Đường đi của phế liệu nhập khẩu: Từ cảng về làng, ra phố
Hải Phòng - cảng biển lớn nhất miền Bắc, lớn thứ 2 cả nước đang có tới hơn 1.200 container phế liệu nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan, quá hạn quy định. Việc giải quyết các container phế liệu đang tồn đọng, tránh gây ùn ứ, ô nhiễm môi trường là không hề dễ. Trong khi đó 8.000 container phế liệu “nằm lỳ” ở các cảng tại TPHCM khiến lực lượng chức năng lúng túng trong xử lý.
Tồn đọng lâu ngày, nguy cơ ô nhiễm cao
Bờ sông Cửa Cấm những ngày đầu tháng 7, chạy dọc qua 3 quận Hồng Bàng - Ngô Quyền - Hải An tới cầu Tân Vũ - Lạch Huyện là cụm cảng biển tổng hợp cấp quốc gia với 11 bến cảng thuộc Cảng Hải Phòng. Ðây là cụm cảng lớn thứ 2 Việt Nam và lớn nhất miền Bắc, có khoảng chục cảng container thuộc hệ thống Cảng Hải Phòng. Các container xếp chật kín trong bãi cảng dọc bờ sông và sát đường giao thông.
Từ đầu năm 2018, do ảnh hưởng từ việc Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu 24 mặt hàng phế thải, tình trạng tồn đọng hàng nghìn container phế liệu ngày càng nghiêm trọng tại các cảng biển Việt Nam. Cảng Hải Phòng cũng không là ngoại lệ.
Tổng diện tích bãi xếp hàng theo quy hoạch của bến Tân Vũ rộng 32,4 ha với công suất thiết kế 1 triệu TEUS (tương đương 1 triệu thùng container). Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy diện tích 32,4 ha của bến Tân Vũ đã chật kín container hàng hóa. Chỉ tay về dãy container xếp hàng dài sát bờ rào, cạnh đường giao thông 356, một cán bộ đội Giám sát quản lý, thuộc Chi cục Hải quan Cửa khẩu Cảng Hải Phòng khu vực I, cho biết đó là những container tồn đọng lâu năm, chưa có người đến nhận. Cũng theo cán bộ này, các container xếp chồng chất trong bãi phải chờ khi nào doanh nghiệp đến đăng ký tờ khai hải quan và làm các thủ tục xuất nhập khẩu, lúc đó Hải quan mới kiểm tra hàng hóa bên trong (hàng thuộc luồng đỏ).
Ngày 12/6, Ðội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan Hải Phòng) khám xét lô hàng đóng trong 3 container, vận chuyển trên tàu ZhongLianHaiXia (nhập cảnh cảng PTSC Ðình Vũ trước đó 2 tháng. Ngày 17/4, Cty TNHH MTV Thương mại XNK Việt Á (Lạng Sơn) nhập hàng này đã mở tờ khai tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hải Phòng khu vực I theo loại hình nhập kinh doanh, hàng hóa khai báo là bao tải dứa đã qua sử dụng.
Tờ khai của doanh nghiệp được hệ thống thông quan tự động phân luồng vàng (phải kiểm tra thực tế hồ sơ). Tuy nhiên, Cty TNHH MTV Thương mại XNK Việt Á không xuất trình hồ sơ cho cơ quan Hải quan kiểm tra theo quy định. Kết quả kiểm tra thực tế ngày 12/6 cho thấy hàng hóa thực nhập trong các container là phế liệu nhựa từ vỏ các thiết bị điện tử, là mặt hàng không đủ điều kiện nhập khẩu. Trước đó, ngày 11/6, Ðội Kiểm soát Hải quan Hải Phòng cũng phát hiện 2 container nhựa phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu.
Theo thống kê của Phòng Giám sát quản lý, Cục Hải quan Hải Phòng, tính đến 5/6, có tới 1.244 container nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan, quá hạn từ 30 ngày đến trên 90 ngày theo
quy định.
Trong đó, 737 container hàng hóa phế liệu nhập khẩu (NK) chưa làm thủ tục hải quan quá 90 ngày (tính từ ngày cập cảng đến 5/6). Theo phân loại, trong số này có 691 container mô tả hàng hóa trên vận đơn là nhựa phế liệu, 29 container thép phế liệu, 16 container lốp cao su đã qua sử dụng, 1 container phế liệu khác.
Nhóm hàng hóa phế liệu nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan quá từ 30 ngày đến 90 ngày có tới 507 container. Trong đó, 301 container mô tả hàng hóa trên vận đơn là nhựa phế liệu, 3 container thép phế liệu, 69 container lốp cao su đã qua sử dụng, 16 container giấy phế liệu, 118 container phế liệu khác.
Theo ông Cao Trung Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, từ năm 2006 đến ngày 31/5/2018 có 514 container tồn tại cảng Tân Vũ. Theo khai báo của chủ tàu và chủ khai thác, hầu hết số container này chứa phế liệu, hàng
đông lạnh.
