MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt đô thị tuyến Cát Linh-Hà Đông: Lại lùi tiến độ gần 1 năm

09-12-2017 - 13:41 PM | Bất động sản

Đến thời điểm này, tổng mức đầu tư của Dự án là hơn 868 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư này tăng hơn 300 triệu USD so với kế hoạch ban đầu. Đi cùng với việc tăng vốn, thì tiến độ dự án cũng ngày một… kéo dài.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài gần 13km, gồm 12 nhà ga đi toàn bộ trên cao. Theo kế hoạch, cuối tháng 7-2017, Dự án sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị.

Từ tháng 10-2017, Dự án Cát Linh - Hà Đông bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống, thời gian chạy thử khoảng từ 3 - 6 tháng. Dự kiến, quý II-2018, Dự án sẽ đưa vào khai thác thương mại.

Thế nhưng, sau một thời gian đốc thúc, dự án tưởng chừng sẽ về đích đúng hẹn, thì mới đây vào cuối tháng 11, Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) đã một lần nữa gửi văn bản lên Bộ GTVT xin điều chỉnh tiến độ thực hiện Dự án đến gần cuối năm 2018 mới đưa vào vận hành.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông thêm lần nữa trễ hẹn.

Ông Vũ Hồng Phương-Phó Giám đốc phụ trách dự án nhìn nhận: “Mặc dù Ban quản lý dự án Đường sắt đã quyết liệt chỉ đạo đôn đốc Tổng thầu, tư vấn giám sát và các nhà thầu phụ tập trung nhân lực, máy móc thiết bị để đẩy nhanh tiến độ thi công Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh-Hà Đông. Tuy nhiên, do vướng mắc khách quan cũng như chủ quan, đặc biệt là vướng mắc về nguồn vốn đã dẫn đến tiến độ thi công của Dự án bị chậm so với tiến độ đã được Chính phủ, Bộ GTVT chấp thuận”.

Theo ông Phượng, với tiến độ mới được lập thì dự án đã chậm khoảng 11 tháng mà nguyên nhân quan trọng là từ nguồn vốn giải ngân. Theo báo cáo từ Ban quản lý dự án đường sắt, kể từ đầu tháng 12-2016, công tác giải ngân của khoản vay ưu đãi bên mua 250 triệu USD liên tục gặp vướng mắc.

Thứ nhất là do kế hoạch vốn nước ngoài trong năm 2016 cho Dự án bị hết, phải chờ kế hoạch vốn của năm 2017; thứ hai do việc gia hạn thời gian rút vốn (hết hạn vào 31-12-2016) của khoản vay bị kéo dài do vướng mắc về các điều khoản gia hạn; Thứ 3 chưa thể giải ngân cho hạng mục xây lắp do ưu tiên chi trả cho các hạng mục vay lại của phần thiết bị được quy định tại Văn bản số 968/VPCP của Thủ tướng Chính phủ đã giới hạn khả năng sử dụng linh hoạt nguồn vốn vay của các Hiệp định còn hiệu lực.

Trong khi đó, Hiệp định vay bổ sung 250.62 triệu USD cho Dự án mặc dù đã được ký kết từ 11-5-2017, nhưng lại chưa thể giải ngân do các bên vẫn chưa thống nhất được ý kiến pháp lý, là điều kiện để khoản vay có hiệu lực. Vì vậy công tác giải ngân cho dự án từ đầu năm đến tháng 9-2017 chỉ giải ngân cho xây lắp được khoảng 10 triệu USD. Đến nay, vướng mắc này mới cơ bản được giải quyết.

Bên cạnh đó, năng lực quản lý điều hành của Tổng thầu còn hạn chế, lực lượng mỏng, thiếu kinh nghiệm dẫn đến công tác thiết kế, thi công lập hồ sơ nghiệm thu thanh toán, hoàn công… rất chậm trễ, thiếu khoa học.

Hơn nữa, có tình trạng các nhà thầu phụ thiếu niềm tin vào Tổng thầu do Tổng thầu không giải quyết một cách thấu đáo, hợp lý các vướng mắc trong quá trình thực hiện Hợp đồng thầu phụ dẫn đến không chỉ đạo được các nhà thầu phụ phối hợp thực hiện công tác thi công, lập và hoàn thiện hồ sơ hoàn công.

Việc thanh toán của Tổng thầu cho các nhà thầu phụ cũng rất chậm trễ dẫn đến các nhà thầu phụ thiếu vốn thi công. Việc lựa chọn, ký kết hợp đồng thầu phụ Tổng thầu thực hiện rất chậm, đến nay vẫn còn một số hạng mục Tổng thầu vẫn chưa lựa chọn được nhà thầu phụ thi công.

Bởi những nguyên nhân trên, mới đây Tổng thầu đã tiến hành lập lại tiến độ thi công các hạng mục còn lại của Dự án với mốc thời gian hoàn thành các hạng mục chính.

Theo đó, công tác xây dựng cơ bản nhà ga dự kiến hoàn thành vào tháng 3-2018; Hoàn thành đường ray cũng trong tháng này. Phần trang trí kiến trúc Depot, hệ thống thiết bị, căn chỉnh hệ thống đơn dự kiến hoàn thành vào tháng 4-2018; Đến tháng 5-2018 sẽ nghiệm thu hệ thống, đào tạo thao tác thiết bị.

Dấu mốc quan trọng dự kiến là 2-9-2018 sẽ vận hành chạy thử về kỹ thuật và đến tháng 11-2018 theo dự tính của tổng thầu thì có thể đủ điều kiên để đưa vào vận hành khai thác thương mại.

Tuy nhiên, tổng thầu cũng nhấn mạnh thời gian chạy thử có thể diễn ra từ 3-6 tháng và thời điểm khai thác thương mại phụ thuộc vào đơn vị tiếp nhận và quản lý vận hành khai thác. Nếu nhìn vào tiến độ trên, thì sớm nhất cuối năm 2018 mới có thể vận hành Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Trước đề xuất về tiến độ của Tổng thầu, ông Vũ Hồng Phương thay mặt Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề nghị Bộ GTVT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh tiến độ hoàn thành và đưa Dự án vào vận hành chạy thử vào ngày 2-9-2018 với thời gian vận hành chạy thử từ 3-6 tháng.

Trước đó, vào ngày 28-9-2017, Tổng thầu Trung Quốc đã tiến hành chạy thử tàu công trình trên một số đoạn tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Tốc độ chạy thử tàu từ 5km/giờ để kiểm tra kết cấu hạ tầng đường sắt, đường ray, sau đó nâng lên tốc độ 10 đến 20 km/giờ.

Dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu là 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD. Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD).

Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

Theo Đặng Nhật

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên