MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự định tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017, cuối cùng Fed đã hóa thành "diều hâu"?

16-03-2017 - 12:41 PM | Tài chính quốc tế

Bà Yellen nhậm chức vào tháng 2/2014. Những nghị sĩ cánh tả ưa thích Yellen một phần là bởi dự đoán bà sẽ ưu tiên nhiệm vụ tạo ra việc làm hơn là ổn định giá cả.

Cuối cùng thì vận may đã đến với Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Trong 2 năm vừa qua, Fed đã có vô số lần dự đoán lãi suất sẽ tăng nhưng sau đó vẫn phải “dậm chân tại chỗ” vì những sự kiện bất ngờ. Rạng sáng nay (16/3), Fed đã tăng lãi suất lần thứ 3 kể từ khủng hoảng tài chính và còn dự báo sẽ có thêm 2 lần tăng nữa trong năm 2017. Điều chỉnh lãi suất là nhiệm vụ cơ bản của người quản lý chính sách tiền tệ. Nhưng ở vị trí người đứng đầu NHTW quyền lực nhất thế giới, Janet Yellen còn phải đối mặt với một triển vọng chính trị bị đe dọa khi ông Trump muốn thay bà bằng một người khác. Và 2018 sẽ là năm bản lề định hình “huyền thoại” về Chủ tịch nữ đầu tiên trong hơn 100 năm lịch sử của Fed.

Bà Yellen nhậm chức vào tháng 2/2014, sau khi vượt qua cựu Bộ trưởng Tài chính Larry Summers để nhận được sự tín nhiệm của chính quyền Obama. Những nghị sĩ cánh tả ưa thích bà Yellen một phần là bởi dự đoán bà sẽ ưu tiên nhiệm vụ tạo ra việc làm hơn là ổn định giá cả. Còn những nghị sĩ đảng Cộng hòa thì lo lắng rằng bà Yellen quá mềm mỏng với lạm phát. The Economist gọi bà là “chú bồ câu đầu tiên được thừa nhận” dẫn dắt Fed, ám chỉ bà là một người đi theo chủ trương hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng.

3 năm sau, bà Yellen lại đang đi theo hướng ngược lại. Bà tỏ ra “diều hâu” hơn so với ông Summers – người thường xuyên hối thúc Fed hãy giữ lãi suất ở mức thấp. Chỉ số lạm phát toàn phần (headline inflation) đã tăng lên mức 1,9%/năm, nhưng sau khi loại bỏ những mặt hàng biến động mạnh như thực phẩm và năng lượng, lạm phát lõi chỉ còn 1,7% trong khi mục tiêu Fed đề ra là 2%.

Tuy nhiên, Chủ tịch Fed không thực sự thay đổi quan điểm của mình. Đúng như kỳ vọng, bà vẫn chú trọng đến tỷ lệ thất nghiệp. Trước khi được bổ nhiệm cũng là lúc tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, bà muốn Fed cam kết sẽ giữ lãi suất ở mức thấp lâu hơn so với dự tính. Còn ở thời điểm hiện tại, với tỷ lệ thất nghiệp 4,7%, bà muốn tăng lãi suất hơn so với những người lo lắng về lạm phát thấp. Tháng 3 năm ngoái, bà lập luận rằng nếu Fed bỏ qua những diễn biến tích cực của thị trường lao động, cuối cùng lạm phát sẽ vượt 2%, buộc Fed phải nhanh chóng tăng lãi và nền kinh tế đứng trước nguy cơ suy thoái. Cuối cùng thì bà vẫn lo lắng thất nghiệp sẽ tăng.

Thực ra thất nghiệp đã giảm xuống mức 5,5% từ năm 2015, do đó nhiều người dự đoán Fed sẽ nhanh chóng tăng lãi suất. Tuy nhiên lạm phát vẫn ở mức thấp một cách kỳ lạ. Đồng USD mạnh và giá dầu rẻ là một phần nguyên nhân, nhưng tiền lương cũng dậm chân tại chỗ. Bà Yellen và các đồng nghiệp cho rằng sẽ an toàn hơn nếu để lạm phát giảm xuống chút nữa.

Cuối cùng, đến tận tháng 12, Fed tăng lãi suất 1 lần trong năm 2015 và cũng dự báo sẽ tăng 4 lần trong năm 2016 nhưng lại bị trì hoãn bởi nỗi lo về kinh tế toàn cầu (mà nguyên nhân chủ yếu từ sức khỏe kinh tế Trung Quốc).

Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến động thái tăng lãi suất lần này. Thứ nhất, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khá mạnh mẽ kể từ giữa năm 2016 đến nay. Thứ hai, thị trường tài chính đang bùng nổ. Thứ ba, Mỹ sắp tung ra gói kích thích tài khóa quy mô lớn. Theo mô hình của Fed, thuế giảm tương đương 1% GDP sẽ khiến lãi suất tăng gần 0,5%. Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã hứa sẽ giảm khoản thuế tương đương gần 3% GDP.

Phe “bồ câu” vẫn cho rằng sau khi tăng lãi suất, Fed sẽ chặn đứng đà phục hồi của nền kinh tế. Trước khủng hoảng 2007-08, khoảng 80% người dân Mỹ trong độ tuổi 25 đến 54 có việc làm. Ngày nay tỷ lệ chỉ còn 78%, tại sao tỷ lệ thất nghiệp lại giảm? Nguyên nhân là do có 2,5 triệu lao động tiềm năng không được tính đến bởi họ không đi tìm việc. Nếu Fed muốn hướng đến con số 82% của năm 2000, số lao động trong độ tuổi nhưng không đi tìm việc sẽ tăng gấp đôi.

Thu Hương

Economist

Trở lên trên