MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường quốc lộ dài nhất Việt Nam đi qua bao nhiêu tỉnh, thành?

Đường quốc lộ dài nhất Việt Nam đi qua bao nhiêu tỉnh, thành?

Đường quốc lộ dài nhất Việt Nam có tổng chiều dài đạt khoảng 2.301,34km.

Cụ thể, Quốc lộ 1A là con đường huyết mạch quan trọng nhất của Việt Nam và là đường quốc lộ dài nhất Việt Nam. Quốc lộ 1A có điểm bắt đầu (km0) là tại cửa khẩu Hữu Nghị tỉnh Lạng Sơn và điểm kết thúc tại km 2360 thuộc thị trấn Năm Căn tỉnh Cà Mau.

Quốc lộ 1A nối liền 4 thành phố lớn là Hà Nội – Đà Nẵng – TP HCM – Cần Thơ, đi qua tổng cộng 31 tỉnh, thành. Cụ thể, Quốc lộ 1A đi qua Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau.

Quốc lộ 1 A đi quá 6 vùng kinh tế trọng điểm của Việt Nam, gồm có vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, đồng bằng sông Hồng, duyên hải Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.

Về giao thông, đây là tuyến đường huyết mạch nối liền Bắc Nam và 4 thành phố lớn của đất nước bao gồm: Hà Nội , Đà Nẵng , Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Chính nhờ trục xương sống này mà hàng hóa được lưu thông thuận tiện từ Bắc đến Nam. Hoạt động vận chuyển đường bộ được thúc đẩy không chỉ hỗ trợ việc đi lại của người dân mà còn tạo điều kiện cho các dịch vụ giao thông vận tải phát triển, bao gồm cả vận chuyển hàng hóa và hành khách.

Hơn nữa, tuyến đường Quốc lộ 1A đi dọc theo đất nước phục vụ cho quá trình giao thông - giao thương, đảm bảo và thúc đẩy quá trình sản xuất và tiêu thụ, đẩy mạnh nền kinh tế trong nước và tăng cường giao lưu kinh tế giữa các vùng trong và ngoài nước.

Về sự phát triển kinh tế - xã hội, giao thông phát triển trước hết tạo điều kiện tiêu thụ hàng hóa khắp cả nước. Nhờ tuyến Quốc lộ 1A, sản xuất và tiêu thụ được mở rộng ra nhiều thị trường mà trước kia rất khó khăn để vận chuyển hàng hóa tới. Từ đó, hoạt động giao lưu kinh tế được tăng cường, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.

Theo đồ án quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quốc lộ 1A cùng với đường Hồ Chí Minh là hai tuyến quốc lộ toàn quốc theo trục dọc Bắc - Nam đạt tiêu chuẩn cấp III bốn làn xe chạy.

Ngoài ra, quy hoạch đến năm 2030, có khoảng 5.004 km đường bộ cao tốc (tăng khoảng 3.841 km so với với năm 2021), đến năm 2050 mạng lưới đường bộ cao tốc cơ bản hoàn thiện với 41 tuyến, tổng chiều dài khoảng 9.014 km.

Cụ thể, trục dọc Bắc Nam (2 tuyến): Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (Từ Lạng Sơn - Cà Mau) chiều dài khoảng 2.063 km, quy mô 4 - 10 làn xe; Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây, chiều dài khoảng 1.205 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực phía Bắc gồm 14 tuyến, chiều dài khoảng 2.305 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Trung - Tây Nguyên gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.431 km, quy mô 4 - 6 làn xe; Khu vực miền Nam gồm 10 tuyến, chiều dài khoảng 1.290 km, quy mô 4 - 10 làn xe. Vành đai đô thị Thủ đô Hà Nội gồm 3 tuyến, chiều dài khoảng 425 km, quy mô 4 - 6 làn xe; vành đai đô thị Thành phố Hồ Chí Minh gồm 2 tuyến, chiều dài khoảng 295 km, quy mô 4 - 8 làn xe.

Mạng lưới Quốc lộ gồm 172 tuyến, tổng chiều dài khoảng 29.795 km (tăng 5.474 km so với năm 2021), phân chia thành quốc lộ chính yếu và thứ yếu, tiêu chuẩn kỹ thuật tối thiểu cấp III đối với đoạn đường thông thường và cấp IV đối với đoạn khó khăn.

Minh Tiến

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên