Đưa ngân hàng vào kiểm soát đặc biệt: Phải có căn cứ, tránh áp dụng tùy tiện
Theo đại biểu Quốc hội, cần có nguyên tắc làm cơ sở xác định tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặc biệt, nhằm đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tránh việc áp dụng tùy tiện.
- 08-06-2017Xử lý nợ xấu: Cần báo cáo kết quả thực hiện hàng năm thay vì chỉ 1 lần
- 08-06-2017Nợ xấu liên quan đến án tham nhũng, phải "truy tận gốc, trốc tận ngọn"
- 08-06-2017Đại biểu Quốc hội: Còn cho vay thì còn nợ xấu
Phát biểu trước Quốc hội về vấn đề nợ xấu hôm 7/6, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân đoàn đại biểu Tp. Cần Thơ cho biết, việc ban hành nghị quyết xử lý nợ xấu vào thời điểm hiện nay là kịp thời và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do hiện nay chúng ta chưa có khuôn khổ pháp lý đầy đủ, đồng bộ về xử lý nợ xấu, những vấn đề đặt ra trong dự thảo nghị quyết thì quy định cơ bản đầy đủ về nguyên tắc, biện pháp xử lý nợ xấu, xử lý tài sản đảm bảo mang tính khả thi phù hợp với thực tiễn và không trái với quy định của Hiến pháp năm 2013 và các luật khác có liên quan.
Nghị quyết này ban hành nhằm mục tiêu xử lý các khoản nợ xấu đã tồn tại trong thời gian qua, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, không tạo ra đặc quyền cho các tổ chức tín dụng hay lợi ích nhóm.
Tuy nhiên, để nghị quyết đi vào cuộc sống, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ ngành trung ương tăng cường chỉ đạo, tổ chức thực hiện ngay khi nghị quyết có hiệu lực thi hành, quan tâm đặc biệt đến việc các tổ chức tín dụng phải tuân thủ các quy định để phân loại nợ, tổ chức tín dụng không tùy tiện chuyển nợ bình thường thành nợ xấu, quyền thu giữ tài sản đảm bảo chỉ được thực hiện trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết thỏa thuận giữa các bên, khi có sự vi phạm cam kết của bên đảm bảo, tránh để các tổ chức tín dụng lạm quyền thu giữ và lạm dụng cơ quan nhà nước trong việc thu giữ tài sản đảm bảo.
Cũng như phần lớn ý kiến của các đại biểu khác, đại biểu Xuân đề nghị giới hạn thời điểm nợ xấu xử lý là từ 31/12/2016 trở về trước để nâng cao trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan và góp phần kiểm soát, hạn chế phát sinh thêm khoản nợ mới.
Đồng thời đại biểu cũng đề nghị phải có nguyên tắc không sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu. Quy định xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật gây nợ xấu và trừ trường hợp đang bị khởi tố điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của pháp luật để nâng cao trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm, góp phần hạn chế xảy ra nợ xấu và đảm bảo an toàn nợ công quốc gia.
Về căn cứ xác định tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặc biệt, đề nghị quy định cụ thể nguyên tắc làm cơ sở xác định tổ chức tín dụng để đặt vào kiểm soát đặc biệt, nhằm đảm bảo tính khả thi, công khai, minh bạch tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, tránh việc áp dụng tùy tiện.
Bên cạnh đó, cần quy định rõ cơ chế xác định trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trong việc không thực hiện đầy đủ các giải pháp phòng ngừa rủi ro dẫn đến nợ xấu.
Liên quan việc miễn trách nhiệm đối với người tham gia cơ cấu lại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, đại biểu đồng tình với quy định tại Khoản 12 Điều 1 của dự thảo luật ở Điều 147 luật hiện hành. Tuy nhiên, để quy định của luật được chặt chẽ không tạo sơ hở để tổ chức, cá nhân tụt lại, đề nghị bổ sung quy định cụ thể và căn cứ được miễn trách nhiệm, tránh lạm dụng khi thực hiện gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.