Việc hàng hóa tồn nhiều năm, đặc biệt hàng đông lạnh, đã gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân sinh sống gần cảng biển. Cả nhà nước và doanh nghiệp cảng biển đều không thu được thuế, phí từ toàn bộ số hàng hóa nói trên, trong khi hằng ngày vẫn phải bỏ tiền trông coi, bảo quản.
Cục Hải quan TPHCM cho biết, tính đến ngày 20/6/2018, tại cảng Cát Lái đang tồn đọng khoảng 8.000 container chứa máy móc, nhựa, giấy phế liệu. Có 3.231 container phế liệu chưa được làm thủ tục hải quan. Trong đó, có 2.183 container tồn quá 90 ngày kể từ ngày hàng về cảng nhưng chủ hàng vẫn chưa đến làm thủ tục hải quan. Theo đại diện Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, số lượng container chứa nhựa, giấy, máy móc phế liệu tồn đọng ở cảng Cát Lái rất lớn gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của cảng, làm giảm tốc độ thông quan hàng hoá và gây nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Tuy nhiên, việc xử lý, tiêu huỷ các container phế liệu tồn đọng cũng gặp rất nhiều khó khăn do các loại phế liệu rất độc hại, chi phí tiêu huỷ rất lớn nên nhiều hãng tàu, khách hàng và cảng không chịu được các khoản phí này. Ngoài ra, chi phí lưu công, lưu bãi rất lớn nên nhiều doanh nghiệp bỏ trốn, không đến làm thủ tục thông quan. Hiện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn tạm dành 20ha tại cảng Long Bình (tỉnh Ðồng Nai) để chứa hàng phế liệu tồn đọng từ Cát Lái chuyển về. Tân Cảng Sài Gòn cũng đã ngưng tiếp nhận các lô hàng phế liệu nhập khẩu từ đầu tháng 6.
Ðại diện Cục Hải quan TPHCM cho biết, nguyên nhân dẫn đến lượng lớn container phế liệu tồn đọng tại các cảng hàng hoá, cửa khẩu hải quan là do không có doanh nghiệp, chủ hàng đến nhận, một số chủ hàng do vi phạm pháp luật nên “bỏ của chạy lấy người”.
Vì sao khó xử lý?
Theo Cục Giám sát quản lý (Cục GSQL), Cục Hải quan TP Hải Phòng, có rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc xử lý hàng phế liệu tại các cảng biển. Trước hết, rất khó để kiểm tra tính xác thực các chứng từ doanh nghiệp xuất trình. “Hồ sơ hải quan lô hàng phế liệu NK làm nguyên liệu sản xuất theo quy định tại Thông tư 41 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT), doanh nghiệp (DN) phải nộp cho Hải quan 2 loại văn bản do cơ quan đủ thẩm quyền thuộc Bộ TN&MT cấp, bao gồm: Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường đối với phế liệu NK (bản sao chứng thực); Văn bản thông báo về lô hàng phế liệu NK để kiểm tra, thông quan (bản sao). Tuy nhiên, việc kiểm tra tính xác thực của các giấy tờ trên của Hải quan rất khó khăn, nhất là khi DN có chủ ý gian lận, làm giả mạo các chứng từ trên”, đại diện Cục GSQL cho hay.
Việc lập phương án xử lý đối với phế liệu tồn đọng tại cảng biển không thuộc danh mục phế liệu được phép NK cũng rất khó khăn, bởi theo Cục GSQL, trong các hình thức xử lý chỉ áp dụng được hình thức tiêu hủy, song việc tiêu hủy sẽ phát sinh nhiều chi phí, tốn kém.
Cục Hải quan TP Hải Phòng kiến nghị Chính phủ cần có quy định trách nhiệm và chế tài xử phạt hãng tàu, đại lý hãng tàu khi chuyên chở hàng hóa là phế liệu hay rác thải mà hàng về đến cảng quá thời hạn quy định, không có người nhận, làm thủ tục hải quan.
Mới đây, Cục Hải quan TPHCM và đại diện Bộ TN&MT, Tổng cục Hải quan, Cảng vụ Hàng hải TPHCM cũng đã có buổi làm việc để đẩy nhanh tiến độ xử lý tình trạng tồn đọng container phế thải.
Riêng các hãng tàu, Cục Hải quan TPHCM kiến nghị cơ quan chức năng có quy định ràng buộc trách nhiệm cụ thể khi vận chuyển phế liệu phải có giấy phép nhập khẩu, tránh tình trạng vận chuyển hàng hóa tràn lan về lưu giữ tại cảng, ảnh hưởng đến hoạt động của cảng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường…
Buộc lấy mẫu kiểm định đối với phế liệu nhập khẩu
Theo chỉ đạo của Tổng cục Hải quan, đối với các hàng hoá khai báo là phế liệu nhập khẩu, khi thực hiện thủ tục hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Ðồng thời, quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa để lưu hồ sơ phục vụ thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, đối với hàng hóa khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng, có nghi vấn là phế liệu như bao vì, màng nhựa, đồ nhựa,… khi thực hiện thủ tục hải quan, phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định có phải là phế liệu hay không.
Tiền phong