Đừng để du lịch Việt Nam 'đi trước về sau'
Khách quốc tế tham quan Hội An (Quảng Nam) - Ảnh: LÊ TRUNG
Mục tiêu 5 triệu hay 10 triệu khách chỉ là những con số không nhiều ý nghĩa nếu du lịch Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể để thực hiện. Và đây chính là bài học hồi phục của du lịch Việt Nam sau đại dịch.
- 19-12-2022Thứ hạng GDP Việt Nam năm 2022 và 2023 trên thế giới được dự báo thay đổi thế nào?
- 19-12-2022Sau vài chục cuộc họp, hàng chục lần lấy ý kiến, cải cách tiết kiệm gần 9300 tỷ vẫn nằm trên giấy, dự thảo vẫn chỉ là dự thảo!
- 19-12-2022Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý một loạt vấn đề nóng
Ông Hoàng Nhân Chính, trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn du lịch quốc gia (TAB), cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ.
Ông Hoàng Nhân Chính nói:
- Ngành du lịch đã không thể đón 5 triệu lượt khách quốc tế như kỳ vọng. Sẽ có câu hỏi: Liệu con số 5 triệu khách này có phải quá tầm với ngành du lịch Việt Nam hay quá ảo tưởng từ đầu hay không? Hoàn toàn không.
Biết trước nút thắt nhưng không gỡ được
* Nhiều nước mở cửa muộn hơn Việt Nam sau dịch COVID-19 nhưng ngành du lịch của họ hồi phục nhanh hơn. Điều này có bất thường?
- Theo ước tính của nhóm nghiên cứu thuộc TAB, cả năm 2022, Việt Nam chỉ có thể đón được khoảng 3,5 triệu du khách nước ngoài, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra và doanh thu liên quan đạt khoảng 4,5 tỉ USD. Trước dịch COVID-19, chúng ta đón hơn 18 triệu lượt khách, nếu so với mục tiêu 5 triệu thì chúng ta phục hồi chỉ bằng khoảng 27%.
Khi con số 5 triệu khách không đạt được trong khi các nước xung quanh như Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu về thu hút khách quốc tế, phục hồi ngành du lịch thì du lịch Việt Nam cần phải ngồi lại mổ xẻ, tìm nguyên nhân. Điều đó rất cần thiết.
* Vậy ông có bất ngờ gì với kết quả này?
- Ngay từ tháng 5-2022, nhóm nghiên cứu đã nhận thấy rằng nếu vẫn tiếp tục cách hồi phục như vậy thì con số đón 5 triệu lượt khách quốc tế rất khó đạt được.
Chúng tôi có khuyến nghị, đề xuất nhưng đáng tiếc không được lắng nghe. Đây là điều rất khác so với các nước. Cơ quan du lịch của các nước như Thái Lan, Singapore... khi họ cảm nhận con đường phục hồi có vấn đề, ngay lập tức họ "đi nói chuyện" với các cơ quan liên quan, có chính sách thích ứng.
Chúng ta vẫn theo cách làm cũ trong khi nếu có thay đổi về quảng bá, hay chính sách đón khách từ khoảng tháng 8 thì có lẽ giờ sẽ đạt kết quả khác.
Thị trường quốc tế không hồi phục như kỳ vọng cũng có nghĩa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng hàng không phải tiếp tục chật vật xoay sở và hàng trăm nghìn người lao động trong ngành sẽ còn khó khăn.
-Ông Hoàng Nhân Chính-
Mấu chốt là vấn đề visa
* Theo ông, đâu là những nguyên nhân dẫn đến du lịch Việt Nam "đi trước về sau"?
- Mấu chốt vẫn là vấn đề visa. Nhiều năm nay, mọi người trong và ngoài ngành du lịch đều thắc mắc con số miễn thị thực 15 ngày mà Việt Nam đang quy định là dựa trên cơ sở nào. Có du khách quốc tế muốn ở lâu hơn phải bay sang nước khác rồi nhập cảnh lại.
Về quy định, du khách có thể gia hạn nhưng không dễ. Trong khi Luật xuất nhập cảnh đã cho phép du khách quốc tế có thể lưu trú từ 30 - 90 ngày. Đáng lẽ ra chúng ta phải tận dụng tối đa cái gì luật cho phép.
Khách không hẳn muốn được miễn thị thực để tiết kiệm 25 USD mà cái chính là họ phản ánh đang bị gây khó khăn, bất tiện khi muốn vào Việt Nam, từ thủ tục xin visa đến lúc nhập cảnh tại sân bay. Ở các nước, chính sách visa vẫn miễn nhưng không có nghĩa ai muốn vào thì vào, vẫn có những biện pháp kiểm soát và quốc gia họ vẫn đảm bảo an ninh.
