MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ế khách, hãng ô tô vẫn đua mở đại lý

17-12-2023 - 09:26 AM | Thị trường

Việc mở đại lý nằm trong kế hoạch dài hạn của các hãng ô tô, dựa trên định hướng kinh doanh và dự báo thị trường trong tương lai

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sức mua trên thị trường trong năm nay giảm hơn 30% so với năm ngoái, dù đã được Chính phủ hỗ trợ giảm 50% lệ phí trước bạ. Tính riêng tháng 11-2023, doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt 27.953 chiếc, tương đương tháng 10 và giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khác thông lệ cuối năm - thường doanh số tiêu thụ ô tô tăng mạnh, năm nay sức mua khó kỳ vọng cải thiện nhiều. Tuy vậy, nhiều hãng ô tô vẫn liên tục khai trương đại lý phân phối trên khắp cả nước.

Một đại lý ô tô mới được đưa vào hoạt động tại tỉnh Tuyên Quang

Một đại lý ô tô mới được đưa vào hoạt động tại tỉnh Tuyên Quang

Đơn cử, Toyota mở thêm đại lý tại Tuyên Quang, Ninh Bình, nâng tổng số đại lý của hãng lên 87. Ford vừa mở đại lý thứ 45 của hãng tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Honda cũng có tổng cộng 45 đại lý tại nhiều tỉnh, thành phố sau khi mở 1 đại lý tại TP HCM gần đây. Riêng Volkswagen khai trương 2 đại lý tại TP Hải Phòng và Đà Nẵng, qua đó hình thành hệ thống bán lẻ rộng khắp của hãng gồm 12 đại lý.

Ông Trần Đình Kỷ, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Moveo New City, cho biết chi phí để mở một đại lý khoảng vài chục đến hàng trăm tỉ đồng, tùy hãng có thị phần nhỏ hay lớn. Chẳng hạn, với hãng có thị phần nhỏ, nhà phân phối muốn mở đại lý cần đầu tư 30-70 tỉ đồng; còn với hãng có thị phần lớn, yêu cầu đại lý đáp ứng nhiều điều kiện thì chi phí đầu tư khoảng 100-130 tỉ đồng. Mức đầu tư này chưa tính đến tiền thuê mặt bằng.

Như vậy, việc mở mới đại lý ô tô là dự án độc lập của pháp nhân riêng là nhà phân phối, đại lý không trực thuộc hãng và không sử dụng vốn đầu tư của hãng. Để có thể mở đại lý cho các hãng Toyota, Ford, Honda, Mitsubishi..., doanh nghiệp phân phối cần xây dựng dự án thành lập đại lý, thuyết trình và nhận được sự chấp thuận của hãng; đáp ứng các điều kiện của hãng đề ra về quy mô, trang thiết bị, nhân lực, kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ô tô...

"Mất 1-2 năm, thậm chí 5 năm, để được hãng ô tô chấp thuận cho mở đại lý. Việc các hãng mở đại lý nhanh hay chậm phụ thuộc vào tiến độ phê duyệt cũng như thời gian xây dựng. Thời điểm này, có nhiều đại lý được mở mới có thể là do trùng hợp các dự án được xem xét, phê duyệt và đưa vào hoạt động cùng thời điểm" - ông Kỷ lý giải.

Ông Lê Hữu Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Volkswagen Việt Nam, cho hay việc hãng mở 2 đại lý trong năm nay là theo kế hoạch từ trước. Năm 2024, hãng dự kiến mở thêm 4 đại lý. Mục tiêu của hãng là mở đại lý để tiếp cận khách hàng nhiều hơn, tăng trải nghiệm cho khách hàng, qua đó hãng có nhiều cơ hội tăng doanh số hơn.

Theo ông Thái Quang Huy, Giám đốc kinh doanh Công ty CP DV Sài Gòn Ô tô Gia Định, việc mở nhiều đại lý ô tô trong thời điểm sức mua ảm đạm là nhằm đón đầu cơ hội thị trường khi kỳ vọng phương tiện này sẽ trở nên phổ biến hơn và giá giảm đáng kể giúp nhu cầu tăng lên. Mặt khác, sau thời gian kinh tế khó khăn và bước vào chu kỳ hồi phục, thị trường sẽ ghi nhận sức bật của hoạt động mua sắm. Do đó, các hãng phải chuẩn bị trước để khi cơ hội đến có thể thuận tiện phục vụ khách hàng. 

Theo Nguyễn Hải

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên