MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dư luận dậy sóng với nghề buôn “hài cốt” của hot tiktoker: Ngành tưởng mới nổi nhưng đã tồn tại hàng thế kỷ

15-10-2021 - 15:59 PM | Tài chính quốc tế

Dư luận dậy sóng với nghề buôn “hài cốt” của hot tiktoker: Ngành tưởng mới nổi nhưng đã tồn tại hàng thế kỷ

Hot TikToker kinh doanh hài cốt người thật làm dậy sóng dư luận với những câu hỏi đặt ra về tính hợp pháp và đạo đức.

Jon Pichaya Ferry, 21 tuổi, với tài khoản TikTok có tên JonsBones, là một người kinh doanh "hài cốt". Tài khoản của anh có gần 500.000 người theo dõi và 22 triệu lượt thích. Anh nổi tiếng với những video trả lời câu hỏi về nghề kinh doanh có phần đáng sợ này.

Việc sử dụng TikTok để giới thiệu hoạt động kinh doanh di thể con người cho đối tượng giới trẻ đã làm dậy sóng dư luận với những phản ứng dữ dội về tính chất đạo đức của công việc này. Những người dùng TikTok khác đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp và đạo đức của việc buôn bán hài cốt, trong khi Ferry cho rằng nó phục vụ mục đích giáo dục.

Các hoạt động buôn bán kỳ dị này đã thu hút các nhà nhân chủng học, nhà sưu tập, nghệ sĩ và những người tò mò về cấu trúc xương. Ngành công nghiệp tồn tại hàng thế kỷ và từ lâu đã làm dấy lên một câu hỏi đáng sợ: Điều gì sẽ xảy đến với một cái chết vô danh? Hoặc: Tại sao cuộc đời của con người lại kết thúc ở một bộ sưu tập?

Phần hiện đại của một ngành kinh doanh lâu đời

Trang web của JonsBones cho biết họ chỉ bán xương y tế hoặc xương được chuẩn bị đặc biệt cho việc đào tạo sinh viên y khoa. Ferry cho biết anh tìm kiếm những bộ tro tàn và cung cấp dịch vụ có giá trị cho những người không có cơ hội tiếp xúc với xương người thật.

Nhưng các mẫu vật y tế đều có nguồn gốc không rõ ràng. Nhiều bộ xương được cho là bị đánh cắp từ những ngôi mộ và bị ép buộc đưa vào lĩnh vực giáo dục. Đây không phải là những người đã hiến tặng cơ thể của họ cho khoa học.

Ferry nói rằng bất chấp những khởi đầu khó khăn, anh tin rằng con đường kinh doanh của mình là đáng trân trọng.

Các phương tiện truyền thông xã hội đã cho phép tiếp cận thị trường mới với loại giao dịch vốn chỉ giới hạn trong những cửa hàng kỳ dị. Khi một số trang web như Etsy và eBay thực hiện cấm bán hài cốt trên nền tảng của họ, các nhà cung cấp chỉ cần chuyển sang một trang web khác. Đây là một cuộc chơi vô tận.

Đôi khi, mọi người thấy ý tưởng kinh doanh này thật kinh dị, nhưng Ferry nói với tờ The Washington Post rằng anh không nghĩ về nó theo cách đó. Anh cảm thấy say mê và tôn trọng cấu trúc của xương. Ferry cũng tiết lộ rằng nhiều gia đình không còn muốn những bộ xương này nữa. Và anh coi công việc của mình là tìm một ngôi nhà mới thích hợp hơn cho những bộ hài cốt này.

Niềm đam mê của Ferry với xương khớp bắt đầu từ lúc 13 tuổi, khi bố của anh đã tặng bộ xương chuột lắp ráp hoàn chỉnh với những khớp nối. Bắt đầu từ một cửa hàng nhỏ vào năm 2018 khi mới chuyển đến New York, hiện tại anh đang làm việc với một nhóm gồm 8 nhà thầu bán thời gian và bán được khoảng 20-80 bộ xương mỗi tháng.

Các chuyên gia nói rằng quy mô của hoạt động buôn bán hài cốt gần như không thể xác định được. Nhưng hoạt động này đã kéo dài hàng thế kỷ và được hình thành phần lớn thông qua việc đánh cắp hài cốt từ người Mỹ bản địa, những người bị bắt làm nô lệ và các nhóm bị áp bức từ các quốc gia khác.

Hài cốt thường có nguồn gốc từ Trung Quốc và Ấn Độ. Sau này, các nhà nghiên cứu xác định có khoảng 60.000 bộ xương xuất khẩu sang Mỹ trong một năm, theo báo cáo trên Chicago Tribune khi Ấn Độ cấm xuất khẩu hài cốt vào năm 1985. Các chuyên gia cho biết hầu hết các hài cốt bị đánh cắp từ các ngôi mộ và sau đó vận chuyển ra nước ngoài.

Trong khi luật liên bang yêu cầu hài cốt của người Mỹ bản địa phải được trả lại cho các bộ lạc hoặc con cháu theo yêu cầu. Một số ít các bang có luật hạn chế việc mua bán và sở hữu hài cốt người. Còn lại hầu hết đều cho phép việc buôn bán được diễn ra.

Shawn Graham, giáo sư khoa học kỹ thuật số tại Carleton, cho rằng khi việc mua bán hài cốt được công khai, người bán hiểu được nguồn gốc đáng ngờ về mặt đạo đức. Nhưng ông cho rằng những ngôn từ hoa mỹ như phục vụ giáo dục hoặc yêu vẻ đẹp vốn có của những bộ xương chỉ để đánh lạc hướng khỏi những vấn đề đạo đức.

"Đó là con người"

Ferry cho biết anh không thể tiết lộ cụ thể người mua của mình vì lý do riêng tư. Công ty của Ferry bán cho một số trường đại học hoặc bảo tàng và các cơ quan thực thi pháp luật sử dụng xương để huấn luyện cảnh khuyển. Trang web mở cửa công khai và cũng bán cho các nghệ sĩ và bất kỳ ai khác quan tâm.

Ferry cho biết anh cố gắng "làm gương" và khuyên khách hàng đối xử với xương "bằng sự tôn trọng hết mực". Tuy nhiên, JonsBones không kiểm soát được những gì mọi người làm với xương khi chúng đã được bán đi.

Theo Damien Huffer, giáo sư hỗ trợ nghiên cứu tại Đại học Carleton, Canada, cho rằng bộ sưu tập này thậm chí không phải là phần nổi của tảng băng chìm. Ông nói, các nhà sưu tập trên khắp thế giới có những bộ sưu tập lớn hơn nhiều so với JonsBones, và việc buôn bán này có trước cả khi TikTok xuất hiện.

Giáo sư Graham nói: "Không ai có thể phản đối việc mua bán đồ cổ hoặc mẫu vật, nhưng đó là con người. Và chắc chắn không một ai trong số những người này từng đồng ý với việc cơ thể của họ được đối xử hoặc bị mua bán như thế này".

Tham khảo The Washington Post

Khánh Ly

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên