẳng tay với tình trạng tệ hại, lúc này không thể “vương, thương” gì nữa.

Các dự án, nhà máy này cần phải được nghiên cứu thật kỹ lưỡng lại và minh bạch mọi thứ. Thậm chí, Việt Nam có thể vay nợ để tìm kiếm đối tác với các nước như Thụy Điển, Na Uy hay Mỹ gì đó để làm lại ngành công nghiệp gang thép đàng hoàng, chất lượng tốt.

Còn những công nghệ, thiết bị lạc hậu, nặng nợ như cũ phải thay đi. Hãy dũng cảm hủy bỏ các ký kết, giao ước không có lợi gì cho đất nước.

Mà tôi biết không phải chỉ có gang thép đâu, còn hàng loạt lĩnh vực khác trong các ngành giao thông, xây dựng, hay gần đây là đường ống cấp nước Sông Đà. Có thể đau đớn, nhưng hãy thay luôn cả những người cứ đòi lao đầu vào đường mòn ấy.

Thậm chí, Nhà nước nên sẵn sàng đưa từng cá nhân cụ thể vi phạm ra kỷ luật, xét xử để làm gương, vì lợi ích dân tộc là 
trên hết.

LÊ VĂN TRIẾT (nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại)

Theo Quốc Việt

Tuổi Trẻ

Trở lên trên