Elon Musk và nghệ thuật đối mặt với thất bại
Nếu nói về thành công, ít ai được như Elon Musk, nhưng khi kể về thất bại cũng chẳng có mấy ai trải qua những điều ông đã từng gặp, đó có thể nói là những bàn đạp vững chắc để có được một Elon Musk ngày hôm nay.
- 22-07-2016Làm thế nào để đạt được thành công trong các khóa học hè của sinh viên
- 21-07-2016Phàm những người thành công đều có chung 2 đặc điểm tính cách này
- 21-07-2016Kinh doanh thành công đòi hỏi 1 yếu tố mà hầu hết người trẻ tuổi đều không có
Chúng ta đều biết đến Elon Musk như một người cực kỳ thông minh và giàu có. Nhưng trước khi trở thành tỷ phú, tài sản duy nhất mà ông có là bộ óc và tầm nhìn có khả năng thay đổi thế giới cũng như toàn nhân loại. Và Musk đã trải qua rất nhiều lần vấp ngã và thất bại, nhưng ông giờ đây đã ở trên đỉnh cao nhờ luôn tin rằng:
Nếu có điều gì đủ quan trọng thì bạn hãy cố gắng thực hiện điều đó, kể cả khi thất bại là điều gần như có thể thấy trước.
Tiếp theo chúng ta hãy điểm lại một số thất bại của doanh nhân thành công này:
Bị bắt nạt
Musk sinh ra ở Nam Phi. Lúc còn nhỏ cậu bé Elon Musk luôn vùi mình trong sách và máy tính và không lúc nào tỏ ra là một người thích giao thiệp. Vì nhỏ tuổi và yếu hơn, Musk thường xuyên bị bắt nạt, thậm chí có lần còn bị ném xuống chân cầu thang và bị đánh đến nỗi ngất xỉu nên phải nhập viện. Vết thương đó giờ đây vẫn còn ảnh hưởng và đôi khi khiến ông gặp khó khăn khi hít thở.
Nỗ lực với Netscape
Musk đã từng nộp đơn xin việc ở Netscape, tuy nhiên ông không nhận được phản hồi gì vì không có bằng cấp trong ngành máy tính (Ông có bằng kinh tế và vật lý). Thậm chí ông đã đến văn phòng của Netscape nhưng lại quay về vì quá ngượng ngùng nên không dám nói chuyện với ai.
Sau đó ông quyết định theo đuổi ý tưởng riêng và lập ra Zip2, một công ty phần mềm chuyên cung cấp các chi tiết về doanh nghiệp, như một dạng Những Trang Vàng trên mạng.
Giá như Musk không quá e dè và lúc đó Netscape cho ông một cơ hội, có thể tương lai của cả hai đã khác. Lúc đó Netscape là một trong những công ty công nghệ hàng đầu, và Musk đã bỏ lỡ một cơ hội chỉ vì quá nhút nhát.
Đấu tranh cho Zip2
Zip2 được Musk cùng em trai mình tạo ra, nhưng Hội đồng Quản trị lại nhìn về dài hạn và đẩy Musk ra khỏi vị trí CEO của công ty vì họ cho rằng Musk không có các phẩm chất điều hành cần thiết. Ông vẫn giữ cổ phiếu của mình và khi Zip2 được bán cho Compaq, ông nhận được 22 triệu USD.
Bị hất cẳng khỏi PayPal
Musk sáng lập ra X.com, một công ty thanh toán trực tuyến sau này trở thành PayPal. Vào tháng 4 năm 2000, Musk trở thành CEO của PayPal. Không lâu sau đó, ông có bất đồng với người sau này trở thành CTO về lựa chọn hệ điều hành Windows hay Unix. Chính sự bất hòa này khiến ông bị hất ra khỏi vị trí CEO của PayPal khi đang đi nghỉ tuần trăng mật.
Một lần suýt chết
Khi đang đi nghỉ ở Nam Phi, Musk bị sốt rét ác tính, một căn bệnh với tỉ lệ tử vong đến 20% kể cả khi được điều trị. Ông mất đến 6 tháng để phục hồi và sụt đến 20 kg. Tuy nhiên trải nghiệm này không làm ông mất đi tinh thần và sự hài hước. Thậm chí ông còn nói đùa là: “Bài học mà tôi học được khi đi nghỉ là: Kỳ nghỉ có thể giết chết bạn”.
Cái chết bất ngờ của con trai
Chứng kiến con mình chết có thể là điều tồi tệ nhất đối với bất kỳ ai. Musk có một đứa con trai với người vợ đầu tiên Justine Wilson vào năm 2002. Họ đặt tên cậu bé là Nevada Alexander. Nhưng cậu bé đã qua đời do hội chứng đột tử ở trẻ khi mới được 10 tuần tuổi. Khi nhân viên y tế đến nơi, cậu bé đã tắt thở từ lâu. Musk không bao giờ nhắc gì về sự kiện này.
Chuyến đi đến nước Nga
Vào năm 2001, Musk nung nấu ý tưởng về ‘Mars Oasis’, một dự án trồng cây trên sao Hỏa. Cùng với vài người, Musk đã đến Matxcova để tìm kiếm các tên lửa đạn đạo liên lục địa nhằm đưa các thiết bị vào không gian. Họ đã gặp một số công ty và đều bị từ chối. 6 tháng sau đó, Musk quay trở lại Nga một lần nữa. Lần này họ đưa ra lời đề nghị trị giá 8 triệu USD cho một quả tên lửa (mức giá mà Musk cho là quá đắt). Trên chuyến bay trở về Mỹ, Musk đã nghĩ đến việc lập công ty của riêng mình để chế tạo các quả tên lửa có chi phí thấp hơn. Và vì thế, SpaceX ra đời.
Cuộc khủng hoảng ở SpaceX
Vào tháng 6/2002, Musk thành lập SpaceX với mục tiêu giảm chi phí vận chuyển trong không gian và biến ước mơ chinh phục sao Hỏa trở thành hiện thực. 3 lần phóng tên lửa đầu tiên của công ty đã thất bại và khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại. Họ chỉ còn đủ tiền cho một lần phóng nữa mà thôi và đang đứng trên bờ vực phá sản. Đó là một khoảng thời gian rất căng thẳng đối với Musk. Tuy nhiên lần phóng thứ 4 là một thành công lớn, và sau đó SpaceX nhận được một hợp đồng từ NASA với trị giá 1,6 tỷ USD. SpaceX đã phóng được tên lửa vào không gian với chi phí chỉ bằng 1/3 so với bất kỳ đối thủ nào khác trong lĩnh vực này.
Cuộc khủng hoảng ở Tesla
Musk thành lập Tesla Motors vào năm 2003, với mục tiêu sản xuất ra những chiếc ô tô điện giá rẻ. Sản phẩm đầu tiên của công ty là Roadster, một chiếc xe có hiệu năng cao nhưng khá đắt. Cuộc ra mắt bị trì hoãn và công ty phải đổi mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng về tài chính, đến nỗi suýt phải đóng cửa. Lúc đó, Musk đã phải đưa ra một quyết định quan trọng: Hoặc đổ số tiền tiết kiệm của mình vào công ty hoặc nhìn công ty sụp đổ. Canh bạc này hóa ra lại là một lần đánh cuộc may mắn vì chiếc xe nhận được rất nhiều lời tán dương cho hiệu năng mà nó mang lại.
Cạn tiền đầu tư
Sau khi đầu tư hết tiền vào Tesla và SpaceX, Musk bắt đầu cạn tiền. Ông phải sống nhờ vào các khoản vay bạn bè từ tháng 10 năm 2009. Thậm chí Tesla còn phải vay 465 triệu USD từ Bộ Năng lượng Hoa Kỳ. Nhờ vậy Tesla đã tồn tại được vì trước đó nó chỉ sống nhờ vào khoản đầu tư cá nhân của Musk, mà khoản tiền này vốn không còn bao nhiêu sau vụ ly dị của ông. Nhưng may sao, cuối cùng thành công cũng đến.
Musk dường như là người có thể dạy cho ta biết về nghệ thuật của thất bại. Ông không hề tỏ ra lo lắng về thất bại và theo như ông nói: “Thất bại là một lựa chọn. Nếu mọi sự không trắc trở, thì có nghĩa là bạn vẫn chưa đủ sáng tạo”.
Bizlive