Dự án thép Hoa Sen Cà Ná và nỗi lo môi trường
Nguồn nước cung cấp cho luyện thép, nỗi lo xử lý chất thải và sự cố môi trường là những điều dư luận quan tâm.
- 08-09-2016Đại diện Bộ Công Thương nói về dự án thép của Hoa Sen ở Ninh Thuận
- 28-08-2016Những dấu hỏi với siêu dự án thép 10 tỷ USD của Tập đoàn Hoa Sen
Dự án luyện thép của Tập đoàn Hoa Sen tại Cà Ná, Ninh Thuận được công bố khi môi trường biển miền Trung và Formosa vẫn đang là mối quan tâm lớn của dư luận.
Formosa, với những ưu đãi cực lớn, chỉ qua một đoạn chạy thử đã gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường với hàng trăm ngàn người thất nghiệp và hàng triệu người bị ảnh hưởng; cách Cà Ná chỉ 10 km là nhiệt điện Vĩnh Tân mới giai đoạn đầu hoạt động đã khiến những người dân Tuy Phong (Bình Thuận) phải sống chung với bụi xỉ. Những phản ứng thái quá khiến hàng chục người dân đã vướng vòng lao lý.
Vì thế, người ta không thể không quan tâm về dự án thép của Hoa Sen với tổng công suất tối đa 16 triệu tấn/năm, bằng 80% dự án Formosa.
Để sản xuất chừng ấy thép, mỗi ngày cần có 180.000 m3 nước ngọt, tức hơn 60 triệu m3/năm. Nguồn nước này lấy từ đâu khi mà Ninh Thuận có lượng mưa thấp nhất cả nước? Trong hai năm liên tục vừa qua, tại Ninh Thuận nhiều vùng không có nước tưới, gia súc không có nước uống, chết hàng loạt, những người chăn nuôi đã phải đưa đàn gia súc của mình du mục đến ăn cỏ ở những… đáy hồ thủy lợi. Quân đội phải chở nước đến cấp cho dân ngay tại huyện Thuận Nam, nơi triển khai dự án thép Hoa Sen.
Nhà máy nước Phước Nam chỉ có công suất 30.000 m3/ngày, nếu chạy hết công suất cũng chỉ đủ cung cấp 13% nhu cầu của nhà máy thép Hoa Sen. Tổng dung tích thiết kế toàn bộ hơn 20 hồ chứa nước hiện có tại Ninh Thuận chỉ hơn 190 triệu m3, có nghĩa là thép Hoa Sen sẽ cần sử dụng đến 30% tổng dung tích thiết kế của các hồ chứa nước ở Ninh Thuận.
Mà cần nhớ rằng tháng 6-2016 vừa qua, do hạn hán, tổng lượng nước của các hồ chứa ở Ninh Thuận chỉ còn 32 triệu m3, bằng 17% dung tích thiết kế và bằng một nửa số nước mà dự án này cần trong một năm. Không có Hoa Sen thì Ninh Thuận cũng đã khát khô. Theo số liệu được công bố trên website Tổng cục Thủy lợi, tỉnh chỉ có thể giải quyết căn bản nước cho sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 nếu điều tiết được khoảng 400 triệu m3 nước từ đập dâng Tân Mỹ và sông Cái.
Tuy nhiên, cho dù có thêm hai hệ thống này thì cũng chỉ giải quyết nước cho các huyện phía bắc, trong khi dự án thép Hoa Sen lại nằm ở phía nam của Ninh Thuận.
Nếu đi vào hoạt động, nước đâu để cung cấp cho thép Hoa Sen? Và nếu có thể cung cấp cho Hoa Sen, liệu Ninh Thuận còn đủ nước cho những cánh đồng khô khát?
Với một tỉnh nghèo như Ninh Thuận, nguồn thu ngân sách từ đại dự án này quả là hấp dẫn, con số dự kiến 45.000 lao động địa phương có công ăn việc làm cũng sẽ giúp thay đổi đời sống kinh tế của địa phương, cạnh đó là cơ hội phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ phụ trợ như ăn uống, vận tải, lưu trú... Nhưng điều đó không thay thế được nỗi lo về nguồn nước và môi trường.
Người dân cần được đảm bảo rằng sẽ không có một ảnh hưởng nào đối với môi trường nhưng ai sẽ dám đảm bảo điều đó khi mà Formosa vẫn là bài toán chưa giải quyết xong? Ngư dân, diêm dân, du lịch biển đầy tiềm năng của Ninh Thuận có chắc chắn được an toàn khi nhà máy thép tầm cỡ Fomosa được xây dựng tại đây? Năng lực xử lý chất thải được tính toán thế nào để xử lý lượng nước thải khổng lồ và những chất thải độc hại phát sinh trong quá trình luyện thép? Tất cả do chưa có thông tin nên dư luận vẫn đặt ra những dấu hỏi.
Ông Lê Phước Vũ tuyên bố sẽ giao hết tài sản cho Nhà nước nếu để xảy ra ô nhiễm. Điều đó thể hiện sự quyết tâm của ông Vũ nhưng nó lại khiến nhiều người lo ngại. Đã có ý kiến cho rằng tuyên bố của ông Vũ mang tính đánh cược. Mà không người dân nào lại muốn lấy môi trường sống của mình ra đánh cược cả, dù là cược với toàn bộ tài sản của ông Vũ.
Siêu dự án luyện cán thép
Ngày 25-8-2016, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3516 phê duyệt bổ sung đưa dự án "Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận" với công suất 16 triệu tấn/năm vào quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025.
Dự án do Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư, dự kiến triển khai dự án theo năm giai đoạn từ 2017 đến 2031, chia làm nhiều phân kỳ, công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm, vốn đầu tư dự kiến lên đến hơn 10 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1 của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018 sử dụng 240 ha đất, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019. Dự kiến trong giai đoạn 1, khu liên hợp này sẽ đưa vào vận hành 3-4 lò cao, mỗi lò có công suất 1,5 triệu tấn thép/năm. Dự kiến đến năm 2020, tổ hợp thép cán của Hoa Sen sẽ cung cấp khoảng 4,5 triệu tấn thép. Tổng số lò cao dự kiến của toàn dự án lên tới 10 lò.
Pháp luật TPHCM