Dự kiến đầu tư 460.000 tỷ đồng phát triển đồng bằng sông Cửu Long
Số tiền trên sẽ tập trung xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường ven biển, cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước...
- 21-06-2022Chuyện hôm nay: Chỉ thu cũng lỗ
- 21-06-2022Các hãng hàng không Việt Nam đang nhắm đến những thị trường "vàng" nào?
- 21-06-2022Bình Dương nằm trong top 7 cộng đồng thông minh thế giới
Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030 diễn ra vào sáng nay (21/6), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí, vai trò chiến lược đặc biệt quan trọng cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển của vùng còn khó khăn, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế, do nhiều nguyên nhân nội vùng và ngoại vùng.
Do đó Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định 287 của Thủ tướng Chính phủ nhằm cụ thể hóa và triển khai tư duy mới, tầm nhìn mới tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030.
"Chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn"
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh "biến thách thức thành cơ hội" sẽ là một trong những đột phá mang tính chiến lược trong Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, đồng bằng sông Cửu Long sẽ "chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn".
Ngoài ra sẽ chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Vùng theo hướng gia tăng hiệu quả và giá trị, trong đó chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực về con người và khoa học và công nghệ…
Đồng bằng sông Cửu Long cũng sẽ thay đổi tư duy về an ninh lương thực từ việc phát triển nông nghiệp dựa vào cây lúa sang thủy sản - trái cây - lúa gạo.
Vùng đất "chín rồng" cũng sẽ chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang tập trung cả về nông nghiệp, công nghiệp và đô thị.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng đồng bằng sông Cửu Long
830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long kết cấu hạ tầng sẽ là bệ đỡ cho phát triển kinh tế- xã hội và thúc đẩy liên kết vùng. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các tuyến kết nối với TP Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ thông qua 2 trục cao tốc đường bộ, tuyến đường thuỷ nội địa và tuyến đường sắt nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ trong tương lai.
"Đến năm 2030, sẽ đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830 km đường bộ cao tốc; khoảng 4.000 km đường quốc lộ; 04 cảng hàng không; 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa tại đồng bằng sông Cửu Long", ông Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Quy hoạch cũng sẽ tập trung phát triển hành lang đô thị công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An kết nối với thành phố Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam bộ và hệ thống 8 trung tâm đầu mối về nông nghiệp. Phát triển hành lang kinh tế, đô thị dọc sông Tiền - sông Hậu từ An Giang đến Sóc Trăng gắn với phát triển cảng biển Trần Đề nhằm kết nối, giao thương quốc tế về đường bộ gắn với đường thủy nội địa và hàng hải
Đầu tư 460.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025
Về nguồn lực thực hiện Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết trong giai đoạn 2021-2025, tổng số vốn ngân sách nhà nước dự kiến hỗ trợ cho các dự án trên địa bàn do địa phương quản lý dự kiến đạt khoảng 320.000 tỷ đồng, tăng 23,3% so với giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, Nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương là khoảng 178.000 tỷ đồng; Nguồn vốn ngân sách trung ương là khoảng 82.000 tỷ đồng; Nguồn vốn nước ngoài (ODA) là 60.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, vốn ngân sách nhà nước đầu tư qua một số Bộ như Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế... để triển khai các công trình dự án trong Vùng đạt khoảng 140.000 tỷ đồng.
"Tổng số vốn ngân sách nhà nước đầu tư dự kiến giai đoạn 2021-2025 của Vùng khoảng 460.000 tỷ đồng", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Với số vốn được bố trí như trên, sẽ hoàn thành một số công trình trọng điểm của vùng, như các tuyến đường bộ cao tốc (Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ – Sóc Trăng), các tuyến đường quốc lộ; toàn bộ tuyến đường ven biển; một số trục động lực quan trọng kết nối với TP. Hồ Chí Minh, vùng Đông Nam Bộ; cảng hàng không; các công trình thủy lợi cấp nước, trữ nước, kiểm soát mặn...
VTV