MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dự kiến kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 thêm 3 năm nữa

08-03-2022 - 11:38 AM | Tài chính - ngân hàng

Dự kiến kéo dài thời gian xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42 thêm 3 năm nữa

Hôm qua 7/3, NHNN đã họp để lấy ý kiến góp ý sửa đổi thời gian áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025 thay vì hạn cuối là 15/8/2022.

Việc đề xuất kéo dài thời gian áp dụng Nghị quyết 42 nhằm tránh khoảng trống pháp lý  khi Nghị quyết này hết hiệu lực thi hành và khi chưa ban hành được Luật. Đồng thời, dự thảo cũng đề xuất Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong thời gian kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42.

Lý giải về đề xuất trên, NHNN cho biết, trong 5 năm áp dụng Nghị quyết 42, công tác xử lý nợ xấu đã đạt được những kết quả tích cực. Khách hàng cũng nâng cao ý thức, tự nguyện hợp tác với các tổ chức tín dụng để thực hiện các nghĩa vụ khi khoản nợ đáo hạn.

Đáng chú ý, kết quả xử lý nợ xấu được cải thiện rõ rệt trong 5 năm qua. Tổng số nợ xấu được xử lý trong thời gian áp dụng nghị quyết 42 đạt trung bình khoảng 5.660 tỉ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2.140 tỉ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi nghị quyết số 42 có hiệu lực.

Theo báo cáo thống kê về nợ xấu của các tổ chức tín dụng, lũy kế từ ngày 15/8/2017 đến 30/11/2021, toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 373.300 tỷ nợ xấu trong đó có 193.300 tỷ là nợ xấu nội bảng, các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán là 98.400 tỷ đồng.

Trong trường hợp không kéo dài thời gian áp dụng, sau khi Nghi định 42 hết hiệu lực, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng, VAMC sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42.

Trong bối cảnh dịch bênh Covid-19 diễn biến căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của nền kinh tế thì tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng vẫn đang ở mức cao và vẫn còn khả năng tăng lên trong thời gian tới. Tỷ lệ nợ xấu gộp (bao gồm nợ xấu nội bảng, nợ xấu bán cho VAMC chưa được xử lý và nợ xấu tiềm ẩn từ các khoản cơ cấu lại) tăng mạnh lên mức 7,31% cuối năm 2021. Do vậy, việc tiếp tục áp dụng Nghị quyết này là cần thiết bởi sẽ giảm áp lực chịu rủi ro của các tổ chức tín dụng.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu tiềm ẩn theo dự báo ở mức khá cao, thậm chí có thể lên đến trên 7,5% trong vòng 1 năm tới.

"Do đó, để thực hiện mục tiêu phấn đấu xử lý và kiểm soát tỉ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống các tổ chức tín dụng ở mức dưới 2% trong thời gian tới là thách thức không nhỏ đối với ngành ngân hàng" - Ngân hàng Nhà nước báo cáo.

Nghị quyết 42/2017/QH14 là Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và có hiệu lực từ ngày 15/8/2017. Tuy nhiên, đây là Nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm, đến ngày 15/8/2022 Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực thi hành.

https://cafef.vn/du-kien-keo-dai-thoi-gian-xu-ly-no-xau-theo-nghi-quyet-42-them-3-nam-nua-20220308113811325.chn

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên