Dự trữ giảm, giá gạo sẽ còn tăng từ nay tới cuối năm
Giá gạo sẽ tiếp tục tăng từ nay tới cuối năm do tồn trữ của Thái Lan sắp cạn và thiên tai xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới.
- 09-06-2017Giá gạo Thái Lan tiếp tục lập kỷ lục 4 năm
- 06-06-2017Giá gạo xuất khẩu cao nhất trong gần 3 năm qua
- 03-06-2017Philippines có kế hoạch nhập khẩu 250.000 tấn gạo
Theo tờ Bangkok Post, Thư ký thường trực Bộ Thương mại Thái Lan, Wiboonlasana Ruamraksa, ngày 14/6 đã gửi báo cáo tới Uỷ ban Chính sách Gạo Quốc gia – do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha làm chủ tịch – trong đó viết rằng nhu cầu gạo thế giới dự báo sẽ tăng trong năm nay do sản lượng giảm bởi thiên tai và dự trữ của Chính phủ Thái cũng giảm.
Chính phủ Thái Lan hiện chỉ còn khoảng 2,9 triệu tángạo trong kho dự trữ, trong đó khoảng 2,7 triệu tấn là loại chất lượng kém chỉ có thể dùng trong công nghiệp hoặc làm thức ăn chăn nuôi. Con số này rất nhỏ so với mức 18,87 triệu tấn dự trữ trước năm 2014.
Dự trữ gạo loại đủ dùng làm lương thực cho người hiện chỉ còn 160.000 tấn, sau khi Chính phủ bán 1,66 triệu tấn trong tổng số 1,82 triệu tấn chào bán ở phiên đấu giá lần 2 diễn ra vào tháng 5 vừa qua.
Từ tháng 5/2014 đến ngày 7/6/2017, tổng cộng 13,9 triệu tấn gạo đã được bán qua các phiên đấu giá, đem lại cho Chính phủ Thái Lan 130 tỷ baht. Phần dự trữ còn lại sẽ được bán nốt vào tháng 9 hoặc 10 năm nay.
“Sẽ không còn gạo dự trữ loại chất lượng cao ở Thái Lan cho tới vụ thu hoạch chính, vào tháng 11 tới, do vậy nhiều nước hiện đang vội vã mua gạo của Thái Lan”, ông Duangporn Rodphaya, Vụ trưởng Vụ Ngoại thương Thái Lan cho biết.
Giá gạo đã tăng mạnh trong 2 tháng qua. Ngày 2/6, gạo Hom Mali của Thái Lan có giá tới 715 USD/tấn, FOB, so với chỉ 632 USD/tấn một tháng trước đó; trong khi gạo thơm của Việt Nam giá cũng tăng lên 495 USD/tấn, từ mức 475 USD/tấn trong cùng kỳ.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), thương mại gạo thế giới sẽ đạt 41,3 triệu tấn trong năm nay, tiếp tục tăng lên 42,3 triệu tấn trong năm 2018, từ mức 40,6 triệu tấn năm 2016.
Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) mới đây cũng hạ dự báo về sản lượng gạo thế giới năm 2017 xuống thấp hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo hồi tháng 5 do giá gạo cuối năm 2016 thấp khiến nông dân nhiều nơi giảm diện tích trồng lúa, và một số quốc gia năm nay bị thiên tai ảnh hưởng xấu tới mùa màng.
Các cơ quan khí tượng tiếp tục cảnh báo có tới 46% nguy cơ thời tiết cực đoan xảy ra ở Bán cầu Nam trong những tháng Hè này.
Trong khi đó, dự báo về thương mại gạo thế giới được FAO điều chỉnh tăng lên 43,6 triệu tấn trong năm 2017, cao hơn 4,8% so với năm 2016. Châu Á được cho là sẽ chiếm gần một nửa mức tăng trưởng thương mại gạo theo dự báo, với khối lượng gạo nhập khẩu sẽ lên tới 21,3 triệu tấn, tăng 11% so với năm trước. Lý do bởi một số nước trong khu vực xoá bỏ thuế nhập khẩu hoặc một số Chính phủ phải quay trở lại nhập khẩu sau một thời gian kiềm chế để bình ổn giá gạo trong nước hoặc bổ sung vào kho dự trữ.
Các trường hợp điển hình là Bangladesh, Philippines và Sri Lanka. Philippines sẽ nhập khẩu khoảng 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay. Nhập khẩu vào Trung Quốc lục địa, Iraq, CH Hồi giáo Iran, Malaysia và Saudi Arabia tất cả dự báo cũng sẽ đều tăng trong năm 2017. Châu Phi năm nay sẽ chỉ tăng nhập khẩu 1,1% so với năm ngoái lên 14,3 triệu tấn do các đồng tiền của khu vực này mất giá và được mùa lúa ở nhiều quốc gia. Riêng châu Mỹ Latinh và Caribê sẽ giảm 5% nhập khẩu gạo trong năm 2017 xuống 4 triệu tấn.
Dựa trên các số liệu về cung – cầu, FAO dự báo dự trữ gạo thế giới năm marketing 2017/18 sẽ giảm 0,2% xuống 170,5 triệu tấn, đủ dùng trong 4 tháng. Tỷ lệ dự trữ – sử dụng giảm còn 33,2% trong năm 2017/18, từ mức 33,8% năm trước đó. Dự trữ gạo ở các nước xuất khẩu gạo chủ chốt sẽ giảm năm thứ 4 liên tiếp xuống chỉ 37 triệu tấn, thấp hơn 6% so với năm trước, trong đó của Thái Lan sẽ giảm mạnh nhất. Dự trữ của Ấn Độ, Việt Nam, Pakistan và Mỹ cũng sẽ đều giảm.