EU tăng thuế nhập khẩu thép không gỉ của 2 nước châu Á, do được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng có liên quan tới Trung Quốc
Liên minh châu Âu cho biết sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm thép không gỉ từ Ấn Độ và Indonesia.
- 15-03-2022Giá thép tiếp tục tăng
- 15-03-2022Gói trừng phạt thứ 4 của EU nhằm vào Nga là hàng hóa xa xỉ và sắt thép
- 12-03-2022Canada điều tra rà soát thuế chống bán phá giá với ống thép dẫn dầu
Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/3 cho biết EU sẽ tăng thuế đối với các sản phẩm thép không gỉ từ Ấn Độ và Indonesia, sau khi xác định chúng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng, trong đó có một số từ Trung Quốc theo chương trình đầu tư "Vành đai và Con đường".
Trong thông báo chính thức đăng trên báo của EU, Ủy ban châu Âu cho hay sau khi tiến hành cuộc điều tra, họ đã quyết định áp thêm mức thuế chống trợ cấp đối với các sản phẩm thép không gỉ cán nguội của hai quốc gia trên ở mức từ 4,3% đến 21,4%. Mức thuế này sẽ được áp chồng lên thuế chống bán phá giá đã có từ trước đối với những sản phẩm này.
Theo đó, công ty sản xuất kim loại IRNC của Indonesia phải đối mặt với mức thuế mới là 21,4% và nâng tổng mức thuế họ phải chịu (bao gồm cả thuế chống bán phá giá) lên 30,7%.
Mức thuế mới cho Jindal Stainless Ltd và Jindal Stainless Hisar Ltd của Ấn Độ là 4,3%, nâng tổng mức thuế của hai công ty này lên 14,3%.
Ủy ban châu Âu cho biết các khoản trợ cấp diễn ra dưới hình thức khoản vay ưu đãi, miễn thuế và cung cấp nguyên liệu thô giá rẻ, một phần từ các hạn chế xuất khẩu đối với chính những nguyên liệu đó.
Indonesia cũng được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Trung Quốc để giúp xây dựng ngành công nghiệp thép không gỉ của nước này. Đổi lại, Trung Quốc được hưởng lợi từ việc chiếm thị phần lớn hơn trong xuất khẩu quặng nickel của Indonesia.
Đây là cuộc điều tra thứ hai của Liên minh châu Âu về các khoản trợ cấp xuyên quốc gia của Trung Quốc. Trước đó, vào năm 2020, khối này đã áp thuế đối với vải sợi thủy tinh và các sản phẩm từ các công ty Trung Quốc hoặc các hoạt động liên doanh với Trung Quốc ở Ai Cập.
Ủy ban cho biết các mức thuế mới sẽ có hiệu lực từ thứ 5 (17/3), nhằm mục đích khắc phục thiệt hại gây ra cho các nhà sản xuất ở EU như Acerinox và Outokumpu.
Giám đốc thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết: "Hôm nay, chúng tôi đang hành động để chống lại các khoản trợ cấp không công bằng do nhà nước tài trợ ở Ấn Độ và Indonesia. Việc này đã gây tổn hại trực tiếp đến công nhân và các công ty của chúng tôi trong lĩnh vực công nghiệp quan trọng này."
Từ đầu tháng đến nay, giá mặt hàng này liên tục leo dốc vì giá nickel liên tục tăng nóng trong thời gian qua. Hơn 70% nguồn cung nickel toàn cầu được sử dụng để sản xuất thép không gỉ. Đây là kim loại được sử dụng trong pin của các phương tiện chạy điện - xu hướng giao thông mới trên thị trường trong vài năm trở lại đây. Có lúc giá nickel tăng đến 250% trong hai phiên tính đến ngày 8/3, vượt 100.000 USD/tấn đầu ngày 8/3. Con số này gấp đôi đỉnh ghi nhận năm 2007.
Nga là một trong những quốc gia xuất khẩu nickel lớn nhất thế giới, và tâm lý lo ngại về các lệnh trừng phạt của phương Tây hoặc những khó khăn trong công tác vận chuyển hàng hóa đã khiến cho thị trường liên tục dậy sóng.
Khối Liên minh châu Âu hiện đang liên tục có các động thái liên quan đến thị trường sắt, thép. Mới đây vào hôm 15/3, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho hay EU sẽ quyết định tung ra gói biện pháp thứ tư nhằm cô lập Nga hơn nữa và tiêu hao các nguồn lực mà nước này đang sử dụng để tài trợ cho cuộc chiến ở Ukraine. Bước đầu tiên trong kế hoạch, EU sẽ cấm nhập khẩu các mặt hàng thuộc lĩnh vực sắt thép. Lệnh cấm nhập khẩu mặt hàng này từ Nga có thể ảnh hưởng đến doanh thu xuất khẩu 3,3 tỷ euro (3,6 tỷ USD) của nước này.
Tham khảo: Reuters