MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dù đầu tư chứng khoán chưa bao giờ dễ dàng, đây vẫn là kênh sinh lời nhất năm 2016

Lấy VN-Index làm đại diện thì tỷ suất sinh lợi trung bình của thị trường (tính cả cổ tức tiền mặt) ở mức 18-20%. Kênh đầu tư vàng sinh lợi khoảng 10%. Tiền gửi ngân hàng sinh lợi trung bình 6,5%. Còn bất động sản nhìn chung khoảng 6%. Chứng khoán vẫn là kênh hấp dẫn nhất.

Trong báo cáo chiến lược mới đây, CTCK Maybank Kimeng (MBKE) đã nhận xét, năm 2016 tiếp tục là một năm tương đối thành công của kênh đầu tư chứng khoán nếu so sánh với các kênh đầu tư nội địa khác mà NĐT cá nhân có thể tham gia.

Chứng khoán sinh lời nhất trong năm 2016

Cụ thể, lấy chỉ số thị trường là VN-Index làm đại diện thì mức tăng trong cả năm 2016 xấp xỉ 15%, cần lưu ý mức tăng này chưa “tính thêm” phần cổ tức bằng tiền mặt được các công ty niêm yết chi trả (không thực hiện điều chỉnh trên VN-Index) và do đó tỷ suất sinh lợi trung bình của thị trường sẽ ở mức 18-20%.

Ngay cả khi dùng con số 15% để so sánh, sự hiệu quả hơn cũng là điều dễ nhận thấy. Ở kênh tiền gửi ngân hàng mức sinh lợi trung bình khoảng 6,5%; Ngoại tệ (cụ thể là đồng USD) dù có đôi chút biến động lớn hơn vào cuối năm nhưng tính trọn vẹn cả năm 2016 chỉ ghi nhận mức nhích tăng 1,5% (dựa trên biến động tỷ giá USD/VND tại Vietcombank).

Với kênh đầu tư vào vàng, con số sinh lợi có ấn tượng hơn khoảng 10% nhưng cũng cần lưu ý về rủi ro chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra đối với việc kinh doanh vàng vật chất tại Việt Nam. Ở kênh đầu tư nội địa cuối cùng là bất động sản, có sự phân hóa rất mạnh khi tình hình nhìn chung khá ảm đạm tại phân khúc căn hộ cao cấp (giá thậm chí đã giảm nhẹ trong 2016), tương đối ổn định tại phân khúc căn hộ trung cấp và có sự tăng giá đáng kể tại phân khúc đất nền ở một số khu vực, dù vậy theo tính toán của MBKE, mức sinh lợi trung bình của kênh đầu tư bất động sản trong năm vào khoảng 6%.

Với bức tranh vừa nêu, có thể thấy dù việc đầu tư chứng khoán thực tế chưa bao giờ là dễ dàng, đây vẫn là kênh đầu tư “sáng nhất” với các nhà đầu tư cá nhân tại Việt Nam.

Nhưng “độ khó” đã tăng

Như đã lưu ý, VN-Index tăng xấp xỉ 15% trong năm 2016 và đây là một kết quả khá tốt nếu so với những gì chỉ số này thực hiện trước đó trong năm 2014 (+7,7%) và 2015 (+6,1%). Nếu chỉ đơn thuần nhìn vào chỉ số làm thước đo tham chiếu, TTCK 2016 là những giai điệu vui hơn đáng kể.

Dẫu vậy, điều tưởng chừng như “nghịch lý” lại xảy ra khi thực tế mức độ khốc liệt dành cho nhà đầu tư đã tăng lên đáng kể trong năm nay. Đã không còn những “phần thưởng đại trà” cho số đông mà thay vào đó chỉ có những phần thưởng lớn dành cho một phần nhỏ hơn các cổ phiếu trên sàn. Độ phân hóa đã tăng rất mạnh trong năm 2016 khi dù chỉ số tăng mạnh 15%, vẫn có đến 324 mã giảm so với 331 mã tăng. Tương quan này trong năm 2015 là 258 mã giảm và 334 mã tăng.

2016 cũng là năm ghi nhận nhiều “câu chuyện không vui” liên quan đến các rui ro về mặt đạo đức của doanh nghiệp và khiến không ít nhà đầu tư chịu thua lỗ nặng nề tại các cổ phiếu này bất kể điểm số thị trường vẫn tăng khá.

Với mức độ phân hóa cao và hàng loạt các “dạng rủi ro” mới xuất hiện, chiến thắng trong năm 2016 thật sự chỉ có ở một bộ phận nhỏ các cổ phiếu của những công ty có nền tảng cơ bản rất vững chắc đi kèm với triển vọng kinh doanh sáng lạng trong thời gian tới.

Quý cuối cùng của năm 2016 là một “nốt trầm” trong bản nhạc vui của năm 2016 khi trái với kết quả tăng mạnh trước đó, VN-Index đã thoái lùi trở lại 3,2% trong quý này. Dẫu vậy MBKE cho rằng đây là “khoảng lặng” rất cần thiết để thị trường có thể tìm đến các vùng điểm cao hơn trong năm 2017.

Hà Phương

MBKE

Trở lên trên