Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, người Việt Nam đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này là thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc, chia sẻ phương châm làm việc của ông rất đơn giản. Hãy say mê, sáng tạo và tự tin trong công việc rồi cuộc đời sẽ trả công bạn bằng cơ hội và may mắn.
Chia sẻ về lý do ông quyết định chọn và gắn bó với lĩnh vực pháp lý, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết như bao thanh niên khác thời chống Mỹ, ông sinh ra trong thời loạn lạc nên ước mong duy nhất là đi bộ đội góp phần vào cuộc kháng chiến giành độc lập. Trong quá trình tham gia quân đội, ông trưởng thành từ Lữ đoàn 125 vận tải quân sự Trường Sa với truyền thống Đoàn tàu không số. Tình yêu biển cả và nghĩa vụ công dân bảo vệ tổ quốc giúp ông hiểu rằng đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và các quyền tài phán trên biển của đất nước rất cần đến lĩnh vực pháp lý nhất là khi chúng ta tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc (LHQ) không sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Khi có cơ hội học tập ở Pháp, ông đã quyết định gắn bó với luật quốc tế.
Từ trái qua: Đại sứ Nguyễn Hồng Thao tại kỳ họp thứ nhất, khóa họp 71 của Ủy ban Luật pháp quốc tế, Geneva (Thụy Sĩ). Ảnh TTXVN; Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và cán bộ Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, tại kỳ họp Đại hội đồng LHQ khóa 76 ở New York tháng 11-2021; Đại sứ Nguyễn Hồng Thao và bạn bè quốc tế.
"Tôi tự hào bảo vệ luận án tiến sỹ về luật biển tại ĐH Paris I Pantheon – Sorbone và có tác phẩm duy nhất đến nay về các vấn đề của luật biển Việt Nam được giải thưởng quốc tế. Tôi có cơ hội cùng đồng nghiệp vận dụng luật quốc tế để giải quyết các tranh chấp của Việt Nam, không chỉ trên biển, còn trên đất liền, trên vùng trời, trong hoạt động thương mại, môi trường, y tế, quyền con người… Có lẽ chính cuộc sống chọn nghề cho tôi và tôi có quyết tâm gắn bó, đồng cam cộng khổ với nghề để vươn tới các mục tiêu"- Đại sứ chia sẻ về thời thanh niên sôi nổi của mình.
Ngày 3-11-2016 (giờ New York, Mỹ), Đại hội đồng LHQ đã tiến hành bỏ phiếu bầu chọn các vị trí thành viên của Ủy ban Luật pháp quốc tế nhiệm kỳ 2017-2021. Với số phiếu 120/191, Đại sứ Việt Nam tại Kuwait Nguyễn Hồng Thao đã trúng cử.
Ngày 12-11-2021, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tái đắc cử vị trí thành viên Ủy ban Luật quốc tế nhiệm kỳ 2023-2027, trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ khóa 76 ở New York, với 145/191 phiếu bầu, xếp thứ 4 trong số 11 ứng cử viên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã có nhiều đóng góp nổi bật trong nhiệm kỳ 2017-2022 tại Ủy ban Luật pháp quốc tế của Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Ủy ban Luật pháp quốc tế gồm 34 thành viên do Đại Hội đồng LHQ bầu ra, được công nhận có thẩm quyền về luật quốc tế, đại diện cho các trường phái luật trên thế giới. Các sản phẩm cuối cùng đều là sản phẩm tập thể của Ủy ban. Quan hệ giữa các ủy viên dựa trên các yếu tố khách quan, hợp tác, tôn trọng và bổ xung cho nhau. Theo Đại sứ Nguyễn Hồng Thao, đây là diễn đàn tranh luận khoa học. Cho nên không thể tránh khỏi "cãi nhau" căng thẳng nhưng đích đến đều dựa trên cơ sở khoa học và sự tôn trọng.
Thành viên Ủy ban Luật pháp quốc tế thường là các giáo sư, nhà ngoại giao, luật gia nổi tiếng, có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy và thực hành luật pháp quốc tế. Là người có kiến thức, có thể không bằng các đồng nghiệp giáo sư chuyên nghiệp, nhưng lại mạnh về thực tiễn ngoại giao, giải quyết các tranh chấp thực sự, nhiều năm là Trưởng đoàn và cố vấn đàm phán chuyên viên về biên giới lãnh thổ, đại diện cho các nước đang phát triển, ông đã có những đóng góp ấn tượng cho công việc của Ủy ban.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã tham gia vào 2 chủ đề mới nảy sinh và đang được sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, đánh dấu sự phát triển mới của luật quốc tế, là ảnh hưởng của nước biển dâng và vai trò của luật quốc tế trong phòng chống đại dịch. Ông đã có một báo cáo về tình hình thực thi và quan điểm của các nước trong khu vực Tây – Thái Bình dương (khoảng 50 nước) đối với ảnh hưởng của nước biển dâng lên hệ thống đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải và các vùng biển cũng như các ranh giới phân định biển đã ký. Báo cáo này đã được ghi nhận trong Báo cáo của nhóm nghiên cứu về "Nước biển dâng liên quan đến luật quốc tế" và được các đồng nghiệp đánh giá cao. Nó góp phần thể hiện quan điểm của các nước đang phát triển, trong đó có các quốc gia đảo nhỏ và các nước có châu thổ thấp như Việt Nam, Bangladesh về khả năng công nhận và đông cứng các đường cơ sở và ranh giới biển đã được thỏa thuận phù hợp với Công ước LHQ về Luật biển bất kể các tác động của nước biển dâng.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao là đồng tác giả với GS. Grossman và Jalloh đệ trình một chủ đề cho Chương trình làm việc dài hạn của Ủy ban vào năm 2021 về bảo vệ con người trong các đại dịch với tham vọng sẽ đánh giá toàn diện việc thực thi Quy chế y tế 2005 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các văn bản và thực tiễn quốc gia hợp tác cùng phòng chống các đại dịch tương tự như Covid-19.
