MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đường tàu TQ xây cho Lào: 5 năm làm 414km, cực khổ giữa núi cao nhưng vẫn... xong đúng hạn

26-10-2021 - 10:02 AM | Tài chính quốc tế

Đường tàu TQ xây cho Lào: 5 năm làm 414km, cực khổ giữa núi cao nhưng vẫn... xong đúng hạn

Không chỉ có vấn đề về địa hình, tuyến đường sắt cho tàu cao tốc còn phải đối diện với khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, kỹ sư hai nước Trung Quốc và Lào vẫn hoàn thành dự án xây dựng Đường sắt Trung Quốc-Lào và chuẩn bị đưa nó vào hoạt động vào tháng 12 tới theo đúng kế hoạch.

Đường tàu cao tốc Lào do Trung Quốc xây dựng

"Chúng tôi không thay đổi thời gian biểu và chúng tôi liên tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đó, hơn 90% công việc kỹ thuật đã được hoàn thiện và chúng tôi đang chuẩn bị để vận hành, đưa tuyến đường vào sử dụng".

Đường tàu TQ xây cho Lào: 5 năm làm 414km, cực khổ giữa núi cao nhưng vẫn... xong đúng hạn - Ảnh 1.

Bức ảnh chụp trên cao vào ngày 15/6/2021 cho thấy siêu cầu Phonethong đang được xây dựng ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: Tân Hoa Xã

Ở đầu phía nam của tuyến đường sắt ở Viêng Chăn, Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 5 Trung Quốc (CREC-5) đã hoàn thành việc xây dựng cấu trúc chính của cây cầu dài nhất dọc theo đường sắt Trung Quốc-Lào. Siêu cầu Phonethong có chiều dài 7.528,56 mét với 231 cầu tàu.

Ở phần cuối phía bắc của tuyến đường sắt, Tập đoàn Kỹ thuật Xây dựng Đường sắt Trung Quốc (CRCEG) đã cất nóc nhà ga cửa khẩu Lào ở Boten vào ngày 15/6. Công ty này cũng cất nóc nhà ga đầu tiên ở Nateuy, cách Thủ đô Viêng Chăn của Lào 360 km về phía bắc, vào ngày 16/9/2020.

Đến ngày 15/5, việc xây dựng tất cả 67 tháp liên lạc dọc tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã hoàn thành, trong khi các tuyến đường sắt Trung Quốc-Lào đã được kéo dài từ Viêng Chăn đến đầu phía bắc của Boten.

"Chúng tôi lắp đặt tất cả các đường ray vào giữa tháng 8", Lei Chao, giám đốc dự án đường ray của Tập đoàn Kỹ thuật Đường sắt số 2 Trung Quốc (CREC-2), nói với Tân Hoa xã.

Ông Lei cho biết nhóm CREC-2 đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiêm ngặt để đối phó với đại dịch COVID-19 nhằm đảm bảo tiến độ xây dựng của dự án không bị gián đoạn và không có trường hợp lây nhiễm nào. Công ty bắt đầu dự án từ ngày 27/3/2020.

Theo Xiao Qianwen, hầu hết các vị trí xây dựng đều nằm ở khu vực miền núi nhiệt đới, điều kiện địa lý phức tạp, điều kiện giao thông kém nên việc thi công gặp nhiều khó khăn.

Đặc biệt là trong mùa mưa, máy móc không thể tiếp cận công trường và đôi khi các đội kĩ sư Trung Quốc phải cõng một lượng lớn vật tư, thiết bị cần thiết.

Phó Chủ tịch nước Lào Bounthong Chitmany cho biết việc xây dựng Đường sắt cao tốc Trung Quốc - Lào đã phải đối mặt với những thách thức và khó khăn rất lớn trong thời kỳ đại dịch, nhưng tiến độ xây dựng hợp lý và cân đối đã củng cố niềm tin về việc tuyến đường sắt này vẫn sẽ hoàn thành kịp thời và đi vào hoạt động vào tháng 12 tới.

Đường tàu TQ xây cho Lào: 5 năm làm 414km, cực khổ giữa núi cao nhưng vẫn... xong đúng hạn - Ảnh 2.

Trung tâm điều hành đường sắt cao tốc Lào - Trung đặt tại nhà ga Viêng Chăn. Ảnh: Laotian Times

Ngày 10/6, khi thị sát việc xây dựng nhà ga Viêng Chăn, Phó Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã đề cập tới việc công ty kỹ thuật Trung Quốc đã thuê khoảng 700 người lao động địa phương. Ông hy vọng tuyến đường sắt sẽ cung cấp nhiều việc làm hơn cho cộng đồng địa phương.

Phó Thủ tướng thay mặt Chính phủ Lào ca ngợi những tiến bộ và thành tựu của việc xây dựng Đường sắt Trung Quốc - Lào trong bối cảnh dịch bệnh, cho rằng tuyến đường sắt này là một công trình mang tính bước ngoặt của tình hữu nghị giữa Lào và Trung Quốc và việc hoàn thành nó trùng với năm thứ 60 kỷ niệm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Lào, có ý nghĩa quan trọng.

Hiện tại, ít nhất 636 người lao động Lào được đào tạo cho hoạt động vận hành của Đường sắt Trung Quốc-Lào, bao gồm các công việc lái tàu, bảo trì thiết bị và cơ sở hạ tầng.

Theo Tân Hoa Xã, tuyến đường cao tốc Trung-Lào sẽ tạo ra cơ hội cho đầu tư nước ngoài, giúp Lào tham gia mạng lưới công nghiệp trong khu vực và toàn cầu. Điều này đồng nghĩa rằng, tuyến đường sắt không chỉ có ý nghĩa song phương mà còn giúp Lào tăng cường hoạt động thương mại với nhiều nước trên thế giới.

Tuyến đường sắt dài hơn 400 km sẽ chạy từ cửa khẩu Boten ở Bắc Lào giáp Trung Quốc đến Viêng Chăn với tốc độ vận hành 160 km/h.

Tuyến đường sắt chở khách và hàng hóa được vận hành và xây dựng theo các tiêu chuẩn quản lý và kỹ thuật của Trung Quốc. Dự án được khởi công xây dựng từ tháng 12/2016, dự kiến hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 12/2021.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp và tiếp thị

Trở lên trên