Du lịch khởi sắc sau mở cửa
Chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ. Gần 90% các đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại.
- 02-09-2022Dự kiến 7 địa danh quy hoạch thành khu du lịch quốc gia ưu tiên
- 30-08-2022Phục hồi du lịch quốc tế bằng cách nào?
- 29-08-2022Gần 1,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong 8 tháng đầu năm, dòng khách từ đâu đổ về nhiều nhất?
Du lịch Việt Nam đang thực sự phục hồi. Tại cùng một địa điểm ở bãi biển Sầm Sơn, Thanh Hóa, hè năm ngoái do dịch bệnh phức tạp, bãi biển này gần như không 1 bóng người. Trong khi đó, ghi nhận vào tháng 6 năm nay, sau khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn du lịch vào tháng 3, bãi biển này đông kín du khách.
Không chỉ Sầm Sơn, mà ở hầu khắp các điểm du lịch đều có rất đông du khách. Thống kê chỉ trong tháng 8, đã có hơn 8 triệu người Việt Nam đi du lịch trong nước; hơn 486.000 khách quốc tế đến Việt Nam.
Tính chung 8 tháng đầu năm nay, tổng khách du lịch nội địa là gần 80 triệu lượt, vượt xa mục tiêu cả năm nay. Khách nước ngoài đạt hơn 1,2 triệu lượt.
Chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa, du lịch Việt Nam đã phục hồi mạnh mẽ với tổng thu trên 356.000 tỷ đồng. Gần 90% các đơn vị du lịch, lưu trú đã hoạt động trở lại.
Du khách tắm biển tại một bãi biển ở Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Vân Anh)
Các địa phương đều chú trọng đổi mới sản phẩm. Như Hà Nội, dịp nghỉ lễ này, những điểm đến đa phong cách thu hút người dân du khách mọi lứa tuổi. Từ không gian văn hóa, sinh thái và ẩm thực đậm chất Việt, khám phá thủy cung đến đường phố mang phong cách kiến trúc, lễ hội quốc tế.
Đặc biệt, khu giải trí thực tế ảo rộng hơn 1.000 m2 đem lại những trải nghiệm công nghệ mới lạ. 8 tháng đầu năm, lượng khách nội địa vượt xa mục tiêu 60 triệu lượt khách cả năm
"Du lịch quốc tế đang trong quá trình hồi phục và đang kết nối lại. Du lịch nội địa chính là cứu cánh cho ngành du lịch Việt Nam cho thấy sức bật mạnh mẽ của hoạt động du lịch nội địa trong bối cảnh nước ta đã mở cửa lại", ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đánh giá.
Với du lịch quốc tế, con số 1.200.000 lượt mới đạt 20% mục tiêu và thấp hơn nhiều trước COVID-19. Tuy nhiên, sự tăng trưởng qua từng tháng cho thấy du lịch quốc tế đang phục hồi. Riêng tháng 8, khách quốc tế tăng 32%, bằng tổng 4 tháng đầu năm cộng lại.
"Thật mừng vì Việt Nam và Canada đã kết nối trở lại để chúng tôi được tới đất nước của các bạn. Một nơi tuyệt đẹp", ông James Pealow, du khách Canada, bày tỏ.
"Chúng tôi đã và đang có những kế hoạch phối hợp cùng Sở Du lịch để thực hiện tốt việc đón khách đến Phú Quốc, đảm bảo an toàn cho du khách. Bên cạnh đó giá cả dịch vụ phải được đảm bảo, hợp lý", ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP Phú Quốc, Kiên Giang, cho biết.
Đợt 2/9 này, lượng đặt phòng ở mức cao so với trước đây, nhiều khu du lịch, tham quan nghỉ dưỡng đã kín chỗ đặt từ sớm. Du lịch khởi sắc thực sự là động lực bứt phá cho 4 tháng cuối năm.
Chuẩn bị đón mùa cao điểm khách quốc tế
Riêng với khách du lịch nước ngoài, từ tháng 3, khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn đến nay vẫn chưa phải là mùa cao điểm của khách quốc tế. Trong vòng 4 tháng tới mới thực sự là giai đoạn nước rút, vì vậy du lịch Việt Nam phải tạo được lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực.
Hà Nội - điểm trung chuyển phân phối khách quốc tế đến cả nước ghi nhận lượng khách quốc tế tăng mạnh trở lại khi bước vào mùa cao điểm. Chỉ tính riêng trong tháng 8, có 150.0000 lượt khách đến, chiếm 1/5 tổng lượng khách trong 8 tháng. Một chuỗi các sự kiện văn hóa, nghệ thuật được đẩy mạnh tổ chức vào các tháng cuối năm nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm độc đáo phục vụ khách quốc tế.
"Chúng tôi đã chỉ đạo các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, làm mới sản phẩm và đề nghị các đơn vị xây dựng khung giá phù hợp góp phần kích cầu, thu hút khách đến Việt Nam trong thời gian tới", bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho hay.
Nhằm đạt được mục tiêu đón 5 triệu du khách quốc tế trong năm nay, chiến lược chung của toàn ngành du lịch là kết nối lại những thị trường có chính sách thông thoáng cho người dân đi du lịch nước ngoài, tập trung vào thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Australia và thị trường mới nổi như: Trung Đông, Ấn Độ.
Du khách quốc tế tham quan Hội An. (Ảnh: NLĐ)
Tuy vậy, chính sách thị thực của Việt Nam chưa thực sự tạo ra lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia trong khu vực. Thời gian miễn thị thực theo Luật Xuất nhập cảnh hiện nay là 15 ngày, chưa phù hợp nhu cầu lưu trú dài ngày từ 3 - 4 tuần của du khách quốc tế tới từ các thị trường xa.
"Phải có lòng chân thành hơn với khách và quan trọng hơn nữa là tạo ra sản phẩm phục vụ cho khách tốt nhất, thân thiện nhất. Như vậy chúng ta có nhà nước, có doanh nghiệp, có cộng đồng dân cư cùng vào cuộc thì lập tức du lịch của chúng ta sẽ khởi sắc", ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhận định.
Trong tháng 9, du lịch Việt Nam sẽ tham gia Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Nhật Bản; tham gia Hội chợ Du lịch Thế giới tại Vương quốc Anh, Bắc Ireland vào tháng 11 và các lễ hội, chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm; từng bước hiện thực hóa mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm nay, dù còn nhiều thách thức.
VTV.VN