Du lịch Cần Giờ … mong chờ phố đêm
Nếu đề án mở Phố đêm Cần Giờ được TP Hồ Chí Minh thông qua, huyện Cần Giờ sẽ có thêm sản phẩm du lịch làm điểm nhấn, giữ chân du khách lưu trú nhiều ngày.
- 03-06-2023Mở hướng đầu tư, du lịch qua chính sách thị thực
- 02-06-2023Doanh thu du lịch Hà Nội 5 tháng đầu năm tăng gần gấp đôi
- 02-06-2023Việt Nam có thể chứng kiến cú hích mạnh từ du lịch quốc tế
Du khách đi tàu trên sông Ông Tiên - Cá Cau (Cần Giờ) và ghé tham quan các lồng bè nuôi hải sản trên khu vực.
Cần Giờ vẫn chỉ đi… trong ngày
Cần giờ là huyện ngoại thành tiếp giáp biển của TP Hồ Chí Minh, với lợi thế bờ biển dài 23km, hơn 22.000 ha diện tích sông ngòi đã tạo nên cho địa phương một vùng đất đa dạng sinh học, là một trong 9 Khu dự trữ sinh quyển thế giới được công nhận tại Việt Nam. Với những lợi thế này, tiềm năng khai thác du lịch của một huyện thuộc TP Hồ Chí Minh rất lớn. Thực tế cũng cho thấy, đây là địa chỉ được nhiều người dân TP chọn đến trong chuyến đi ngắn ngày.
Ngoài sự đa dạng sinh học, Cần Giờ là địa phương có nét văn hóa đặc sắc với 7 di tích, di sản được xếp hạng và 1 làng nghề truyền thống. Tiềm năng thiên nhiên và văn hóa bản địa này mang đến lợi thế đa dạng để khai thác du lịch. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm du lịch của Cần Giờ vẫn chưa thực sự làm thỏa mãn du khách.
Huyện Cần Giờ có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên và văn hóa, tiềm năng lớn để khai thác du lịch.
Chị Phương Thảo (Quận 7, TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, "mình rất thích đi Cần giờ, một năm đi 2 -3 lần để đổi gió vì không khí ở đấy rất tốt và nhiều cây rừng. Nhưng cũng chỉ đi trong ngày ăn hải sản rồi về, ở lại qua đêm không có gì để trải nghiệm thêm cả".
Tâm lý đi trong ngày rồi về là tâm lý chung của hầu hết khách du lịch khi đến với Cần Giờ hiện nay, bởi ngoài việc tham quan các khu rừng, di tích lịch sử và trải nghiệm mô hình nông nghiệp địa phương thì hiện nay các sản phẩm du lịch về đêm của Cần Giờ hầu như không có.
Kỳ vọng vào Phố đêm Cần Giờ
Nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch Cần Giờ, níu chân du khách ở lại lâu hơn, từ giữa năm 2022, UBND huyện Cần Giờ đã có đề án xin thành lập Phố đêm Cần Giờ tại Thị trấn Cần Thạnh, thông tin này đã làm rất nhiều người dân địa phương và du khách mong chờ. Tuy nhiên, theo UBND huyện Cần Giờ, phương án xây dựng Phố đêm Cần Giờ tại thị trấn không phù hợp với quy hoạch được thành phố phê duyệt trước đó nên vào Tháng 10/2022, huyện đã rà soát và lập lại tờ trình xin thành lập khu phố đêm tại xã Long Hòa. Theo đánh giá, xã Long hòa là nơi thu hút 90% lượng khách du lịch đến với huyện. Trên khu vực này cũng có nhiều điểm lưu trú, địa điểm kinh doanh vui chơi, một khu chợ hải sản và một số khu du lịch hiện hữu đã sẵn sàng tham gia hoạt động tại Phố đêm nếu được thông qua.
Toàn cảnh khu vực được để xuất làm Khu B phố đêm Cần Giờ.
