MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

EU từ chối cứu những công ty có dính tới “thiên đường thuế”!

25-05-2020 - 09:16 AM | Tài chính quốc tế

Một số quốc gia châu Âu đã quyết định không cho các doanh nghiệp có dính dáng tới các “thiên đường thuế” ở nước ngoài nhận gói cứu trợ virus corona do chính phủ hỗ trợ.

Đến nay, Pháp, Ba Lan, Bỉ và Đan Mạch đều đã công bố các biện pháp tương tự để loại bỏ một số công ty ra khỏi các chương trình cứu trợ được hình thành từ tiền thuế của người dân.

Tính đến thứ Ba tuần này, hơn 4,8 triệu người đã bị nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới, với 318.833 người chết, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.

Đại dịch đã buộc các nhà lãnh đạo thế giới nhanh chóng triển khai các biện pháp tài chính khẩn cấp và những gói kích thích mạnh mẽ nhằm tránh một sự sụp đổ kinh tế nghiêm trọng.

Danh sách đen của Liên minh châu Âu (EU)

Đầu tháng này, Bỉ đã trở thành quốc gia thứ tư của EU đưa ra luật ngăn chặn các công ty có sự hiện diện ở "thiên đường thuế" được thụ hưởng những chương trình cứu trợ.

Luật này - được thông qua vào ngày 07/05 - quy định rằng bất kỳ doanh nghiệp nào có dính dáng đến các "thiên đường thuế" thông qua một cổ đông hoặc công ty con sẽ không được nhận sự hỗ trợ của nhà nước.

Ba Lan, Pháp và Đan Mạch đều đã đề xuất những sửa đổi tương tự để từ chối cứu trợ cho các công ty hoạt động tại những khu vực hoặc quốc gia mà EU xem là "không hợp tác vì mục đích thuế".

Danh sách đen của EU xác định 12 quốc gia đã không đáp ứng tiêu chuẩn của họ trong việc trao đổi mở và minh bạch những thông tin về thuế.

Không có quốc gia nào trong danh sách trên là thành viên của EU, vì khối này tuyên bố rằng tất cả các quốc gia thành viên đều phải tuân thủ đầy đủ và bị kiểm soát ở mức độ cao hơn những quốc gia khác trên toàn cầu.

Người phát ngôn của Ủy ban Châu Âu, cơ quan điều hành của EU, nói với CNBC rằng nếu các quốc gia thành viên muốn cấp viện trợ nhà nước và thiết kế những biện pháp theo quy định của EU, chẳng hạn như để ngăn chặn gian lận và né thuế hoặc cố tình trốn tránh, thì đó là tùy họ.

Đồng thời, người phát ngôn cho biết những quốc gia thành viên phải tuân thủ các quyền tự do cơ bản được bảo đảm bởi Hiệp ước EU, bao gồm cả việc tự do di chuyển vốn và tự do di chuyển của người dân.

"Điều này có nghĩa là họ không thể loại trừ các công ty khỏi những chương trình viện trợ dựa trên căn cứ rằng các công ty đó đặt trụ sở chính hoặc đăng ký thuế ở một quốc gia EU khác", họ nói thêm.

Thử nghiệm "bảo lãnh hoặc giải cứu"

Alex Cobham, giám đốc điều hành của Mạng lưới tư pháp thuế (Tax Justice Network), tổ chức chuyên theo dõi việc tránh thuế của các công ty, tin rằng đại dịch virus corona đã "tiết lộ chi phí ‘khủng’ của một hệ thống thuế quốc tế được lập trình để ưu tiên cho sự quan tâm của những doanh nghiệp khổng lồ hơn nhu cầu của người dân".

Cuối tháng trước, Mạng lưới tư pháp thuế đã công bố một cuộc "bảo lãnh hoặc giải cứu" 5 bước để xác định liệu các chính phủ có nên giúp những doanh nghiệp yêu cầu cứu trợ vì bị thiệt hại bởi đại dịch hay không.

Việc kiểm tra bao gồm tìm hiểu xem một hoặc nhiều công ty con của nhóm công ty được liệt kê trên Chỉ số bí mật tài chính (một hệ thống xếp hạng các khu vực tài phán theo mức độ bí mật của các hoạt động ở nước ngoài của họ), xem nhóm này đã tham gia vào bất kỳ vụ bê bối tài chính nào không, tìm xem nhóm này có công bố các tài khoản gần đây nhất của mình không, hỏi xem nhóm này có công bố thông tin về việc ai là người được thu lợi trong tất cả các công ty hợp pháp của họ không, và yêu cầu xem nhóm này có cam kết bảo vệ nhân viên hay không.

Nếu bất kỳ điều kiện nào trong số đó không được đáp ứng, Mạng lưới tư pháp thuế cho rằng các chính phủ phải hoặc là đưa ra một gói giải cứu có điều kiện cho những công ty được nhận mà đáp ứng được tất cả các yêu cầu vào cuối năm 2020 hoặc là loại họ ra.

"Trong nhiều năm, các thiên đường thuế doanh nghiệp như Quần đảo Virgin thuộc Anh, Hà Lan và Luxembourg đã tiếp thêm nhiên liệu cho một ‘cuộc đua xuống đáy’, trao sự giàu có và quyền lực cho các tập đoàn lớn nhất và tước chúng khỏi tay các y tá và nhân viên dịch vụ công cộng đang mạo hiểm mạng sống của họ để bảo vệ chúng ta", Cobham nói thêm.

Đáp lại, một phát ngôn viên của Bộ tài chính Luxembourg, nói với CNBC: "Quy cho Luxembourg là một thiên đường thuế là điều hoàn toàn không có cơ sở và phản ánh một quan điểm lỗi thời không chỉ của chính quốc gia đó mà còn là của khung thuế quốc tế ngày nay nói chung".

Người phát ngôn của Quần đảo Virgin thuộc Anh và Hà Lan thì không đưa ra bình luận ngay khi được CNBC liên hệ.

Tham khảo: CNBC

Thanh Hải

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên