MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian

02-09-2018 - 22:38 PM | Sống

Bạn có luôn luôn cảm thấy thiếu thốn thời gian, một ngày 24 giờ là không đủ cho bạn trong khi những người khác lại hoàn thành hết công việc của cá nhân họ? Bài viết sau sẽ đem đến cho bạn câu trả lời.

Nghịch lý thời gian bắt nguồn như thế nào?

Trước thời kỳ cải cách công nghiệp, hầu hết chúng ta làm việc theo mùa và trong điều kiện sức khỏe cho phép. Máy móc và đô thị hóa đã thay đổi điều này, và giờ đây chúng ta có những khung giờ làm việc cố định cần được tuân thủ. Trong bài xã luận “Lời khuyên cho các nhà doanh nhân trẻ” của mình, Benjamin Franklin đã chia sẻ: Thời gian là vàng bạc. Câu nói này của ông chính là lời tiên đoán cho sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 10 năm sau đó.

Kể từ đó, năng suất lao động của nước Mỹ gia tăng đáng kể và điều này rất thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Sự cải thiện năng suất này được mang đến bởi công nghệ tiên tiến. Điều này đã góp phần giảm thiểu đáng kể nhân công cho các vị trí như đánh máy, trực tổng đài, cắt băng,...

Sự thay đổi này cũng mang đến một nghịch lý mà các chuyên gia gọi là “nghịch lý thời gian”. Chúng ta ngày càng làm việc nhiều hơn, nhưng lại cảm thấy chẳng đạt được nhiều như ta mong muốn hay kì vọng.

Chúng ta có nhiều thời gian rảnh hơn nhờ sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại; thế nhưng chúng ta lại luôn thấy quỹ thời gian của mình càng ngày càng thu hẹp. Thời gian chẳng bao giờ là đủ cho bất cứ việc gì, từ nấu ăn đến đi nghỉ, thú vui hay đọc sách.

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian - Ảnh 1.

Cuộc cách mạng công nghiệp đã làm thay đổi cung cách làm việc của con người.

Nguyên nhân của nghịch lý là gì?

Thế nhưng, một số nghiên cứu về thời gian làm việc đã chỉ ra rằng chúng ta đang có nhiều thời gian rảnh hơn ta nghĩ. Vậy thì lý do cho nghịch lý này là gì?

Đầu tiên, vì ai cũng có xu hướng làm nhiều việc hơn nên thật dễ dàng để quên rằng bản thân chúng ta cũng làm nhiều y hệt. Chúng ta đều bị ảnh hưởng bởi những mong đợi qua các thời kỳ khác nhau và những điều mà người khác cho là bình thường.

Ví dụ, tôi làm trợ lý hành chính cho chính bản thân mình, không được trả công nhưng lại là một phần quan trọng trong công việc của tôi, và điều đó đúng với tất cả mọi người. Tôi gửi và nhận email, viết quảng cáo, sắp xếp phỏng vấn và cuộc họp, nhận điện thoại, ký và gửi văn bản về thuế và hợp đồng, sắp xếp sách và phim để nhận xét và cập nhật các hồ sơ lưu.

Tôi cũng kiêm cả vị trí kế toán nữa. Tôi gửi hóa đơn, theo dõi các khoản thanh toán và số dư trong ít nhất 3 tài khoản riêng biệt. Tôi khai thuế và kiêm luôn cả vị trí luật sư. Tôi sử dụng công nghệ và ứng dụng để thực hiện các phần việc chuyên môn nhưng vẫn tổng hợp các chi tiết với nhau và đảm bảo tính chính xác của chúng.

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian - Ảnh 2.

Ai cũng có xu hướng làm nhiều việc hơn.

Sự xuất hiện của công nghệ đi kèm với trách nhiệm mới. Công nghệ đã giúp cho việc xuất hóa đơn hay gửi một cái W9 trở nên rất nhanh chóng nhưng mà vẫn còn đó những công việc cần nhân công, và thật dễ dàng để quên rằng trong quá khứ chúng ta sẽ có ai đó làm thay. Cái ý tưởng rằng tôi làm công việc của nhiều người cộng lại mà không hề bận tâm về điều đó được một nhà xã hội học người Đức, Hartmut Rosa gọi là “tăng tốc xã hội”.

“Kiểm tra mối quan hệ nhân quả giữa ba lĩnh vực của tăng tốc xã hội cho thấy một vòng phản hồi đáng ngạc nhiên: tăng tốc công nghệ, thường kết nối với sự ra đời của công nghệ mới như là động cơ hơi nước, đường sắt, ô tô, điện báo, máy tính, Internet gần như chắc chắn mang lại các thay đổi trong thực tiễn xã hội, truyền thông, và cuộc sống. 

Ví dụ, Internet không những làm tăng tốc độ trao đổi trong giao tiếp và số hóa các quy trình kinh tế, sản xuất mà còn thiết lập các cấu trúc nghề nghiệp, kinh tê và giao tiếp, mở ra các mô hình tương tác và nhận diện xã hội.

Lý do thứ hai cho nghịch lý thời gian xuất phát từ việc chúng ta vẫn dùng những thước đo hiệu suất cũ từ thời cách mạng công nghiệp trong khi ngày càng có nhiều người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo. Việc đo hiệu quả khi mà chúng ta không sản xuất ra sản phẩm có thể được theo dõi và đo lường lại càng khó khăn hơn. Và nó cũng đặt ra một câu hỏi rằng chúng ta đang đánh giá cái gì - và vì sao? 

Các nghiên cứu đã cho thấy đến một mức độ nào đó, nhiều tiền không mang lại mức độ hạnh phúc tương đương; chất lượng cuộc sống là một vấn đề không chỉ của cá nhân mà cả chính phủ. 

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian - Ảnh 3.

Thước đo hiệu quả cần được thay đổi.

Cách thức đo lường năng suất

Vì thế nên khi nói đến năng suất, chúng ta đang muốn đo lường cái gì?

Khi tổng thống Pháp, Nicolas Sarkozy tổ chức Ủy ban đo lường hiệu quả kinh tế và tiến bộ xã hội, thì đã thấy rằng "thời gian hiện tại đã chín muồi cho sự thay đổi trong hệ thống đo lường từ việc dựa trên sản xuất kinh tế đến phúc lợi của mọi người".

Điều đó có nghĩa là năng suất nên tính đến sức khỏe tinh thần và thể chất, cũng như số xe, máy tính hay ghế được sản xuất như một phần của sự công nhận rộng hơn về kinh tế rằng mọi người không nhất thiết cảm thấy vui hơn khi giàu có hơn, Judy Wajcman viết trong cuốn sách "Pressed for Time".

Cuối cùng, năng suất cũng có những giới hạn mà dù công nghệ có phát triển cỡ nào cũng không đáp ứng được; nhất là khi nói về những công việc cần sự sáng tạo và ý tưởng. 

Một cuốn sách bán chạy như Harry Potter tập đầu tiên mất cả nửa thập kỷ để hoàn thành, hàng tháng hay hàng năm để quảng bá, hàng chục ngày hay tuần để có một khẩu hiệu cho chiến dịch quảng cáo. 

Khẩu hiệu “Đừng rời nhà mà thiếu chúng” của loại séc American Express đã cần đến cả tháng trời để được tạo ra và được dùng cho cả loạt thập kỷ sau đó, ngay cả khi thẻ tín dụng được chú trọng hơn.

Tất cả điều này khiến cho chúng ta nghĩ về thời gian của mình theo những cách khác so với những gì chúng ta có trong quá khứ, bao gồm cách chúng ta có thể được nuôi dạy trưởng thành để suy nghĩ về nó.

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian - Ảnh 4.

Rất khó để đo lường hiệu quả của những công việc cần sự sáng tạo.

Đã đến lúc xây dựng cách tiếp cận vấn đề mới

Nhưng chính xác thì bạn phải làm gì với nghịch lý này? Một mặt cần thừa nhận rằng một số kỳ vọng trong thế giới công việc hiện đại là bất khả thi. Chúng ta đang ở trong một giai đoạn chuyển giao và vẫn tìm cách làm sao để “hoạt động” theo nghĩa hiện đại. 

Đó là một câu hỏi mang tính cá nhân, không ai có thể giải đáp đầy đủ, mặc dù chúng ta hoàn toàn được quyền ủng hộ cách thức làm việc mới với hiệu quả cao hơn. Sau cùng thì chúng ta sẽ chẳng đi đến đâu cả nếu cứ làm mọi thứ theo lối mòn.

Nhưng có một số cách nhất định để kiểm tra lại công việc của bản thân và xác định xem chúng ta có đang sử dụng thời gian hiệu quả không. Không ai hiểu rõ về công việc của bạn hơn chính bạn cả, và việc rà soát lại tất cả sẽ giúp giảm bớt sự căng thẳng đáng kể. 

Sau đây là một số ý tưởng mà bạn có thể cân nhắc:

1 - Hạn chế làm nhiều việc cùng một lúc; có thể điều này khiến chúng ta cảm thấy hoàn thành được nhiều nhiệm vụ nhưng mà trên thực tế nó đang làm não bộ bị tổn thương và mang đến sự căng thẳng. Vì vậy, hãy dừng lại. 

2 - Giảm bớt sự mất tập trung bằng cách sử dụng các công cụ online như KeepMeOut, SelfControl, Cold Turkey 

3 - Hãy sắp xếp danh sách ưu tiên. “Đừng bao giờ lao vào làm mọi việc trước khi tự hỏi câu hỏi ‘Mình có thực sự cần làm việc này bây giờ không?’ - David K. William đã từng viết, “Nếu bạn thực sự không cần thiết làm việc này ngay, đừng làm. Làm những việc có ưu tiên cao trước rồi mới đến những thứ khác. Sắp xếp thứ tự ưu tiên giúp bạn sử dụng thời gian hiệu quả nhất.”

4 - Thay vì quản lý thời gian, bạn có thể nghĩ về việc quản lý sự chú ý của mình.

5 - Xây dựng các thói quen hàng ngày mà bao gồm cả công việc, bạn bè, và/hoặc gia đình và sức khỏe của bạn. Điều này có nghĩa là dành thời gian cho công việc, thời gian để gặp và trò chuyện với những người bạn yêu thương, thời gian chuẩn bị những bữa ăn dinh dưỡng, tránh xa màn hình vi tính và thời gian để ngủ.

Dưới góc độ khoa học, đây là câu trả lời cho nghịch lý: Vì sao chúng ta cứ mãi cảm thấy không đủ thời gian - Ảnh 5.

KeepMeOut là một công cụ giảm thiểu sự phân tâm.

Hãy phân bổ thời gian cho mọi hoạt động trong cuộc sống.

Bắt đầu với năm ý tưởng trên, sau đó hãy thực hành một cách cẩn thận dù việc này có thể khiến hiệu suất của bạn giảm đi nhưng lại có thể sẽ khiến bạn hạnh phúc và thoải mái hơn. Và bạn sẽ nhận ra bạn không kiểm soát tất cả mọi thứ; đúng vậy, bạn hoàn toàn có thể chủ động giảm thiểu tính cuồng kiểm soát của mình. 

Bạn sẽ có 24 tiếng đồng hồ như tất cả mọi người, và thậm chí còn có thể đạt đến cảnh giới mà “không làm gì” cũng cảm thấy ổn thỏa.

Theo Joey

Trí thức trẻ

Trở lên trên