MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng tiêu cực, người Việt sẽ được nhiều hơn mất khi Thái Lan rót mạnh vốn vào Việt Nam

Lo sợ sẽ bị mất lợi thế sân nhà, hay nỗi ám ảnh khi hàng loạt các tập đoàn lớn của Thái Lan rót hàng tỷ USD vào Việt Nam mới chính là nguyên nhân hạ gục các doanh nghiệp nội, chứ không phải sự hiện diện của doanh nghiệp Thái.

Không phủ nhận, làn sóng đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đang ngày càng tăng lên trong những năm gần đây. Đặc biệt trước thời điểm hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đầu năm 2016, cuộc đổ bộ của các tập đoàn Thái ngày càng mạnh mẽ đã mang lại nhiều lợi ích cho thu hút dòng vốn FDI từ nước này.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nếu như năm 2012 Thái Lan đầu tư vào Việt Nam khoảng 5,9 tỷ USD, trở thành nhà đầu tư lớn thứ 11 ở Việt Nam và lớn thứ ba trong khối ASEAN, thì số vốn này đã tăng lên 6,4 tỷ USD.

Thứ hạng các nước đầu tư vào Việt Nam của Thái Lan cũng được cải thiện, khi xếp thứ 10 trong tổng số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam; xếp thứ 2 trong số các nước ASEAN đầu tư trực tiếp vào Việt Nam.

Đến năm 2014, các nhà đầu tư Thái Lan có 374 dự án đầu tư vào Việt Nam, nâng tổng vốn đầu tư khoảng 6,6 tỷ USD, tiếp tục giữ vị trí thứ 10. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam đã mở rộng, từ các ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng, thức ăn chăn nuôi, sang các ngành công nghiệp, chế biến chế tạo, xây dựng và phân phối…

Số lượng các dự án đầu tư của Thái Lan vào Việt Nam tiếp tục tăng lên trong năm 2015, với hơn 400 dự án, nâng tổng số vốn lên hơn 7 tỷ USD. Mặc dù không giữ được vị trí thứ 10 và bị tụt hạng, song xu hướng đầu tư của Thái Lan vẫn tiếp tục diễn ra, đóng góp lớn cho các dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.

Thực tế, trong những tháng đầu năm 2016 thì số vốn từ các nhà đầu tư Thái Lan tiếp tục rót mạnh vào Việt Nam. Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đến nay tổng số vốn từ Thái Lan đầu tư vào Việt Nam đã lên tới gần 8 tỷ USD.

Tuy nhiên, trái ngược với xu hướng đầu tư mạnh mẽ của Thái Lan vào Việt Nam đang được xem là hoạt động tích cực trong thu hút FDI, thì gần đây hàng loạt các tập đoàn Thái đẩy mạnh việc mua lại hệ thống phân phối tại Việt Nam, lại làm dấy lên nhiều nỗi lo cho hàng Việt và doanh nghiệp nội trên sân nhà.

Theo đó, hai chuỗi phân phối bán lẻ có quy mô lớn tại Việt Nam là Metro và BigC đã lần lượt rơi vào tay người Thái Lan – đều là những tập đoàn bán lẻ hàng đầu của nước này. Đáng chú ý, một số nhà bán lẻ của Việt Nam cũng đã được các Tập đoàn của Thái Lan mua lại một phần hoặc nắm quyền sở hữu như Phú Thái hay Nguyễn Kim…

Hàng Việt, doanh nghiệp Việt lo ngại sẽ mất vị thế trên sân nhà, khi nhà bán lẻ Thái Lan đổ bộ ào ạt vào thị trường, mang theo cơn lốc hàng Thái. Song trên thực tế, theo phân tích của một chuyên gia thì cuộc đổ bộ này lại không những giúp người tiêu dùng được lợi, mà hàng Việt và doanh nghiệp Việt còn có thêm nhiều cơ hội.

Trên thực tế, người Việt Nam đã được tiếp cận lượng lớn hàng hóa Thái Lan chất lượng cao hơn hẳn hàng hóa Trung Quốc, nhưng lại có giá cả phù hợp. Điều này giúp góp phần loại trừ hàng Trung Quốc giá rẻ, chất lượng thấp ra khỏi thị trường để thay thế các sản phẩm chất lượng cao.

Khảo sát của chúng tôi với 9 nhóm hàng tiêu dùng và đồ gia dụng của Thái Lan và Trung Quốc cho thấy, trong khi nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Trung Quốc giảm như mỹ phẩm, hàng gia dụng, sản phẩm gỗ… thì nhập khẩu từ Thái Lan ở những mặt hàng này tăng lên.

Sự có mặt của hàng Thái cũng đặt ra yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm để cạnh tranh. Thực tế là ngay khi có sức ép tràn hàng Thái tràn vào Việt Nam trong những năm qua, hàng Việt Nam đã liên tục nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã, tích cực đẩy mạnh hệ thống phân phối không chỉ qua siêu thị mà các kênh khác.

Và thêm một cơ hội nữa cho hàng Việt, doanh nghiệp Việt Nam khi các nhà bán lẻ Thái Lan đổ bộ vào, đó là hàng Việt có thể rộng cửa hơn để đi vào các hệ thống phân phối Central Group và BJC ở Thái Lan hay trong ASEAN thông qua BigC và Metro.

Cuộc chơi của các nhà phân phối, bán lẻ quan trọng nhất vẫn là quyết định của người tiêu dùng với sản phẩm hàng hóa. Với một sản phẩm Việt Nam có chất lượng, mẫu mã đẹp và giá cạnh tranh, sẽ không có cớ gì lại không thể có chỗ đứng trong BigC, Metro hay bất cứ siêu thị lớn nào.

An Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên