EVN: Vẫn còn 6 dự án năng lượng tái tạo chưa gửi hồ sơ đàm phán
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, đến hết tháng 8 đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Dù đã thúc giục nhiều lần, đến nay vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
- 06-09-202379/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ đàm phán với EVN
- 27-08-2023Tây Âu và Bắc Mỹ “quay xe” muốn đầu tư sản xuất chip, năng lượng tái tạo ở Việt Nam
- 27-08-2023Cần cơ chế để đẩy mạnh thu hút đầu tư năng lượng tái tạo
Chia sẻ về tình hình hoạt động trong tháng 8, đại diện, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, tập đoàn đã đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung cấp điện điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Các số liệu cho thấy, lượng điện sản xuất toàn hệ thống tháng 8 đạt 25,6 tỷ kWh, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước. Lượng điện tiêu thụ ngày cao nhất trong tháng 8 đạt 889,6 triệu kWh (ngày 18/8), công suất cao nhất đạt 44.007 MW (ngày 17/8). Lũy kế 8 tháng, sản lượng toàn hệ thống đạt 186,3 tỷ kWh, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng qua, do lưu lượng nước về các hồ tăng cao nên thủy điện được khai thác tăng, đặc biệt là các hồ thủy điện đa mục tiêu, với tổng sản lượng 48,45 tỷ kWh. Sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã thực hiện giao khối lượng than tăng thêm so với hợp đồng, đảm bảo cho các nhà máy nhiệt điện than được sản xuất với sản lượng điện 88,08 tỷ kWh, chiếm 47,3% nguồn cung hệ thống. Đến nay lượng than dự trữ tồn kho cũng tăng thêm và các nhà máy điện than đã đủ than để vận hành.
Tua bin khí cung cấp 19,26 tỷ kWh (chiếm 10,3%) trong khi EVN vẫn phải huy động nhiệt điện dầu với sản lượng 1,23 tỷ kWh. Năng lượng tái tạo cung ứng 26,35 tỷ kWh, chiếm 14,1% tổng nguồn cung, trong đó điện mặt trời đạt 18,33 tỷ kWh, điện gió đạt 7,38 tỷ kWh. Tháng vừa qua, EVN phải nhập khẩu 2,62 tỷ kWh.
Trong 8 tháng qua, EVN và các đơn vị đã khởi công 41 công trình và hoàn thành đóng điện, đưa vào vận hành 54 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV.
Về tình hình thực hiện thủ tục các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, đại diện EVN cho biết, đến thời điểm cuối tháng 8 đã có 79/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 4.449,86 MW đã gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện. Trong đó có 67 dự án với tổng công suất 3.849,41 MW đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định 21 của Bộ Công Thương.
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 61/67 dự án. Cùng đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 58 dự án với tổng công suất 3.181,41MW. Hiện có 20 nhà máy/phần nhà máy với tổng công suất 1.171,72 MW đã hoàn thành thủ tục COD, được phát điện thương mại lên lưới. Trong đó có 23 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình. Có 29 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 39 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 6 dự án với tổng công suất 284,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán. ”Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm được công nhận COD đến ngày 25/8/2023 đạt khoảng 357 triệu kWh”, EVN cho hay.
Đảm bảo cấp điện trong tháng 9 dù nhu cầu điện tăng thêm 7%
Theo nhận định xu thế thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 9/2023, nhiệt độ trung bình trên cả nước phổ biến cao hơn từ 0,5-1 độ C so với cùng kỳ trung bình nhiều năm; nắng nóng ở miền Trung vẫn tiếp tục xuất hiện.
Theo tính toán của EVN, tháng 9, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống dự kiến ở mức 786,8 triệu kWh/ngày, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2022. Tình hình cung cấp điện trong tháng 9 dự kiến vẫn tiếp tục được đảm bảo.
Để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, EVN sẽ tiếp tục huy động cao tất cả các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí đảm bảo duy trì ổn định hệ thống, đáp ứng nhu cầu phụ tải. Dự phòng nhiệt điện dầu để sẵn sàng huy động trong trường hợp cần thiết.
Về công tác đầu tư xây dựng nguồn điện, tập đoàn sẽ tập trung cho công tác phòng chống bão lũ tại các công trường, đồng thời tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công dự án nguồn điện: Nhiệt điện Quảng Trạch 1; Thủy điện Ialy mở rộng, Hòa Bình mở rộng, Ialy mở rộng, Trị An mở rộng; Thủy điện tích năng Bắc Ái và các dự án về lưới điện.
Để chuẩn bị cung cấp điện cho mùa khô 2024, với mục tiêu hạn chế thấp nhất những khó khăn trong vận hành hệ thống điện, EVN cũng cho biết, mong tiếp tục nhận được sự chia sẻ và tích cực phối hợp của người dân, các cơ quan công sở, doanh nghiệp sản xuất trong việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm vào các giờ cao điểm trưa (từ 11h30 đến 14h30), cao điểm tối (từ 20h00 đến 22h00) đồng thời chú ý sử dụng hợp lý điều hoà nhiệt độ (đặt ở mức 26 -27 độ trở lên, sử dụng kết hợp với quạt) và không nên sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện có công suất lớn…
Tiền phong