Chúng ta không thể cứ quảng cáo, chứng minh là điểm đến được tìm kiếm trên Google nhiều hàng đầu khu vực nhưng du khách thì không thể vào.
Thứ nữa là chính sách hỗ trợ vốn, tín dụng cho những doanh nghiệp trong ngành du lịch. Ngành du lịch cần được nhìn nhận và có sự hỗ trợ cụ thể hơn. Tất nhiên, các điểm nghẽn của du lịch Việt Nam còn rất nhiều việc phải gỡ, từ sản phẩm khác biệt, nguồn nhân lực... đến sự tự nhận thức của doanh nghiệp để có thể sống sót, cạnh tranh.
Tính chung 11 tháng năm 2022 ước đạt 2.732.948 lượt khách, tăng 683.137% so với cùng kỳ năm 2021 - Nguồn: Tổng Cục Du lịch Việt Nam; tradingeconomics.com/thailand/tourist-arrivals - Đồ họa: N.KH.
Cần tổng chỉ huy mạnh
* Như vậy, mục tiêu của ngành du lịch Việt Nam trong năm 2023 nên như thế nào, thưa ông?
- Chúng tôi vẫn mong muốn du lịch Việt Nam giữ đà tăng trưởng bằng các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapore..., tức sẽ đặt mục tiêu tăng gấp đôi so với năm 2022.
Du lịch Việt Nam không nên vì con số 3,5 triệu lượt khách của năm 2022 mà chùn bước, tự đầu hàng với một kế hoạch dễ thực thi trong năm tới.
Mục tiêu đón 10 triệu khách quốc tế trong năm 2023 hoàn toàn có cơ sở, chỉ là chúng ta phải giải quyết vấn đề gì để đạt được con số ấy! Phải có kế hoạch rõ ràng từ xây dựng sản phẩm, tiếp thị đến các chính sách gỡ rối, cần ngành nào vào cuộc hay kịch bản để hàng không nhập cuộc đi trước ra sao?...
Phải phân vai, có một tổng chỉ huy, người cầm trịch để phân công trách nhiệm của từng bên. Hiện nay, vai trò đó đang mờ nhạt...
* Chuyên gia Lương Hoài Nam:
Phải thay đổi về tư duy miễn thị thực
Cần phân biệt với miễn thị thực và thị thực (visa), không hẳn miễn thị thực là tất cả ai cũng có thể vào Việt Nam. Thái Lan đang miễn visa cho 65 nước, Singapore đang miễn cho 162 nước, an ninh các quốc gia này vẫn đảm bảo, nếu so với 25 quốc gia mà Việt Nam đang áp dụng miễn visa.
Thay đổi suy nghĩ về điều này thì các cơ quan quản lý nước ta sẽ bớt lo lắng về chuyện miễn visa, ủng hộ tăng số nước được miễn visa và số ngày du khách được phép lưu trú ở Việt Nam.
Điều này rất quan trọng cho du lịch Việt Nam đón được lượng khách nhiều hơn mà vẫn chất lượng. Ngay cả việc quầy thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam cũng cần tăng lên, đưa công nghệ vào để tăng sự thân thiện, thuận lợi.
Ngay cả chính sách visa on arrival (visa cấp tại sân bay) cũng chưa thực chất, du khách vẫn phải xin phê duyệt trước, không phải cứ đến rồi xin như một số nước chú trọng du lịch cho phép.
* Ông Phạm Hà (chủ tịch Lux Group):
Thiếu chính sách "cho du lịch, vì du lịch"
Thái Lan đã bài bản trong thông điệp về chính sách visa vàng (golden visa) khi cho phép khách lưu trú đến 45 ngày cho mỗi lần nhập cảnh, họ định vị được mình là điểm đến mới sau dịch với nhiều trải nghiệm mới, và cơ quan nhà nước, khách sạn, hàng không của họ cũng có sự liên kết, xúc tiến hiệu quả, trong đó vai trò đi trước của các hãng hàng không... Nhờ đó các chuyến bay đến Thái Lan đều khai thác công suất tối đa, hiệu quả... Trong khi đó, Việt Nam ngược lại.
Thiệt hại lớn nhất khi lượng khách không đến nhiều như mong muốn là các doanh nghiệp. Ở đây, chúng ta thiếu những chính sách đúng nghĩa "cho du lịch, vì du lịch". Các vấn đề nói mãi nhiều năm qua như visa, thể chế chính sách cho du lịch, sản phẩm, quản lý điểm đến kết nối hàng không... nhưng không có sự thay đổi.
Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị tháo gỡ
Hành khách quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM - Ảnh: Q.ĐỊNH
Nhiều đại biểu dự hội nghị bàn tròn với chủ đề Phục hồi kinh tế và doanh nghiệp 2023: Giải pháp tạo bứt phá từ trụ cột "Dịch vụ hàng không - du lịch" vừa diễn ra đã mổ xẻ nguyên nhân không đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế và bàn giải pháp.
Ông Đinh Việt Phương, giám đốc điều hành Vietjet, băn khoăn câu hỏi tại sao cùng điều kiện đó các nước xung quanh Việt Nam có lượng khách quốc tế tốt hơn? Và lý giải nguyên nhân đầu tiên do chính sách cấp thị thực (visa) cũng như trang web cấp visa điện tử cần thay đổi. Năm 2022 Vietjet tiên phong mở lại thị trường Ấn Độ nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt khách Trung Quốc, nhưng khách Ấn Độ bị vướng về visa.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, chủ tịch HĐQT Vietravel, cho biết: "Ngày 15-3 chúng ta mở cửa du lịch nhưng chính sách visa không thay đổi lần nào. Còn Thái Lan thay đổi bảy lần, ta kiên trì thời hạn visa 15 ngày nhưng Thái Lan nâng từ 15 ngày lên 30 ngày rồi ba tháng".
Còn ông Phạm Quang Vinh, cố vấn cấp cao Tập đoàn Lodgis, cho biết tháng 11-2022 Phuket (Thái Lan) đón 55.000 khách Nga trong khi Việt Nam không đón được. "Không có chuyến bay nào đưa khách từ Nga sang Việt Nam mà phải bay qua nước thứ ba mới bay vào Việt Nam thì bao giờ du lịch mới lên được", ông Nguyễn Quốc Kỳ giải thích.
Ông Nguyễn Lê Phúc, phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, xác nhận Việt Nam mở cửa du lịch sớm nhất trong ASEAN. Chọn mục tiêu 5 triệu khách quốc tế năm 2022 đã "rất cẩn thận" nhưng chưa đạt, theo ông Phúc, vì thị trường nguồn còn vướng mắc, cơ chế so với Thái Lan chưa thoáng bằng.
"Chúng tôi đang làm việc với các bộ, ngành khác để tháo gỡ", ông Phúc nói và cho hay Thủ tướng sắp chủ trì hội nghị với các bộ, ngành về tháo gỡ, thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Các kiến nghị như bảo hiểm chi trả dịch COVID-19, theo ông Phúc, phải làm việc tháo gỡ dần, việc này đã lấy ý kiến của Bộ Y tế đồng ý bỏ bảo hiểm COVID-19, đang lấy ý kiến Bộ Tài chính để gỡ bỏ sớm.
TUẤN PHÙNG
* Ông Huỳnh Văn Sơn (tổng giám đốc Công ty cổ phần Ngôi sao biển Sài Gòn):
Tổng cục Du lịch có trách nhiệm
Kết quả chỉ đón hơn 3 triệu du khách trong năm 2022 cần được "tư lệnh" của ngành du lịch giải trình rõ ràng, không thể đặt ra mục tiêu rồi không đạt thì đổ lỗi cho hoàn cảnh.
Chúng ta mở cửa trước, Thái Lan mở sau nhưng chính sách visa của họ thông thoáng ngay từ đầu. Tâm lý của khách nếu "vào Việt Nam khó quá" là ngay lập tức khách chuyển sang các địa điểm khác.
Thứ hai, sự bị động của cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý dù nhìn thấy các điểm nghẽn làm ảnh hưởng đến mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế nhưng đã không có những phản ứng quyết liệt.
Với kết quả hiện nay, Tổng cục Du lịch phải tự trách mình vì chưa làm tròn nhiệm vụ. Ngay bản thân các doanh nghiệp khi nghe đến con số 5 triệu lượt khách cũng mù mờ vì không hề thấy đi kèm mục tiêu này là giải pháp gì, cơ sở thực hiện ra sao. Trong khi, nếu công bố chính sách thực hiện đi kèm các doanh nghiệp sẽ có cơ sở để xây dựng chiến lược phát triển, từ công tác xúc tiến, sản phẩm đến tiếp thị...
Lúc này, ngành du lịch cần xem lại hệ thống giải pháp, chứ không nhất thiết cứ năm sau cao hơn năm trước.
N.BÌNH
Tuổi trẻ