Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Ai sẽ ký vận hành?
Tư vấn độc lập ACT (Pháp) đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội – tuyến Cát Linh – Hà Đông. Tuy nhiên, đi kèm chứng nhận này là 16 khuyến cáo có thể ảnh hưởng tới an toàn khai thác, do khác nhau về tiêu chuẩn giữa châu Âu và Trung Quốc. Vậy ai sẽ là người ký để tuyến đường sắt này có thể đi vào hoạt động thương mại?
- 10-06-2021Đường sắt Cát Linh-Hà Đông khó vận hành nếu theo chuẩn an toàn châu Âu?
- 05-06-2021Hơn 1 thập kỷ chờ đợi, "tấm vé trong mơ" tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sắp được phát hành
- 04-05-2021Đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông: Lại lỡ hẹn, chưa ai chịu trách nhiệm
Dự án đường sắt đô thị tuyến Cát Linh – Hà Đông đã hoàn thành phần xây dựng và đánh giá nghiệm thu từ phía Bộ GTVT vào tháng 3/2021; Tư vấn ACT phát hành chứng nhận an toàn hệ thống vào cuối tháng 4/2021. Do đó, hồ sơ dự án đã được chuyển Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng, để hội đồng kiểm tra, đánh giá. Nếu được hội đồng thông qua, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho UBND TP. Hà Nội khai thác thương mại. Hiện phía Hà Nội cũng chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận để khai thác.
Do đó, tới thời điểm này có thể khẳng định, tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông có thể chạy thương mại được hay không phụ thuộc vào quyết định của Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng.
Tuy nhiên, trong chứng nhận an toàn hệ thống của mình, tư vấn ACT vẫn kèm theo 16 khuyến cáo về nguy cơ mất an toàn trong quá trình khai thác. Theo Bộ GTVT, có những khuyến cáo này là do tư vấn thực hiện kiểm tra theo tiêu chuẩn của đường sắt đô thị châu Âu, trong khi tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông lại làm theo tiêu chuẩn Trung Quốc. Chưa kể, thời điểm phê duyệt dự án là năm 2009, tới nay một số công nghệ áp dụng cho đường sắt đô thị đã thay đổi, cập nhật.
Các khuyến cáo của Tư vấn ACT đã dấy lên nhiều câu hỏi trong dư luận về tính an toàn của tuyến đường sắt này. Đó cũng là một sức ép không nhỏ với người ký quyết định để dự án này đủ điều kiện đi vào khai thác thương mại.
Về vai trò của chủ đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục khẳng định dự án đã hoàn thành và hoàn toàn đủ điều kiện về kỹ thuật, an toàn để khai thác.
Đại diện chủ đầu tư cho biết thêm, trong 16 khuyến cáo này, một số nội dung đã được chủ đầu tư khắc phục, bổ sung, một số nội dung sẽ tiếp tục triển khai thực hiện khi đi vào khai thác thương mại. Vai trò của Tư vấn ACT tương tự như một đơn vị kiểm toán độc lập đánh giá về báo cáo tài chính của doanh nghiệp, khuyến cáo đưa ra chỉ mang tính dự báo, không phải nội dung mang tính bắt buộc.
Về vai trò của Tư vấn ACT, theo chủ đầu tư, phải thuê tư vấn độc lập để đánh giá an toàn đường sắt Cát Linh – Hà Đông vì đây là dự án đầu tiên Việt Nam triển khai, công nghệ mới, chủ nhà chưa có kinh nghiệm triển khai. Thêm nữa, để đảm bảo tính độc lập, khách quan, chủ đầu tư đã thuê đơn vị tư vấn đánh giá tới từ châu Âu, thay vì đơn vị đánh giá khác của Trung Quốc.
Để khẳng định cho tính an toàn và sẵn sàng khai thác của dự án trên, Bộ GTVT còn dẫn chứng suốt thời gian qua, các đoàn tàu của tuyến này đã vận hành thử liên tục, hơn 15.000km đảm bảo an toàn. Quá trình chạy thử này được thực hiện tương tự như khi khai thác thương mại về tốc độ, tần suất khai thác, thời gian dừng nghỉ tại các ga, giả định các sự cố và khả năng ứng cứu…
Trao đổi với Tiền Phong, phía Tư vấn ACT từ chối bình luận liên quan tới việc đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống cho đường sắt Cát Linh – Hà Đông tại sao vẫn kèm 16 khuyến cáo.
Chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Hữu Đức cho rằng, khi Tư vấn ACT đã cấp chứng nhận an toàn hệ thống, tức là dự án đã đủ điều kiện khai thác an toàn, còn không có gì an toàn tuyệt đối, nên họ vẫn kèm một số khuyến cáo để mình khắc phục cho tốt hơn. “Nếu không an toàn, hoặc các nội dung khuyến cáo là nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn chạy tàu thì tư vấn đã không cấp chứng nhận an toàn”, ông Đức nói.
Tiền phong