MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự báo thưởng Tết 2017 nhỉnh hơn năm ngoái

05-12-2016 - 09:12 AM | Xã hội

Năm 2016 được đánh giá có nhiều điểm sáng về kinh tế hơn so với năm 2015. Vì thế, theo các chuyên gia dự báo thưởng Tết năm 2017 có thể nhỉnh hơn so với năm ngoái.

Đặc biệt, khối doanh nghiệp Nhà nước trong ngành: Dệt may, dầu khí, than, viễn thông, dự kiến tiền thưởng sẽ tăng từ 5-10%.

Dệt may tiền thưởng sẽ tăng

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam nhận định: Năm 2016 là một năm khó khăn chung của ngành Dệt may song những đơn vị có quy mô, được đầu tư bài bản vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng. Bên cạnh đó, vẫn còn một số đơn vị nhỏ gặp khó khăn, thường xuyên thiếu đơn hàng, thu nhập bấp bênh nhưng số này không nhiều. Theo ông Giang, mức thu nhập trung bình của lao động dệt may năm 2016 có mức tăng trên 10% so với năm 2015. Nguyên nhân chính do tiền lương tối thiểu tăng, năng suất lao động cũng tăng khá cao, khoảng 5,5% so với năm 2015…

Mặt khác, trước tình hình khó khăn, nhiều đơn vị trong ngành Dệt may đã cải cách hệ thống quản trị, tập trung chuyên môn hóa vào những mặt hàng xuất khẩu chiến lược nên đã tăng nguồn thu đáng kể. “Dù nhiều chi phí đầu vào trong năm đều tăng nhưng thu nhập và thưởng Tết năm nay của lao động dệt may không thể giảm so với năm ngoái”, ông Giang khẳng định.

Trước câu hỏi, liệu có còn tình trạng thưởng tượng trưng bằng hàng hóa, ví như năm ngoái có DN dệt may tại Hà Nội đã thưởng Tết cho mỗi nhân viên 70 chiếc quần đùi, ông Giang nhận định: “Đó chỉ là trường hợp cá biệt với những đơn vị nhỏ làm ăn thua lỗ. Với những đơn vị đã tham gia thị trường xuất khẩu sẽ không bao giờ có chuyện đó. Chưa cần nói tới chuyện bị thị trường đào thải mà ngay cả người lao động cũng không thể chấp nhận ở lại với người chủ không đem lại được niềm tin về thu nhập cho họ”.

Thưởng Tết ngành ngân hàng sẽ không tăng

Mặc dù nhiều DN các ngành nghề đã rục rịch công bố thưởng Tết, tuy nhiên khảo sát tại nhiều ngân hàng (NH) thương mại thì vẫn chưa có thông báo gì. Chị Mai, Trưởng phòng NH VNCB cho biết, thời gian này NH vẫn đang chạy đua nước rút về các chỉ tiêu đặt ra đầu năm nên chưa thấy thông báo thưởng Tết. “Các nhân viên hầu hết đều đang nóng lòng hỏi thông tin lẫn nhau, thậm chí nhân viên ngân hàng này có bạn bè quen làm ở NH khác cùng dò hỏi… nhưng gần như chưa có thông tin”, chị Mai cho hay.

Một số lãnh đạo NH thương mại cũng khẳng định, mức thưởng Tết của NH phụ thuộc vào hiệu quả kinh doanh trong một năm. Tuy nhiên, lợi nhuận năm 2016 phải chờ đến ngày 30/12/2016 mới có nên không thể đưa ra thưởng Tết cụ thể là bao nhiêu.

Năm 2016, theo khảo sát của Bộ LĐ, TB&XH tại 13.000 doanh nghiệp cả nước, bình quân thưởng Tết Âm lịch là 5,5 triệu đồng, tăng gần 16% so với năm 2015. Mức thưởng cao nhất là 624 triệu đồng, thấp nhất 40.000 đồng, đều thuộc về doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó tổng giám đốc ACB cho biết, một số chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu của năm 2016 của ACB là tổng tài sản tăng 18%, đạt 237.000 tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tối đa hạn mức NHNN cho phép, dự kiến khoảng 18%. Vốn huy động từ tiền gửi khách hàng tăng trưởng phù hợp với nhu cầu sử dụng vốn 18%. Duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Trong đó, ACB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế dự khoảng 1.503 tỷ đồng. “Mặc dù chưa kết thúc năm 2016, tuy nhiên mục tiêu về lợi nhuận ACB đâu đó cũng đạt được ở ngưỡng đó. Riêng thưởng Tết, chưa có thông báo cụ thể nhưng cũng như năm ngoái mà thôi”, ông Toại nói.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các NH chỉ mới công bố lợi nhuận quý III. Cụ thể, đứng số một về tăng trưởng 9 tháng đầu năm là LienVietPostBank với tốc độ tăng trưởng 35%. LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất với chi nhánh đầy đủ ở tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc và hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã. Đứng thứ hai là Nam Á với lượng huy động vốn được 32,2 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 32,5%.

Song song với nhiều NH đạt các chỉ tiêu tăng trưởng và lợi nhuận tăng thì nhiều NH tiếp tục lỗ. Theo đó, kết thúc quý III, ngân hàng Kienlongbank lỗ 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 27,6 tỷ đồng. Eximbank trong 6 tháng đầu tiếp tục báo lỗ hơn 60 tỷ đồng. Điều này khiến Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM buộc phải giữ nguyên diện cảnh báo đối với cổ phiếu của Eximbank.

Theo các chuyên gia, những NH kinh doanh lỗ thì không nói nhưng ngay cả những NH lợi nhuận tăng, việc thưởng Tết vẫn thấp hơn nhiều so với ngày xưa. Hiện nay, thưởng Tết ở NH thậm chí không cao bằng khối DN tư nhân ngành khác.

Theo Hoàng Ngân - Yên Trang

Báo Giao thông

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên