MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo lạc quan về xuất khẩu nông - lâm - thủy sản năm 2021

08-02-2021 - 07:36 AM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Triển vọng xuất khẩu các mặt hàng nông - lâm - thủy sản năm 2021 của Việt Nam được kỳ vọng sẽ khả quan hơn nhờ các Hiệp định Thương mại tự do đã có hiệu lực.

Xuất khẩu gạo: Vẫn duy trì tín hiệu lạc quan

Theo sự phân bổ năm 2021 của Ủy ban kinh tế Á - Âu (EEC), trong những tháng đầu năm 2021, Việt Nam sẽ xuất khẩu (XK) vào 2 trong số 5 nước thuộc Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) với 10.000 tấn gạo (Cộng hòa Armenia 400 tấn, Cộng hòa Belarus 9.600 tấn).

Theo nhận định của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, nhóm hàng lúa gạo đang được hưởng những lợi thế lớn chưa từng có. Với tình hình hiện nay, dự báo, XK gạo năm 2021 vẫn duy trì tín hiệu lạc quan cả về sản lượng và giá bán. Hiện nay, các thị trường XK chính của Việt Nam như Philippines, châu Phi... tiếp tục ký hợp đồng mua gạo của Việt Nam và giá gạo đang ở mức rất lạc quan.

Xuất khẩu thủy sản: Tăng trưởng trên 10%

Theo Hiệp hội XK thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù tăng trưởng GDP thế giới được dự báo tiếp tục ảm đạm trong năm 2021, song ngành thủy sản vẫn có những cơ hội từ các FTA thế hệ mới như RCEP, EVFTA và gần đây nhất là FTA giữa Việt Nam và Vương quốc Anh (UKVFTA)… Các FTA này đều đang có tác động tốt đối với XK thủy sản của Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong thời gian tới.

Với những yếu tố tích cực từ những cơ hội Việt Nam có thể có và tận dụng được, dự báo XK thủy sản Việt Nam năm 2021 sẽ tăng 10% đạt trên 9,4 tỷ USD, trong đó XK tôm vẫn có mức tăng trưởng mạnh nhất: Tăng 15%, đạt 4,4 tỷ USD, cá tra sẽ hồi phục với mức tăng 5%, đạt khoảng 1,6 tỷ USD, XK các mặt hàng hải sản dự báo sẽ tăng 6%, đạt 3,4 tỷ USD.

Xuất khẩu gỗ: Vẫn có cơ hội cán mốc 14 tỷ USD

Là điểm sáng XK trong năm 2020 với kim ngạch XK đạt 12,5 tỷ USD trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với các vụ kiện, nhiều chuyên gia nhận định, mục tiêu kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ 14 tỷ USD không phải là thách thức lớn nếu nhìn vào thị trường thương mại đồ nội thất của thế giới.

Giá trị thương mại đồ gỗ thế giới ước khoảng 450 tỷ USD/năm, trong đó khoảng 150 tỷ USD giá trị thương mại của đồ nội thất bằng gỗ, trong khi kim ngạch XK đồ gỗ của Việt Nam mới chiếm khoảng trên 6% thị phần toàn cầu nên các DN có cơ hội mở rộng, phát triển thị phần. Bên cạnh các thị trường truyền thống có giá trị XK cao như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, Hàn Quốc thì một số thị trường tiềm năng có cơ hội mở rộng phát triển mới như Canada, Nga, Ấn Độ, UAE…

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh (HAWA) nhận định, năm 2021 triển vọng thị trường gỗ khá tốt. Cụ thể, nhu cầu nhập khẩu của thị trường Mỹ còn lớn vì các công trình dân dụng đang tiếp tục được triển khai.

Thêm vào đó, việc chuyển đổi số qua nền tảng Hope từ năm 2020 đã giúp DN có những đơn hàng dài hơi. Đó là chưa kể loạt hiệp định thương mại đã và đang thực thi như EVFTA, CPTPP… sẽ mang lại những hiệu ứng tích cực hơn trong thời gian tới. Thực tế, ngay từ thời điểm cuối tháng 10/2020 nhiều DN gỗ đã đàm phán được những đơn hàng lớn, với giá trị cao cho năm 2021.

Xuất khẩu hạt điều: Tăng gần 13%

Năm 2020 XK hạt điều đạt kim ngạch 3,188 tỷ USD, bằng 97% về trị giá so với năm 2019 và chiếm khoảng 8,2% tổng kim ngạch XK nông - lâm - thủy sản. Năm 2021, Bộ NN&PTNT đặt kế hoạch tổng kim ngạch XK điều 3,6 tỷ USD, tăng 12,9% so với năm 2020.

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), hiện các DN lớn đã có đơn hàng cho quý I/2021. Nếu nửa cuối năm 2021, tình hình dịch bệnh trên thế giới được kiểm soát, việc XK sẽ thuận lợi hơn. Hiện Việt Nam vẫn được coi là trung tâm chế biến, XK hạt điều hàng đầu thế giới, xếp trên Ấn Độ, các quốc gia châu Phi và Brazil…

Khả năng xuất khẩu chính ngạch yến sào sang Trung Quốc trong quý I/2021

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT ông Phùng Đức Tiến, hiện các thủ tục để XK tổ yến (yến sào) sang Trung Quốc gần như đã hoàn thiện, dự kiến trong quý I/2021, sản phẩm yến sào của Việt Nam có thể được XK sang thị trường tiêu thụ yến lớn nhất nhì thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, khảo sát nhu cầu của một DN ở Phúc Kiến (Trung Quốc) cho thấy, hiện sản lượng yến của Việt Nam có thể XK chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu của họ, vì vậy, khi Nghị định thư XK chính ngạch yến sang Trung Quốc được ký kết thì cơ hội cho ngành hàng triệu đô này ngày càng rộng mở.

Ông Nguyễn Văn Long – Phó Cục trưởng Cục Thú y cho biết, các DN ngành yến đã có quá trình chuẩn bị hồ sơ rất kỹ, tháng 4/2020 đã nộp hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc đánh giá. Lẽ ra việc ký nghị định thư XK chính ngạch tổ yến sang Trung Quốc có thể được thực hiện vào tháng 12/2020 nhưng do tác động của dịch Covid-19 nên đến đầu năm 2021 hai bên sẽ tiến hành thủ tục này.

"Qua giám sát vấn đề an toàn dịch bệnh cho thấy yến sào của Việt Nam đều đạt yêu cầu theo thông lệ quốc tế và phía đối tác Trung Quốc. Việc chuẩn bị nghị định thư, mẫu chứng nhận gần như đã hoàn thiện, chỉ chờ hai bên ký kết" – ông Long cho biết.

Theo thống kê, hiện có 42/63 tỉnh, thành phố có nghề nuôi yến với số lượng khoảng 20.000 nhà yến. Trong đó, Kiên Giang là tỉnh có nhiều nhà yến nhất, khoảng 2.600 nhà. Sản lượng yến của Việt Nam hiện đạt trên dưới 120 tấn, giá trị tương đương 450 triệu USD.

Theo Linh Linh

Pháp luật Việt Nam

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM