Dự báo thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2019 dưới góc nhìn của phân tích kỹ thuật
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua năm 2018 đầy biến động và mất mát. Mặc dù vậy, dưới góc nhìn của phân tích kỹ thuật, các biến động như vậy có thể là bình thường và nằm trong sự vận động logic của thị trường.
Bộ phận phân tích của chứng khoán Phú Hưng nhìn nhận thị trường diễn biến theo một chu kỳ vận động lớn của lý thuyết sóng Elliott. Theo ứng dụng của lý thuyết này vào diễn biến của chỉ số chính VN Index, chúng tôi nhận thấy rằng: chỉ số này đang diễn biến trong một chu kỳ 5 sóng tăng giá, với chân sóng tăng được hình thành từ cuối năm 2012.
Trong một chu kỳ tăng dài hạn như vậy, thị trường đã trải qua một giai đoạn giảm giá của năm 2018 cũng là điều bình thường. Giai đoạn này được gọi là sóng 4 - hiệu chỉnh, sau một sóng 3 tăng mạnh trước đó.
Không những vậy, theo một kinh nghiệm mang tính thống kê, trong một sóng hiệu chỉnh lớn, thị trường hay các chỉ số chính, thường có khung thời gian vận động khoảng đâu đó 21 tháng, có thể ngắn hơn hoặc dài hơn một chút (phạm vi có thể là 6 tới 8 quý), nhưng số thống kê trung bình là 21 tháng, với 6-9 tháng đầu nằm trong một giai đoạn hoàn trả (giảm giá mạnh) và tiếp sau là giai đoạn vận động tích lũy trong biên độ hẹp (thông thường với mức biến động là 25% tính từ vùng đáy của đợt giảm mạnh).
Dựa trên những con số thống kê và lý thuyết của phân tích kỹ thuật như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi qua một giai đoạn đầu giảm mạnh, với việc giảm giá mạnh ở 9 tháng cuối năm 2018.
Năm 2019, VN Index có thể đang nằm trong một giai đoạn tích lũy đi ngang trong biên độ quanh 900 – 1.100 điểm (mức biến động khoảng gần 25% tính từ vùng đáy của năm 2018). Như vậy, trong một bức tranh tổng thể, VN Index có thể đang vận động trong một xu hướng phục hồi trung hạn lên thử thách vùng mục tiêu 1.100 điểm.
Tuy nhiên, trong một xu hướng phục hồi trung và dài hạn. Thị trường sẽ không bao giờ đi lên theo một đường thẳng. Theo như ngôn ngữ của phân tích kỹ thuật, thì thị trường sẽ có những đợt rung lắc hay điều chỉnh ngắn hạn nhằm củng cố và lấy đà cho xu hướng chính bền vững hơn.
Hiện tại, VN Index có thể đang nằm trong một nhịp điều chỉnh ngắn hạn, khi chỉ số này đang suy yếu về dưới đường MA20 và MA5 cắt xuống MA20. Vùng hỗ trợ mạnh của chỉ số có thể là vùng 955 – 965 điểm, nơi hội tụ của đường MA50 và vùng đỉnh cũ tháng 12/2018.
Mặc dù vậy, nhịp điều chỉnh ngắn hạn này có thể chỉ mang tính kỹ thuật nhằm củng cố cho một xu hướng chính bền vững hơn. Tại các vùng hỗ trợ mạnh có thể là điểm để cho chỉ số đảo chiều và phục hồi trở lại, hòa nhịp vào xu hướng chính. Tại đó, các cơ hội mới có thể lại xuất hiện, cũng là thời điểm để các nhà đầu tư lỡ nhịp tăng trước tham gia trở lại, hay mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư lướt sóng có thể tái gia nhập khi đã thực hiện chốt lời ở vùng giá cao.
Xâu chuỗi lại, theo quan điểm của phân tích kỹ thuật, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể đang nằm trong xu hướng phục hồi trung và dài hạn. Kịch bản dự báo cho năm 2019 của VN Index có thể sẽ vận động trong biên độ từ 900 đến 1.100 điểm.
Chúng tôi cho rằng, các nhịp điều chỉnh ngắn hạn có thể là cơ hội để các nhà đầu tư cân nhắc gia tăng thêm tỷ trọng vào các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, có dự báo kinh doanh tăng trưởng khả quan bởi các yếu tố riêng biệt của doanh nghiệp, hoặc các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại và tăng trưởng chung của nền kinh tế Việt Nam.
Các cổ phiếu của doanh nghiệp hưởng lợi như Dệt may, Bất động sản khu công nghiệp, cảng biển… . Bên cạnh, các cổ phiếu thuộc nhóm hưởng lợi từ tăng trưởng của nền kinh tế, như nhóm cổ phiếu tiện ích, tiêu dùng, nhà ở … có thể là mục tiêu tốt để các nhà đầu tư lựa chọn.