Trong khi nhấn mạnh vai trò chủ chốt của WHO trong phòng chống đại dịch, chúng ta cũng thấy có nhiều vấn đề không chỉ trong lĩnh vực sức khỏe và cần phải được sớm điều chỉnh đồng bộ, hài hòa bằng luật quốc tế để tăng cường sự hợp tác giữa các quốc gia như bảo đảm chuỗi cung ứng, vấn đề vắc-xin, quyền con người… Không một quốc gia đơn lẻ nào có thể an toàn trong đại dịch khi các quốc gia bên cạnh không an toàn. Mọi đại dịch chỉ có thể được giải quyết trên cơ sở đoàn kết quốc tế, hợp tác quốc tế. Đó cũng là tinh thần mà nhóm này đã phối hợp với các Phái đoàn đại diện thường trực tại LHQ của Chi lê, Thổ Nhĩ Kỳ, Bồ Đào Nha, Siera Lion và Việt Nam tổ chức một hội thảo bên lề các cuộc họp của Ủy ban 6 của LHQ về 10 tháng đại dịch Covid-19 đánh giá và kiến nghị vào tháng 10-2020. Sau Hội nghị này, Đại sứ Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý đã kiến nghị với Đại Hội đồng lựa chọn một ngày làm ngày quốc tế phòng chống đại dịch và chúng ta có ngày 27-11 hàng năm là ngày đó.
"Một sáng kiến khác của Hội thảo là sớm có một Công ước quốc tế về phòng chống đại dịch. Tháng 7- 2021 chúng tôi phối hợp với cố vấn pháp lý của WHO tiến hành một cuộc hội thảo về Vai trò của WHO và ILC trong soạn thảo một Công ước quốc tế về đại dịch. Bây giờ đã có nhiều nguyên thủ, nhiều tổ chức có ý kiến tương tự. Chúng ta có thể tự hào Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên nêu vấn đề đó và có đóng góp thực chất"- Đại sứ cho biết.
Đại sứ Nguyễn Hồng Thao cho biết việc tham gia ILC cho ông cơ hội để đưa các thực tiễn Việt Nam vào các báo cáo của ILC về các vấn đề luật pháp như Bảo vệ môi trường trong xung đột vũ trang, Tội ác chống lại loài người, Áp dụng tạm thời điều ước quốc tế, Kế thừa quốc gia về trách nhiệm pháp lý quốc tế, …. Các báo cáo hàng năm này của ILC đều là tài liệu được các cơ quan tài phán quốc tế như Tòa án quốc tế, trọng tài quốc tế, các tòa án quốc gia và thực tiễn quốc gia trích dẫn nên rất có giá trị khi thực tiễn Việt Nam và khu vực được phổ biến.
"Ví dụ như tôi đã trao đổi và đấu tranh để đưa vấn đề bộ đội tình nguyện Việt Nam vào Campuchia để cứu giúp nhân dân Campuchia khỏi nạn diệt chủng, một tội ác quốc tế, và góp phần bảo đảm an ninh hòa bình khu vực và thế giới. Tôi đã tranh luận để trong báo cáo đưa vào kết luận 002/02 của Tòa án hình sự Campuchia về tội ác diệt chủng của các lãnh đạo Campuchia Dân chủ chống lại người Campuchia, người Chăm, người Việt và Đạo Phật. Khi đưa được vào tài liệu dự thảo Công ước chống tội ác diệt chủng có thể được thông qua trong tương lai thì ý nghĩa của nó rất lớn, vì đó là tài liệu tổng kết thực tiễn và lý luận của cả thế giới, đóng góp vào khẳng định các cống hiến của các nước trong đó có Việt Nam đối với hòa bình và an ninh quốc tế"- Đại sứ cho biết.
Với vai trò đoàn kết, hòa đồng và đóng góp tích cực cho công việc của Ủy ban nên năm 2018, kỷ niệm 70 năm thành lập Ủy ban luật pháp quốc tế, Đại sứ Nguyễn Hồng Thao đã được các đồng nghiệp bầu vào vị trí Phó Chủ tịch thứ hai của Ủy ban, một vị trí không phải ai ở nhiệm kỳ đầu tiên cũng có được. Với Đại sứ, đó là niềm tự hào góp phần đưa Việt Nam sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ căn dặn.
Người Lao động