Dù khiến Mark Zuckerberg "lo ngay ngáy" nhưng giá trị công ty mẹ TikTok vẫn "thủng" 300 tỷ USD: Mảng công nghệ thực sự gặp khó?
Những tuần gần đây, ByteDance Ltd., công ty mẹ TikTok, luôn bị định giá ở mức thấp hơn 300 tỷ USD, giảm ít nhất 25% so với năm ngoái khi các nhà đầu tư bán mạnh.
- 04-07-2022Elon Musk: 'TikTok đang đẩy nhanh quá trình thoái trào của một nền văn minh'
- 29-06-2022Mỹ muốn Apple và Google loại TikTok ra khỏi các kho ứng dụng
- 29-06-2022TikTok bị tố sử dụng thuật toán bí mật khiến người dùng nghiện quá mức
- 28-06-20224 lý do TikTok dù “sinh sau đẻ muộn” nhưng nhanh chóng thu hút cả tỷ người dùng và trở thành đối thủ sừng sỏ của Facebook
- 25-06-2022TikTok bật chế độ “cỗ máy kiếm tiền”, Facebook đứng trước nguy cơ trở thành sản phẩm của… dĩ vãng
Theo số liệu của Bloomberg, các nhà đầu tư mua cổ phần của ByteDance Ltd. ở mức định giá thấp nhất là 275 tỷ USD. Trong một trường hợp, người mua tiềm năng thương lượng mua lại số cổ phần của người bán khi định giá công ty là 280 tỷ USD nhưng sau đó đã "quay xe". Một số nhà đầu tư thậm chí chỉ định giá công ty khởi nghiệp lớn nhất Trung Quốc dưới 250 tỷ USD khi đàm phán với người bán cổ phần.
Sự sụt giảm này được xem là "rất đáng kể" so với việc Tiger Global Management mua cổ phần công ty mẹ Tiktok vào năm 2021 với định giá lên tới 460 tỷ USD. Không chỉ thành công rực rỡ ở Trung Quốc, Tiktok đang là ứng dụng ăn khách trên toàn cầu, đe dọa vị thế của gã khổng lồ mạng xã hội Facebook và nhiều công ty công nghệ khác.
Sự sụt giảm với giá trị của ByteDance Ltd. cho thấy tâm lý không mấy lạc quan của nhà đầu tư với các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc, vốn đang vật lộn lấy lại vị thế sau một loạt các biện pháp siết chặt quản lý của nhà chức trách Trung Quốc. Nguồn vốn đầu tư mạo hiểm ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới cũng giảm mạnh. Giá cổ phiếu Tencent Holdings Ltd. và Alibaba Group Holding Ltd. lần lượt giảm khoảng 24% và 13% kể từ đầu năm.
Trong khi đó, thương vụ IPO của ByteDance, vốn được kỳ vọng là một trong những phiên chào sàn đáng mong đợi nhất của giới công nghệ Trung Quốc, đang bị đình trệ. Nó khó có thể diễn ra trong thời gian tới cho đến khi thị trường toàn cầu trở nên ổn định.
ByteDance, giống như nhiều gã khổng lồ công nghệ khác, đã buộc phải cắt giảm các dự án mở rộng khi nhà chức trách Trung Quốc ban hành các quy định quản lý chặt chẽ hơn với lĩnh vực công nghệ. Hồi tháng 6, công ty này đã phải đóng cửa một bộ phận phát triển trò chơi chủ chốt và để hơn 100 nhân sự rời đi. Nó cho thấy ByteDance không còn ôm tham vọng cạnh tranh với Tencent trong mảng trò chơi trực tuyến đầy hấp dẫn ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
Trong tháng này, Louis Yang, người đồng sáng lập Musical.ly - ứng dụng được ByteDance mua lại vào năm 2017 và hợp nhất với TikTok - đã nghỉ việc sau khi ByteDance thay đổi chiến lược hoạt động.
Thực tế, nhiều quỹ đã đẩy mạnh đầu tư vào mảng công nghệ chưa chào sàn trong vài năm qua, đặt cược rằng họ có thể hưởng lợi từ việc định giá tăng vọt trong một thị trường IPO bùng nổ. Giờ đây, khi môi trường thay đổi, các nhà đầu tư đang quay lưng với những khoản đầu tư rủi ro.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp Internet trị giá 1.000 tỷ USD của Trung Quốc có vẻ đang trở lại. Theo các nguồn thạo tin, Jack Ma đang kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sớm cấp phép cho công ty của tỷ phú này hoạt động trong lĩnh vực tài chính số. Các quy định nghiêm ngặt với lĩnh vực trò chơi trực tuyến cũng đang được nới lỏng và nhiều khả năng, Bắc Kinh sẽ cho phép Didi Global trở lại với khoản phạt bằng tiền.
Trong số các gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, ByteDance vẫn là cái tên có tính toàn cầu nhất. Riêng Tiktok dự kiến sẽ tạo ra 12 tỷ USD doanh thu trong năm nay, nhiều hơn cả Snap và Twitter cộng lại. Douyin và các dịch vụ nội địa như Toutiao tiếp tục dẫn đầu trong mảng của mình tại Trung Quốc, giành thị phần từ Tencent và Alibaba.
Tuy nhiên, do chưa trở thành doanh nghiệp đại chúng nên ByteDance phải đối mặt với nhiều quy định phức tạp, khiến hoạt động đầu tư hạ nhiệt. Tiền của Mỹ cũng đã rời đi và chưa có dấu hiệu trở lại. JPMorgan cùng nhiều định chế tài chính khác ở phố Wall cho rằng không thể đầu tư ở Trung Quốc trong một thời gian.
Dẫu vậy, không thể phủ nhận sự nổi lên của Tiktok đã trở thành mối đe dọa lớn nhất với Facebook và Google trong lĩnh vực quảng cáo trực tuyến. Mark Zuckerberg cũng thể hiện rõ sự lo lắng với Tiktok khi liên tiếp nhắc tên nền tảng này trong các cuộc họp liên quan tới hoạt động của Facebook. Thậm chí, mạng xã hội lớn nhất thế giới còn cho ra đời tính năng giống hệt Tiktok để lôi kéo người dùng.