MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự án Ocean View Nha Trang: 15 biệt thự sai phạm sẽ được cứu?

23-07-2020 - 17:27 PM | Bất động sản

Các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa không đồng tình với phương án xử phạt rồi cho tồn tại đối với 15 biệt thự tại dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang.

Ngày 22-7, tại phiên họp HĐND tỉnh Khánh Hòa lần 11 khóa VI, các đại biểu HĐND tỉnh Khánh Hòa đã chất vấn xung quanh việc triển khai dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang), với nhiều sai phạm tồn tại từ nhiều năm qua nhưng vẫn chưa được xử lý.

Ai chống lưng?

Trả lời chất vấn nội dung này là ông Lê Văn Dẽ, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa.

Tại phiên họp, đại biểu Đoàn Minh Long cho biết từ năm 2009, UBND tỉnh Khánh Hòa cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH TM&DV Thiên Nhân II để đầu tư dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang. Dự án được quy hoạch 69 lô biệt thự, mật độ xây dựng 40%-60%, chiều cao tối đa 3 tầng. Sau khi báo chí (trong đó có Báo Người Lao Động), cử tri phản ánh, cơ quan chức năng xác định dự án có 22 lô xây dựng sai phạm với mật độ 80%-100%, chiều cao nâng lên 5-8 tầng. Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành 13 quyết định cưỡng chế, buộc khắc phục tháo dỡ. Thế nhưng, các chủ công trình bất chấp pháp luật, vẫn đưa công trình vào sử dụng.

"Tháng 4-2020, UBND tỉnh đã yêu cầu TP Nha Trang thực hiện việc cưỡng chế tại dự án Ocean View trước ngày 30-6-2020 nhưng vì sao hiện nay các công trình sai phạm này vẫn tồn tại, thậm chí công trình kịp hoàn thành đưa vào sử dụng? Phải chăng các biệt thự này có thế lực nào chống lưng hay bật đèn xanh để họ thực hiện trái quy định pháp luật?" - đại biểu Đoàn Minh Long chất vấn.

Dự án Ocean View Nha Trang: 15 biệt thự sai phạm sẽ được cứu? - Ảnh 1.

Khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang dù có quyết định cưỡng chế vẫn xây dựng bình thường

Từ năm 2018, khi mới phát hiện các biệt thự xây dựng trái phép, đại biểu Phạm Thúy Quỳnh đã đặt vấn đề xử lý đối với giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa. Đại biểu Quỳnh hỏi: "Đến nay, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng lập chốt chặn ứng trực tại dự án mà họ vẫn thi công xây dựng trái phép. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở đâu khi để tình trạng này diễn ra như vậy?".

Trả lời các đại biểu, ông Lê Văn Dẽ cho rằng dự án Ocean View Nha Trang có 15 công trình sai phạm về trật tự xây dựng phải tháo dỡ theo quy định pháp luật. Việc tháo dỡ chậm so với thời hạn quy định (đến ngày 30-6-2020) là do có một phần thiếu sót của cơ quan, ban ngành, trong đó có Sở Xây dựng.

Còn nguyên nhân khách quan là do dự án đang không có chủ; các nhà đầu tư thứ cấp không hợp tác để cơ quan nhà nước lập hồ sơ tháo dỡ; thời điểm lập phương án tháo dỡ cận Tết nguyên đán 2020, bị giãn cách xã hội, các quy định mới ban hành… "Tôi xin khẳng định, riêng với ngành xây dựng phải tuân thủ pháp luật. Không thể nào đã có quy hoạch rồi mà muốn làm gì thì làm. Còn chủ đầu tư muốn làm thì phải xin điều chỉnh quy hoạch và được cơ quan chức năng chấp nhận. Xin khẳng định với HĐND riêng về ngành thì không có chống lưng hay bật đèn xanh đèn đỏ gì cả" - ông Dẽ khẳng định.

"Phạt cho tồn tại thì ai cũng làm được!"

Liên quan đến sai phạm tại dự án Ocean View Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở Xây dựng dự thảo văn bản cho UBND tỉnh để trình Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh xem xét cho ý kiến.

Cụ thể, phương án 1 là thi hành các quyết định cưỡng chế đối với 15 công trình xây dựng vi phạm. Phương án 2 sẽ tính toán giá trị phần diện tích xây dựng vi phạm tầng cao, vi phạm khoảng lùi và mật độ xây dựng so với quy hoạch được duyệt đối với từng trường hợp cụ thể để thu, nộp ngân sách nhà nước trên phương pháp tính giá trị xây dựng phần sai phạm theo hướng dẫn tại Thông tư số 03 của Bộ Xây dựng.

Đại biểu Đoàn Minh Long nói thẳng: "Phương án 2 là xử phạt, thu hồi kinh phí cho nhà nước và cho tồn tại. Tôi không đồng ý quan điểm này, vì chúng ta không tạo ra hành lang pháp lý theo thông lệ và trái quy định pháp luật. Mức phạt hiện nay không đủ sức răn đe để thực hiện nghiêm chỉnh quy định pháp luật. Họ xây căn nhà 10 - 15 tỉ đồng nhưng phạt 150 triệu đồng hay cả phạt đến 1 tỉ đồng thì họ vẫn chấp nhận. Phạt cho tồn tại thì ai cũng làm được!".

Đồng tình, đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh yêu cầu giải thích căn cứ, quy định nào của pháp luật để ra phương án xử phạt rồi cho tồn tại đối với các biệt thự trên?

Liên quan đến các phương án này, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, giải thích phương án cưỡng chế 15 công trình sai phạm đã được Sở Xây dựng phê và trình UBND tỉnh thông qua. Theo phương án này, kinh phí nhà nước phải ứng trước cho việc tháo dỡ khoảng 30 tỉ đồng, đồng thời dễ phát sinh điểm nóng về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Trong khi đó, phương án 2 sẽ tính toán giá trị phần diện tích xây dựng vi phạm tầng cao, vi phạm khoảng lùi và mật độ xây dựng so với quy hoạch được duyệt đối với từng trường hợp cụ thể để thu, nộp ngân sách nhà nước. Giá trị xây dựng sai phạm được tính theo phương pháp tính thu lợi bất hợp pháp đối với công trình vi phạm theo hướng dẫn tại Thông tư số 03 ngày 24-4-2018 của Bộ Xây dựng. Số tiền có thể thu về theo tính toán của Sở Xây dựng là 65 tỉ đồng.

Tháng 10-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại dự án khu biệt thự cao cấp Ocean View Nha Trang. Ngày 19-12-2017, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Việt Hùng, Giám đốc Công ty Thiên Nhân II, nhưng ông Hùng đã bỏ trốn. Theo kết quả điều tra ban đầu, ông Hùng đã lừa đảo chiếm đoạt gần 12 tỉ đồng của hơn 10 doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào dự án này. Đầu tháng 8-2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án, sau khi ông Hùng ra đầu thú.

Theo Kỳ Nam

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên