MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dùng bình nóng lạnh lắp đặt theo kiểu cũ, 3 người gặp tai nạn thương tâm: Hồi chuông cảnh tỉnh cho nhiều gia đình

18-08-2023 - 13:16 PM | Sống

Vụ việc như một hồi chuông cảnh tỉnh cho các gia đình cần thay đổi cách lắp đặt bình nóng lạnh trong nhà của mình nếu như chúng không còn phù hợp, không đảm bảo an toàn nữa.

Theo tờ Today Online, một gia đình 3 người ở Singapore, bao gồm 2 vợ chồng cùng người con trai đã gặp một tai nạn giật điện dẫn tới chết người trong chính căn nhà của mình. Sự việc xảy ra vào cuối năm 2020, nhưng cho đến giờ vẫn là ví dụ điển hình cho sai lầm lắp đặt bình nóng lạnh theo cách không còn phù hợp.

Cụ thể, người chồng là ông Omar Manan, 80 tuổi đã vô tình bị điện giật trong lúc đang tắm. Vợ ông là bà Asmah Bujang, 66 tuổi sau đó cũng bị điện giật và không qua khỏi khi tới để giúp chồng mình. Con trai của họ, anh Muhamad Ashikin Omar cũng tử vong theo cách tương tự.

Cảnh sát và các điều tra viên địa phương kết luận, nguyên nhân tử vong của 3 người này là đã sử dụng bình nóng lạnh được lắp đặt theo kiểu cũ, không đủ đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng. Chiếc bình nóng lạnh này hoạt động thông qua việc cắm phích cắm ba chân và bật cầu chì, được lắp đặt cũng ngay trong phòng tắm. Qua thời gian dài hoạt động cộng với việc liên tục bị dính nước, độ ẩm cao, khiến thiết bị bị chập điện, dẫn tới người dùng bị giật rồi không qua khỏi.

Lắp đặt bình nóng lạnh theo kiểu cũ, gia đình 3 người gặp tai nạn thương tâm - Ảnh 1.

Kiểu lắp đặt bình nóng lạnh với cầu chì và ổ điện cũng ở ngay trong phòng tắm tiềm ẩn rủi ro cho người dùng (Ảnh minh họa)

Trên thực tế, kiểu lắp đặt bình nóng lạnh như trên đã được khuyến khích loại bỏ, bởi nó tiềm ẩn nguy hiểm cho người dùng. Thay vào đó, người dùng nên lắp đặt bình nóng lạnh dưới dạng hoạt động bằng các công tắc 2 cực, được đặt ở ngoài nhà tắm. Hoặc trang bị aptomat cùng bộ ngắt mạch dòng điện dư (RCCB). Đây là một thiết bị an toàn điện, có tác dụng giúp ngắt mạch điện một cách nhanh chóng khi có dòng điện rò rỉ.

Lắp đặt bình nóng lạnh theo kiểu cũ, gia đình 3 người gặp tai nạn thương tâm - Ảnh 2.

Người dùng nên sử dụng bình nóng lạnh với công tắc bật tắt 2 cực, lắp đặt ngoài phòng tắm (Ảnh minh họa)

Những lưu ý khi sử dụng bình nóng lạnh

Bên cạnh lắp đặt công tắc cho bình nóng lạnh ở vị trí phù hợp, trang bị các thiết bị giúp đảm bảo an toàn hơn khi có sự cố rò điện, dưới đây cũng là một số lưu ý khác khi sử dụng bình nóng lạnh, mà người dùng cần ghi nhớ và lưu ý.

1. Chọn vị trí bình nóng lạnh phù hợp

Tùy vào thiết kế phòng tắm và gia chủ nên lựa chọn vị trí lắp đặt bình nóng lạnh sao cho thích hợp. Các chuyên gia khuyến cáo, thiết bị nên được lắp đặt ở trên cao, cao hơn vòi hoa sen để hạn chế tối đa trường hợp nước bắn vào. Cách cạnh khác của bình cũng nên có diện tích trống tối thiểu 50cm.

Việc này vừa đảm bảo quá trình hoạt động của thiết bị, vừa tiện lợi hơn cho việc vệ sinh, bảo dưỡng thiết bị. Trong trường hợp người dùng lo sợ bình nóng lạnh lớn dễ rơi xuống, không nên đặt bình nóng lạnh lên các đồ nội thất khác, mà hãy lắp thêm giá nâng cho thiết bị.

Lắp đặt bình nóng lạnh theo kiểu cũ, gia đình 3 người gặp tai nạn thương tâm - Ảnh 3.

Bình nóng lạnh nên được lắp đặt ở vị trí cao, hạn chế tối đa nước bắn vào (Ảnh minh họa)

2. Lựa chọn bình có dung tích phù hợp với gia đình

Bên cạnh giá thành, công nghệ hay thương hiệu, yếu tố quan trọng hơn cả người dùng nên lưu ý khi chọn mua bình nóng lạnh đó là dung tích. Nên chọn bình có dung tích phù hợp với nhu cầu sử dụng của gia đình. Việc làm này vừa giúp tiết kiệm điện, vừa giúp tiết kiệm chi phí mua bình cho gia đình.

Dưới đây là một số gợi ý lựa chọn bình nóng lạnh với dung tích khác nhau, tùy thuộc theo số người sử dụng:

Bình 15 lít dùng cho gia đình có 1 - 2 người.

Bình 20 lít dùng cho gia đình có 2 - 3 người.

Bình 30 lít dùng cho gia đình có 3 - 4 người.

Bình 45 lít dùng cho gia đình có 4 - 5 người.

3. Không bật vừa sử dụng bình nóng lạnh

Có một thói quen rất nhiều gia đình thực hiện hàng ngày đó là vừa bật vừa sử dụng bình nóng lạnh. Tuy nhiên đây được coi là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn tới chập cháy thiết bị, gây nguy hiểm tới con người. Bên cạnh đó, người dùng cũng không nên bật bình nóng lạnh cả ngày, 24/24.

Theo SF Gate, trang tin tức phổ biến thứ 2 ở California, Mỹ với gần 30 triệu độc giả mỗi tháng, dựa trên nhu cầu sử dụng, một gia đình có thể sẽ cần bật bình nóng lạnh khoảng 3 giờ/ngày. Cách dùng được khuyên đó là nên bật bình vào khoảng thời gian 15 - 30 phút trước khi sử dụng, tùy vào dung tích bình.

Lắp đặt bình nóng lạnh theo kiểu cũ, gia đình 3 người gặp tai nạn thương tâm - Ảnh 4.

Không nên vừa bật bình nóng lạnh vừa sử dụng nước nóng (Ảnh minh họa)

4. Nên vệ sinh, bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ

Nhiều người thường bỏ quên việc bảo dưỡng và vệ sinh bình nóng lạnh định kỳ. Tuy nhiên theo các chuyên gia đánh giá, việc lâu ngày không vệ sinh, bảo dưỡng bình nóng lạnh không chỉ ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thiết bị, mà còn ảnh hưởng tới nguồn nước sinh hoạt. Ngoài ra còn gây lãng phí điện năng, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố chập cháy nguy hiểm.

Đặc biệt, các kỹ sư điện cũng khuyến cáo, khi thanh magie bên trong bình nóng lạnh bị ăn mòn, không được thay thế kịp thời thì khả năng xảy ra chập cháy là rất lớn.

Chính vì vậy, người dùng nên tiến hành bảo dưỡng, vệ sinh bình nóng lạnh định kỳ 1 năm 1 lần. Tại các khu vực chất lượng nguồn nước không tốt, nước có nhiều cặn thì có thể tiến hành thường xuyên hơn, khoảng 6 tháng 1 lần.

Lắp đặt bình nóng lạnh theo kiểu cũ, gia đình 3 người gặp tai nạn thương tâm - Ảnh 5.

Nên vệ sinh, bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ (Ảnh minh họa)

Nếu chưa đến thời gian bảo dưỡng mà bình nóng lạnh xuất hiện những dấu hiệu sau, người dùng cũng nên lưu ý để tiến hành kiểm tra kịp thời. Có thể kể tới là các bộ phận của bình bị han gỉ nghiêm trọng, đặc biệt là phần dây nối, bình phát ra tiếng ồn bất thường, bình bị rò rỉ nước hoặc bình đun nước không đủ nóng.

Theo Thu Phương

Phụ nữ số

Trở lên trên