Là chủ homestay Ruby trên địa bàn xã Long Hòa, cũng là khu phức hợp du lịch tham quan giải trí nghỉ dưỡng, nằm trong khu vực quy hoạch khu B của phố đêm Cần Giờ, Bà Ninh Thị Kim Hoa chia sẻ rất mong chờ đề án phố đêm sớm được thông qua và đi vào hoạt động, với kỳ vọng sẽ mang lại điểm nhấn mới cho du lịch địa phương về đêm, tăng thêm cơ hội đón khách lưu trú. "Theo quy hoạch mình nắm thì Khu B là khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí Ruby này. Ở đây vừa có nhà hàng, nhà nghỉ, homestay, khu cắm trại kiểu Mông Cổ, tất cả các hạng mục gần như đã xong, rất phù hợp cho khách đoàn, vui chơi trải nghiệm. Nhất là khu trại hè, để cho nhiều tốp học sinh của trường đến trong dịp hè. Nếu khu phố đêm được thông qua đi vào hoạt động thì đã đón khách được ngay lập tức", bà Ninh Thị Kim Hoa hào hứng chia sẻ.
Đại diện cơ sở du lịch địa phương cũng nói thêm, "với đặc thù là địa phương có rừng có biển, có sông, sản phẩm nông nghiệm và ẩm thực đa dạng nên phố đêm ra đời sẽ giúp du khách có cơ hội thưởng thức ẩm thực tại chỗ ngon mà rẻ hơn so với nhiều vùng du lịch biển khác".
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ cho biết: Do đặc thù Cần Giờ gần Trung tâm TP.HCM cho nên đa phần khách du lịch đến tham quan nhiều nhưng lại về trong ngày, ít ở lại qua đêm. Vì vậy, "nếu được thành phố chấp nhận chủ trương mở phố đêm phục vụ du lịch này sẽ góp phần đa dạng sản phẩm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú của du khách, quảng bá sản phẩm nông nghiệp địa bàn nhất là sản phẩm OCOP. Đồng thời, tăng tiêu dùng trên địa bàn khi du khách đến và tăng thu nhập của người dân khi tham gia phố đêm".
Hiện nay, đề án mở phố đêm Cần Giờ đang trong giai đoạn được các sở ngành ở TP Hồ Chí Minh thẩm định phê duyệt. Nếu được thông qua, gần như các hoạt động sẽ được kích hoạt ngay lập tức, mang đến một sản phẩm du lịch về đêm tạo điểm nhấn cho phố biển Cần Giờ.
Một số hình ảnh hiện hữu tại khu vực Khu B Ruby Homestay được đề xuất mở phố đêm Cần Giờ:
Theo UBND huyện 5 tháng đầu năm 2023, lượt khách đến Cần Giờ ước đạt trên 1,7 triệu lượt, tăng 38% so với 5 tháng đầu năm 2022. Đạt 51.6% chỉ tiêu của năm. Năm 2023, huyện đặt chỉ tiêu 3.470.000 lượt khách.
Ông Nguyễn Ngọc Xuân cho biết, với việc xác định du lịch và ngành kinh tế chủ lực của địa phương, huyện Cần giờ đã có nhiều hoạt động hỗ trợ tập huấn hướng dẫn có các doanh nghiệp địa phương tham gia sâu vào chuỗi du lịch và cung cấp những sản phẩm du lịch chất lượng. Đồng thời, hỗ trợ để các hộ kinh doanh, doanh nghiệp du lịch địa phương có thể đưa sản phẩm của mình lên các sàn thương mại điện tử uy tín để tăng lượt khách tiếp cận.
Là một doanh nghiệp du lịch tại địa phương, bà Ninh Thị Kim Hoa cũng cho rằng: Tiềm năng khai thác du lịch của Cần Giờ còn rất nhiều, lợi thế chính là rất gần TP Hồ Chí Minh nơi có 11 triệu dân, đường đi ngày càng thuận lợi và dễ dàng hơn. Người làm du lịch cần giờ cần nhìn nhau làm đồng loạt, dựa trên việc tôn trọng di sản thiên nhiên và phát huy văn hóa. "Nếu làm được những sản phẩm du lịch phức hợp và dựa vào sản phẩm mới chợ đêm thì lượt khách tự tìm đến rất nhiều, và tỷ lệ quay lại cũng cao, không chỉ du khách mà người dân địa phương ở đây cũng rất mong chờ loại hoạt động như thế này".
Theo định hướng đến năm 2030, huyện Cần Giờ phấn đấu trở thành đô thị nghỉ dưỡng sinh thái du lịch chất lượng cao của TP và có sức cạnh tranh trong khu vực và kinh tế du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
VTV.VN