MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đưa nhiều đoạn cao tốc vào khai thác: Thêm không gian phát triển, tạo động lực đột phá

Những tuyến đường bộ cao tốc mới đang mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho các địa phương, vùng kinh tế của đất nước.

Đưa nhiều đoạn cao tốc vào khai thác- Thêm không gian phát triển, tạo động lực đột phá - VTV.VN

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong ba đột phá chiến lược là "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ", với mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Cùng với 11 dự án của giai đoạn 1 được bắt đầu khởi công từ cuối năm 2020 dài 654 km, ngay đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình danh mục 12 dự án (thuộc giai đoạn 2) có tổng chiều dài 729 km và được Quốc hội thông qua. Đây là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch, tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng quốc gia.

Đoạn cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - Quốc lộ 45 vừa được khánh thành để người dân kịp sử dụng trong những ngày nghỉ lễ là những tuyến cao tốc đã được mong chờ từ lâu nay đã thành hiện thực.

Đưa nhiều đoạn cao tốc vào khai thác: Thêm không gian phát triển, tạo động lực đột phá - Ảnh 1.

Những dòng xe đầu tiên đi vào cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết sau lễ thông xe sáng 29/4. (Ảnh: Dân trí)

Lưu thông với tốc độ tối đa 120 km/h, đoạn đường bộ cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đang dần hóa giải những nút thắt về hạ tầng giao thông cho khu vực Đông Nam Bộ. Thời gian lưu thông được rút ngắn hơn, ước mơ của người dân và doanh nghiệp đã trở thành hiện thực.

Tiến độ hoàn thành các dự án cao tốc Bắc - Nam

Trong năm nay sẽ có 7 dự án thành phần với tổng chiều dài hơn 411 trên tổng số 652 km của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 được hoàn thành. Ngoài tuyến Mai Sơn - Quốc lộ 45, Phan Thiết - Dầu Giây. 5 dự án còn lại đang được xây dựng để để sớm thông xe.

Ngày 19/5 hoàn thành 2 dự án đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100 km và đoạn Nha Trang - Cam Lâm dài hơn 49 km. Ngày 2/9 tiếp tục thông xe đoạn Quốc Lộ 45 - Nghi Sơn dài 43 km và đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km. Ngày 31/12 hoàn thành dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Quyết tâm hoàn thiện hạ tầng giao thông

"Khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó, khó khăn ở đâu thì tháo gỡ ở đó; vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết", "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ đã lan tỏa đến các bộ, ngành và địa phương. Tất cả dồn sức cao nhất để hoàn thành mục tiêu quan trọng. Đó là hoàn thiện hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại tạo đòn bẩy tăng trưởng cho kinh tế đất nước.

Những ngày nghỉ lễ, công trường vẫn hối hả làm việc. Những khó khăn của thời điểm trước đã dần được hóa giải. Các tuyến đường bộ cao tốc tiếp tục được nối dài hơn. Quyết tâm cao nhất là hình thành trục lưu thông huyết mạch cho đất nước.

"Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ vừa là nguồn cổ vũ, động viên cho cán bộ công nhân viên, đồng thời cũng là để năm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ", ông Lê Đình Thọ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho hay.

Hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1 đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 640 km, tiếp tục nối tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc - Nam hơn 800 km. Những tuyến đường bộ cao tốc mới đang mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho các địa phương, vùng kinh tế của đất nước.

"Chúng tôi đang rà soát lại các tuyến giao thông kết nối với đường cao tốc gắn với quy hoạch khu công nghiệp, dịch vụ và phát triển đô thị ở khu vực này", ông Lâm Văn Bi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết.

Trong các cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải có cách làm, tư duy, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu. Các bộ, ngành, địa phương đã quyết tâm, cần quyết tâm cao hơn nữa; đã cố gắng rồi, cố gắng hơn nữa; đã nỗ lực rồi, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành mục tiêu đề ra.

"Khó khăn đến đâu thì giải quyết đến đó, vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, vướng mắc ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, dứt khoát không né tránh, không đùn đẩy, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể, cân, đong, đo, đếm được và nhân dân được hưởng thụ thật", Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Những tuyến đường bộ cao tốc đang tiếp tục được nối dài hơn. Bắt đầu từ cuối năm 2023 cho đến cuối năm 2025, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đưa 1.100 km vào khai thác. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để giảm chi phí logistics cho các doanh nghiệp ở mức 12% trong tổng giá thành như các nước trong khu vực; đồng thời tạo ra không gian phát triển mới cho nhiều địa phương, xây dựng chuỗi vùng, hình thành các cực tăng trưởng có chất lượng cho đất nước.

Theo Ban Thời sự

VTV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên