Được và mất sau hành trình 13 năm thăng trầm cùng ngân hàng
Nếu ví hoạt động ngân hàng như một sân bóng, các bạn kinh doanh như những tiền đạo, tiền vệ thì tôi lại chọn cho mình vị trí thủ môn. Nếu các bạn mang đến những chỉ tiêu, doanh số thì tôi sẽ là người bảo vệ sự an toàn cho hoạt động, kịp thời phát hiện các sai sót và ngăn chúng lại.
- 06-09-2017Nghề ngân hàng đã rèn luyện tôi cách vượt qua những thử thách
- 05-09-2017Nghề ngân hàng đến với tôi như một cái duyên, cái nợ
- 23-08-2017Nghề ngân hàng: Nếu muốn thành công, đừng xem là "nghề" mà hãy xem là "nghiệp"
LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Trang Ngọc Hương nhân viên ngân hàng SCB Chi nhánh Củ Chi gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.
--------------------------------
Ngành ngân hàng thời ấy còn lạc hậu lắm, ngoại trừ các ngân hàng quốc doanh lớn thì hầu hết các Ngân hàng thương mại cổ phần đều có quy mô rất nhỏ, mạng lưới hạn hẹp và sản phẩm dịch vụ chỉ đơn thuần là huy động vốn, cho vay, chuyển tiền.
Bước vào vị trí nhân viên kế toán, mặc dù chỉ là một Phòng giao dịch nhỏ bé nhưng tôi không giấu nỗi niềm vinh dự vì là người trẻ đầu tiên xung phong về cống hiến cho đơn vị. Cái nghiệp kế toán của tôi cũng bắt đầu từ đó. Người ta vẫn thường truyền miệng nhau nghe về nghề kế toán và không biết từ bao giờ cái câu nói “đầu đội nguyên tắc, vai mang chưng từ” đã trở thành bất hủ.
Để có được những số liệu đúng, đòi hỏi tôi phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán, các quy trình, quy định của NHNN nói chung và SCB nói riêng. Tất cả giao dịch phát sinh với khách hàng đều phải được ghi chép đầy đủ và chuẩn xác vào sổ sách và thể hiện dưới hình thức chứng từ kế toán. Tôi phải làm việc vô cùng cẩn thận và tỉ mỉ, bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây thiệt hại về vật chất và ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.
Mặc dù được tuyển dụng với vị trí nhân viên kế toán, tôi vẫn không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Năm 2006, khi nghiệp vụ thanh toán quốc tế của SCB còn rất khiêm tốn thì cái Phòng giao dịch nhỏ bé của tôi lại may mắn có được những khách hàng với doanh số giao dịch cao, tôi lại lấn sân sang nghiệp vụ này.
Ngày ấy làm ngân hàng vất vả lắm vì không có công nghệ hiện đại để hỗ trợ như bây giờ. Với mỗi bộ hồ sơ thanh toán quốc tế, tôi phải chạy 30 cây số đường từ Củ Chi về Hội sở để trình Tổng giám đốc duyệt và sau đó lại chạy về đơn vị để thực hiện giao dịch cho khách hàng. Các anh chị Hội sở đã phong cho tôi cái danh hiệu vui là “chiến sĩ trên mọi mặt trận” và tôi như con én nhỏ cứ sải cánh bay hết sức có thể vì hoạt động của đơn vị mình. Nhưng đâu chỉ có công tác phục vụ khách hàng! Ai đã từng sống với cái nghề ngân hàng thời gian khổ ấy cũng không thể nào quên được nỗi ám ảnh của “ngày quyết toán”, hết tháng rồi lại năm. Những lần một mình đi về giữa khuya, những đêm cuốn chăn ngủ bụi trên ghế cơ quan, những ngày Lễ, Tết tủi thân vì phải trực không được nghỉ! Nhưng sau tất cả, mọi sự nỗ lực, đóng góp và hy sinh ấy cũng được bù đắp xứng đáng khi tôi được bổ nhiệm vị trí Tổ trưởng kế toán vào năm 2007.
Hoạt động của Phòng giao dịch ngày càng phát triển và năm 2008, Chi nhánh Củ Chi đã được thành lập với trụ sở to lớn, thật đẹp và khang trang. Tôi đã thăng tiến lên vị trí Phó phòng kế toán tài chính, trách nhiệm vô cùng lớn vì với cơ cấu thời bấy giờ, cái phòng của tôi gần như chiếm hết 70% công việc của một chi nhánh. Tôi gạt đi cái lớp áo lãnh đạo và không ngần ngại làm những việc nhỏ nhặt nhất để các bạn nhân viên khác có thời gian ưu tiên phục vụ khách hàng.
Nhân sự ít nên chúng tôi phải gồng gánh công việc cho nhau như vậy. Tôi đã từng nghe qua câu nói: “người chấp nhận làm hết những việc nhỏ sẽ dễ dàng làm được những việc lớn” và với phương châm đó, dù là việc gì tôi cũng luôn làm bằng cả tinh thần trách nhiệm, bằng cái tâm và đạo đức nghề nghiệp của mình. Tôi không ngại sắp xếp từng cuốn chứng từ, không nề hà đóng tập từng quyển báo cáo và từ bao giờ, chúng đã trở thành những đứa con tinh thần vô cùng đẹp đẽ của tôi.
Tôi hài lòng với công việc và hạnh phúc vì sau những giờ làm việc vất vả đó, trở về với mái ấm gia đình, tôi lại có những bữa cơm ngon của mẹ, có sự quan tâm của ba. Tôi đã dành quá nhiều thời gian cho công việc, đã quá an tâm và luôn nghĩ rằng cuộc sống sẽ mãi bằng phẳng và êm ả. Thế rồi, biến cố cũng ập đến khi năm đó tôi biết mẹ mình đã mắc phải căn bệnh ung thư hiểm nghèo.
Năm 2009, tôi được bổ nhiệm vị trí Trưởng phòng kế toán tài chính. Chi nhánh tôi đã thay đổi ít nhiều, kẻ đến, người đi và kết quả kinh doanh hàng năm vẫn tốt dù chỉ là một đơn vị nhỏ. Ngành ngân hàng rồi cũng biến chuyển, quán triệt chủ trương, SCB đã hợp nhất tự nguyện 3 ngân hàng: SCB, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất (Ficombank) và Ngân hàng TMCP Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiabank) vào năm 2012.
Đây cũng là năm vô cùng khó khăn cho hoạt động của SCB vì những thông tin sai lệch đã gây hoang mang dư luận và làm ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý khách hàng. Chúng tôi đã phải kiên định và cùng nhau đoàn kết một lòng, giải thích cặn kẽ và trấn an tinh thần khách hàng. Nhờ những nỗ lực đó, SCB đã nhanh chóng vượt qua những ngày bất ổn. Chúng tôi lại bắt tay vào sứ mệnh triển khai hệ thống Corebanking mới, vừa làm, vừa học, vừa nhập liệu thử, vừa chấm dữ liệu chuyển đổi và sau bao ngày gian nan thì cuối cùng Chi nhánh tôi cũng triển khai nó thật thành công.
Tôi không có ngày nghỉ cho bản thân mình vì lúc đó trong phòng chỉ vọn vẹn có tôi và hai giao dịch viên. Trách nhiệm của tôi quá lớn, công việc của tôi quá nhiều đến mức nghẹt thở, tôi cũng phải gượng vì khi đối mặt với khách hàng thì những người làm dịch vụ như chúng tôi phải gạt bỏ những vướng bận gia đình, những lo toan cuộc sống, những buồn vui riêng tư để có thể giữ vững thần thái tươi vui, mỉm cười mà phục vụ. Và rồi mỗi đêm trở về nhà, tôi đã không còn được bữa cơm ngon, thay vào đó là những giọt nước mắt khi chứng kiến mẹ mình vật vã chống chọi với cơn đau bệnh tật, bằng hơi thở yếu ớt và tuyệt vọng. Những ngày đầu năm 2013, khi mạng sống của mẹ chỉ tính bằng giờ, tôi đã được giải quyết nghỉ phép và chỉ còn 3 ngày nơi bệnh viện. Trong vô thức và sự xoa dịu cơn đau của Morphine, mẹ đã kịp sờ mặt, vuốt tóc và nắm tay tôi trước khi nhắm mắt.
Sau nỗi đau ấy, tôi lại trở về với công việc, lúc này nhân sự đã đủ, mọi việc cũng dần đi vào khuôn khổ, tôi cũng đỡ vất vả hơn. Tôi không trực tiếp phục vụ khách hàng mà lui về khâu quản lý, điều hành và hậu kiểm chứng từ toàn Chi nhánh.
Nếu ví hoạt động ngân hàng như một sân bóng, các bạn kinh doanh như những tiền đạo, tiền vệ thì tôi lại chọn cho mình vị trí thủ môn. Nếu các bạn mang đến những chỉ tiêu, doanh số thì tôi sẽ là người bảo vệ sự an toàn cho hoạt động, kịp thời phát hiện các sai sót và ngăn chúng lại. Thời gian dần trôi qua cho đến năm 2015, cứ như mọi việc lặp lại , tôi tiếp tục công tác phục vụ khách hàng thay cho nhân viên khác nghỉ chế độ, phòng tôi lại thiếu nhân sự, tôi không được nghỉ phép, công việc lại chất chồng và sự mất mát lại đến như định mệnh, ba tôi ngã bệnh và đột ngột ra đi trong sự bàng hoàng và vô thức của tôi. Chỉ trong hai năm, tôi mất đi hai người thân thương nhất. Tôi hoài nghi về cuộc sống, xa lánh bạn bè và vùi đầu vào công việc. Để rồi mỗi đêm trở về, quanh quẩn một mình bên ngôi nhà nhỏ, tôi tự hỏi mình đã làm gì và sống như thế nào trong suốt ngần ấy năm.
Năm 2016, SCB đã thay đổi cơ cấu tổ chức toàn hệ thống, thay vì tiếp tục với phòng Dịch vụ khách hàng để có nhiều cơ hội thăng tiến, tôi quyết định dừng lại với vị trí Trưởng phòng kế toán – ngân quỹ. Một khi hoạt động kinh doanh phát triển, mọi người chú trọng và chạy theo chỉ tiêu, doanh số cũng như chăm sóc khách hàng, đâu đó sẽ lơ là, thiếu kiểm soát và tạo kẽ hở cho những sai sót phát sinh, tiềm ẩn rủi ro và thất thoát. Nhận biết tầm quan trọng và năng lực của bản thân, tôi đã chọn công việc này dù biết rằng có thể mình sẽ không được đề cao. Rồi hạnh phúc cũng mỉm cười khi tôi đã tìm được người bạn đời cho mình. Lễ cưới diễn ra cũng là hoàn thành tâm nguyện còn dang dở của mẹ tôi trước khi mất. Tất cả anh chị đồng nghiệp còn ở Chi nhánh hay đã chuyển đi đơn vị khác, bạn bè gần xa đều đến đông đủ và cùng nhau bước lên sân khấu để cất vang câu hát “và con tim đã vui trở lại”. Bao năm qua đi, kẻ thương, người ghét, lúc mâu thuẫn, khi hòa thuận, tất cả đều đã tan biến khi tôi nhận ra rằng không ai bỏ mình trong cuộc sống này, chỉ là mình tự quay lưng.
13 năm, được và mất. 13 năm, nỗ lực và cống hiến. Để rồi hôm nay, vị trí của tôi đã lớn dần cùng với sự phát triển không ngừng nghỉ của SCB. Tôi đã trải qua một con đường quá dài và không bằng phẳng, góp nhặt từng điều vụn vặt để làm đầy cho vốn sống của mình. Tôi sẽ luôn cố gắng hết mình với nghề như cái tâm huyết ngày đầu tiên của 13 năm trước, vẫn nâng niu từng tập chứng từ và mỉm cười một mình khi nhìn thấy chúng gọn gàng, ngăn nắp.
SCB như ngôi nhà thứ hai để mỗi ngày tôi được đóng một chiếc đinh, dựng một tấm ván hoặc xây một bức tường, bằng cả sự chắc chắn và tận tâm. Mở lòng để nhìn thấy bao điều tốt đẹp xung quanh và tự nhủ rằng, dù tôi chỉ sống có một ngày nữa thì cái ngày ấy cũng phải được sống và làm việc một cách đàng hoàng và tử tế.
Trí Thức Trẻ
- Trao giải cuộc thi viết Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang
- Thông báo Giải thưởng cuộc thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- 20 tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc Thi viết “Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang”
- Từ hình ảnh ngày hội từ thiện, tôi quyết tâm theo đuổi nghề ngân hàng và vinh quang đã đến sau những nỗ lực không ngừng nghỉ
- Sinh viên “khởi nghiệp” ngân hàng