Dự án Nhà Chống Lũ phát huy tác dụng: Nhiều bà con miền Trung vượt qua lũ lụt; tiếp tục triển khai ở Huế, Quảng Trị và Quảng Nam
Trong đợt mưa lũ vừa rồi tại miền Trung, hầu hết các hộ dân được dự án Nhà Chống Lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Điển hình như tại Tân Hoá (Quảng Bình), nước lũ vượt lịch sử năm 1999, cao tới 3m, nhà phao cứ nước lên là nổi đã phát huy được tác dụng của nó.
- 17-10-2020Số tiền quyên góp Thuỷ Tiên nhận được cán mốc 40 tỷ đồng, phản ứng của con gái khi biết mẹ bị bệnh giữa vùng lũ gây xúc động
- 16-10-2020Đời thay đổi khi bạn sống có quy tắc rõ ràng: Người ưu tú nghiêm khắc với bản thân từng khoảnh khắc!
Bắt đầu từ năm 2013, Nhà Chống Lũ là dự án phát triển cộng đồng với mục đích xây nhà an toàn và phát triển sinh kế bền vững cho người dân nghèo ở các vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu. Phương châm của họ là "triệu thùng mì gói không bằng nhà ngói trên cao".
Tính đến tháng 9/2020, Nhà Chống Lũ đã hỗ trợ thành công 795 hộ gia đình tại các tỉnh Quảng Ninh, Quảng Nam, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Khánh Hoà, Bến Tre, Sóc Trăng và Hậu Giang trong việc xây dựng và cải tạo nhà. Bên cạnh đó, họ đã phát triển 9 mô hình nhà an toàn thích ứng với các kiểu thiên tai, đặc biệt là các kiểu lũ như: lũ bùn, lũ ống, lũ quét, lũ ngâm, lũ sông và một số loại lũ đặc biệt.
Ngoài nhà phao nổi biệt lập mang tính đặc thù có diện tích 16m2 (4x4), các mẫu nhà khác của dự án đều có yêu cầu phần gác tránh lũ tối thiểu 10m2. Tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng thực tế và khả năng đối ứng của các hộ gia đình, tổng diện tích xây dựng sẽ dao động từ 35m2 - 50m2, với nhà hai tầng có thể có diện tích sàn đến 100m2.
Mức giá thành hoàn thiện từng căn nhà do đó cũng không cố định, trong khoảng từ 80 - 180 triệu đồng. Trong đó, Nhà Chống Lũ hỗ trợ trung bình 45 triệu đồng/hộ. Phần kinh phí còn lại các hộ dân sẽ huy động nguồn lực của riêng mình, người thân, các nguồn tài chính khác, hoặc đối ứng phần nhân công và tận dụng các nguồn vật liệu của nhà cũ còn sử dụng được.
Nhà Chống Lũ có 7 tiêu chí để lựa chọn hộ gia đình được hưởng lợi, cụ thể: nằm trong vùng chịu ảnh hưởng bởi thiên tai hoặc biến đổi khí hậu; hộ dân có nhu cầu và có động lực để xây nhà an toàn; hộ dân thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, hoặc có hoàn cảnh khó khăn; hộ dân có đông thành viên và có nhân khẩu trẻ; phần đất xây dựng có sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, không thuộc diện quy hoạch hoặc di dời; dự án sẽ hỗ trợ thiết kế xây dựng, hộ dân cần tham gia vào quá trình thiết kế và tuân thủ các yêu cầu của dự án; dự án sẽ hỗ trợ kinh phí từ 20-35 triệu cho nhà cải tạo và từ 30-45 triệu cho nhà xây mới.
Trong năm 2020, dự án đã hoàn thành 80/93 căn nhà tại các vùng miền khác nhau. Từ việc hỗ trợ đó người dân xung quanh có thể học hỏi, nhân rộng và phát triển mô hình nhà an toàn trước tình hình biến đổi khí hậu và thiên tai.
Những căn nhà chống lũ được xây dựng dọc miền Trung nhiều năm qua giúp bà con "đương đầu" với thiên tai (Ảnh: Sưu tầm)
Hiện nay, Nhà Chống Lũ đang bám sát tình hình và sẽ khảo sát để lên kế hoạch hỗ trợ, lên kế hoạch bổ sung và tiếp tục triển khai xây nhà an toàn ở Huế, Quảng Trị và Quảng Nam - 3 địa bàn chịu thiệt hại nghiêm trọng nhất trong cơn bão số 5 và đợt mưa lũ vừa rồi.
Trong đợt mưa lũ vừa rồi tại miền Trung, hầu hết các hộ dân được Nhà Chống Lũ hỗ trợ đều an toàn và có thể chủ động chuẩn bị trước tình hình. Khi nghe tin bão, người dân thường sẽ mua lương thực dự trữ, chuyển đồ đạc quan trọng và gia súc gia cầm đến gác tránh lũ (nếu là nhà kê nền, nhà gác); sửa chữa gia cố nhà phao. Vì vậy, thiệt hại về người và của được hạn chế tối đa.
Điển hình như tại Tân Hoá (Quảng Bình), nước lũ vượt lịch sử năm 1999, cao tới 3m, nhà phao cứ nước lên là nổi đã phát huy được tác dụng của nó. Từ những ngôi nhà phao đầu tiên mà dự án làm, đến nay người dân đã học hỏi và tự làm nhà an toàn cho mình.
Một ngôi nhà phao ở Tân Hoá trong đợt lũ vừa rồi tại Quảng Bình (Ảnh: Ngọc Thắng)
Chia sẻ về việc khởi nguồn ý tưởng xây dựng các ngôi nhà chống lũ, chị Jang Kều - sáng lập dự án Nhà Chống Lũ từng chia sẻ, "Với hầu hết người dân, họ đều muốn gắn bó với mảnh đất quê hương, họ không muốn rời đi một nơi khác. Vậy nên tôi sẽ xây lại chính ngôi nhà của họ đã bị sập nhưng có khả năng chống lũ, chống bão". Với ý tưởng cộng đồng hỗ trợ để người thụ hưởng tự xây ngôi nhà của mình, chị vươn tới điều xa hơn: tạo được một mô hình cộng đồng giúp đỡ lẫn nhau, hướng đến cuộc sống bền vững.
Pháp luật và bạn đọc