MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

eKYC bắt đầu cho thấy “sự lợi hại” trong hoạt động ngân hàng

17-10-2021 - 19:00 PM | Tài chính - ngân hàng

eKYC bắt đầu cho thấy “sự lợi hại” trong hoạt động ngân hàng

Một phương thức điện tử để mở tài khoản thanh toán chỉ mới được “thừa nhận” về mặt pháp lý trong hoạt động ngân hàng nhưng đã bước đầu cho thấy hiệu quả thiết thực.

Theo Thông tư 16/2020/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 23/2014/TT-NHNN ngày 19/8/2014 hướng dẫn việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán), việc mở tài khoản thanh toán của cá nhân bằng phương thức điện tử (eKYC) mới chính thức được quy định và áp dụng từ ngày 05/3/2021.

Trước đó, một số ngân hàng thương mại (NHTM) đã từng bước thí điểm phương thức này trong năm 2020. Và phải đến thời điểm khung pháp lý quy định nói trên có hiệu lực, “cuộc đua” eKYC mới thực sự bắt đầu sôi động.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa nhiều NHTM nhập cuộc, một phần do yêu cầu công nghệ cho một phương thức mới tại Việt Nam. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cập nhật mới đây, hiện mới chỉ có 16 NHTM chính thức triển khai dịch vụ này.

Dù mới thí điểm trong năm 2020, bắt đầu chính thức được áp dụng từ 05/3/2021, song qua 16 NHTM triển khai đã có hơn 900.000 tài khoản hoạt động, số lượng và giá trị giao dịch đạt 3,2 triệu món và 92,1 nghìn tỷ đồng.

Theo NHNN, kết quả triển khai bước đầu cho thấy việc mở tài khoản thanh toán eKYC đã mang lại hiệu quả thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

eKYC cũng là một bước tiến mới về công nghệ trong phát triển dịch vụ ngân hàng tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

Sau khi liên tiếp bùng nổ những năm gần đây, số liệu từ NHNN cho thấy TTKDTM tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Trong 7 tháng đầu năm 2021, giao dịch qua phương tiện TTKDTM tăng 59,6% về số lượng và 28,03% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020.

Đến cuối tháng 7/2021, có trên 80 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 45 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong đó, thanh toán qua kênh Internet đạt 381,9 triệu món với giá trị 20,12 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 58,51% về số lượng và 32,04% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020); qua kênh điện thoại di động đạt 1.030,9 triệu món với giá trị 12,29 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 79,47% về số lượng và 105,24% về giá trị).

Tại buổi họp báo ngày 12/10 vừa qua, NHNN tiếp tục cập nhật số liệu 8 tháng đầu năm 2021 cho biết, tổng số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng 3,32% về số lượng và tăng 41,37% về giá trị so với 8 tháng đầu năm 2020; thanh toán qua kênh Internet tăng tương ứng 54,13% về số lượng và 30,70% về giá trị so với cùng kỳ năm 2020; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 74,98% và 93,69%; qua kênh QR code tăng tương ứng 66,81% và 133,12%.


Theo Hải Vân

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên