MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường sắt từ TP. HCM đi Cần Thơ có thể đưa vào quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050

Chiều ngày 23/11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) tổ chức họp báo về hội nghị tham vấn "Dự thảo Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050".

Tại đây, Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương nhấn mạnh: "Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm xác định phương hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường... Đồng thời, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực nhằm phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2050 trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước".

Liên quan đến hạ tầng vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, vùng sẽ được đầu tư mạnh về hạ tầng giao thông, đặc biệt là đường bộ trong giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, đường cao tốc từ TP. HCM đi Cà Mau sẽ được hoàn thiện, các trục Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Màu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Rạch Giá - Mỹ An cũng được thực hiện để kết nối toàn tuyến và cải thiện cơ sở hạ tầng khu vực này.

Liên quan đến hệ thống giao thông thủy, theo Thứ trưởng Phương, tận dụng lợi thế về sông nước, kênh rạch, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì quy hoạch phát triển giao thông thủy. Tuy nhiên, sẽ gặp vướng mắc về luồng lạch, hệ thống thủy lợi, ngăn mặn... Do vậy, vận tải hàng hóa lớn sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là vận tải container.

Liên quan đến xây dựng đường sắt, Thứ trưởng cho hay trong quy hoạch tới đây đang cân nhắc việc xây dựng đường sắt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đường sắt sẽ mang lại ý nghĩa rất lớn, giúp thuận tiện lưu thông hàng hóa, vận tải hành khách với số lượng lớn, rút ngắn thời gian đi lại...

Thứ trưởng chia sẻ: "Đường sắt từ TP. HCM đi Cần Thơ có thể đưa vào quy hoạch tầm nhìn đến năm 2050. Nếu làm được tuyến này thì ý nghĩa rất lớn, tạo ra cực tăng trưởng mới, giảm sức ép cho TP. HCM".

Song, những thách thức trong xây dựng đường sắt bao gồm chi phí lớn, địa hình tại khu vực phức tạp, đòi hỏi hệ thống cầu bắc qua sống lớn... Do vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhận định, trong việc xây dựng quy hoạch đang cân nhắc chi phí xây dựng so với hiệu quả mà đường sắt đem lại. "Trong giai đoạn 2021-2030 sẽ tập trung làm đường cao tốc trước", đại diện Bộ KHĐT nói thêm.

"Quy hoạch Đồng bằng sông Cửu Long lần này nhấn mạnh đến việc tạo việc làm, giữ sinh kế của người dân để người dân không phải di cư tự nhiên đến các khu vực khác để làm ăn, sinh sống. Muốn vậy, phải tạo sinh kế, tạo việc làm, biến Đồng bằng sông Cửu Long trở thành cực tăng trưởng thực sự", Thứ trưởng nêu rõ.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng, về nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, giữ sinh kế của người dân là ưu tiên hàng đầu. Đồng bằng sông Cửu Long có điểm đặc biệt với vai trò rất quan trọng, nhất là trong ngành nông nghiệp. Đây là nơi sản xuất lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản lớn nhất cả nước, đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng của Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng chậm lại, nguyên nhân do cơ cấu kinh tế dựa vào nông nghiệp là chủ yếu. Trong khi đó dịch vụ và công nghiệp lại chưa thực sự phát triển.

Đồng bằng sông Cửu Long cũng được đánh giá là khu vực dễ bị tổn thương nhất bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, vùng cũng đang đối mặt với thách thức về dân số khi thực trạng di cư từ khu vực này sang khu vực khác, nhất là sang vùng Đông Nam Bộ ngày càng tăng. "Chủ yếu lao động di cư lại là lao động có chất lượng. Muốn giữ được lực lượng này thì giải pháp sinh kế là rất quan trọng", Thứ trưởng Bộ KHĐT kết luận.

Q.L

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên