F0 xếp hàng nộp tiền vào TTCK, bữa tiệc chứng khoán bao giờ kết thúc?
Những ai đã từng bán tháo cổ phiếu ở thời điểm Vn-Index xuống 650 điểm vào cuối tháng 3/2020 vì Covid-19 không thể ngờ rằng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, thị trường đã tăng gần gấp đôi.
Phiên giao dịch hôm nay (11/1), giá trị giao dịch sàn HoSE chạm ngưỡng 18.540 tỷ, thêm một kỷ lục mới được thiết lập trong lịch sử, trong khi đó, giá trị giao dịch sàn Hà Nội là 2400 tỷ và sàn Upcom là 1.046 tỷ. Như vậy đã có gần 22.000 tỷ trao tay trong phiên giao dịch hôm nay, nếu so với cùng kỳ các năm trước, giá trị giao dịch ở thời điểm hiện tại tăng gấp 2-3 lần.
Thị trường đã quen với các phiên giao dịch 10.000 tỷ, và chỉ vài tháng tới đây, giá trị giao dịch bình quân trên TTCK Việt Nam sẽ duy trì ở mức trên 1 tỷ USD. Một con số vượt quá tưởng tượng của các lãnh đạo ngành chứng khoán, và gần như là đang vượt năng lực xử lý của hệ thống hạ tầng của HOSE.
Tiền đang chảy cuồn cuộn trên thị trường chứng khoán. Khắp các ngõ ngách, từ quán cafe, quán phở, trên xe taxi cũng thấy mọi người bàn tán về chứng khoán. "Bác nghe nói chứng khoán lời lắm", "Chị ơi mua con gì", "anh ơi con này mua được không"..là các câu hỏi được gửi hàng ngày trên Zalo, Facebook Messenger hay các cuộc gọi điện.
Lãi suất tiền gửi giảm mạnh là một trong các yếu tố kéo dòng tiền vào TTCK
Lãi suất tiết kiệm đang ở mức 5-6%, trái phiếu doanh nghiệp sau một năm 2019 bùng nổ, Nghị định số 81/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/9/2020 đi vào hiệu lực đã siết đáng kể dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Nhiều ngành kinh doanh không có đầu ra khiến tiền nhàn rỗi tại các doanh nghiệp một phần chảy vào chứng khoán…Tất cả điều này đã tích tụ dần trở thành hiệu ứng đám đông, tạo nên làn sóng F0 lớn chưa từng có trong lịch sử rót tiền vào thị trường chứng khoán.
Nhà đầu tư mở tài khoản tại một CTCK vào tháng 1/2020
Bán là thua, mua là thắng
Các thế hệ Fn, nhưng người đã gắn bó với thị trường 10 năm, 20 năm, đã đi qua các cơn sóng thần và bị vùi dập không ít lần thực tế lại là những người "mất hàng" – đây là khái niệm của việc "bán non", bán cổ phiếu xong cổ phiếu lại tăng tiếp. Tất cả các báo cáo phân tích đầu năm của các CTCK đều phải update liên tục bởi hầu hết các cổ phiếu đều vượt giá mục tiêu (target price) mà các chuyên viên phân tích đưa ra chỉ trong một thời gian rất ngắn.
"Mua là thắng, bán là thua". Chưa bao giờ chứng khoán được tận hưởng bữa tiệc chiến thắng lâu như vậy. Nhưng không có gì có thể tăng mãi mãi, và câu chuyện ở đây là khi nào thuỷ triều rút.
Kể từ khi Vn-Index vượt 1.100 điểm vào đầu năm 2021, mỗi ngày VN-Index tăng hơn chục điểm, mốc 1.200 điểm đang ở rất gần, mốc điểm lịch sử mà sau gần 3 năm thị trường đã có thể chạm tới. Những ai đã từng bán tháo cổ phiếu ở thời điểm Vn-Index xuống 650 điểm vào cuối tháng 3/2020 vì Covid-19 không thể ngờ rằng, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, thị trường đã tăng gần gấp đôi. Những ai không tin vào một uptrend siêu to siêu khổng lồ, short trên thị trường phái sinh thì gần như nhận được kết đắng.
"Anh tin rằng thị trường sẽ còn lên nữa. Thị trường ở thời điểm này khác 3 năm trước rồi", CEO một CTCK top 10 đã trả lời câu hỏi của người viết về các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường trong tương lại gần, khi VN-Index đã tăng từ 780 điểm lên gần 1.200 điểm mà không có một đợt điều chỉnh đúng nghĩa nào.
Trong khi đó, anh H., một PM (quản lý danh mục) tại một quỹ trong nước cho rằng ở thời điểm Covid, anh H. đánh giá "thị trường sẽ lên trong dài hạn và các doanh nghiệp tốt sẽ lên mạnh bởi vì không có doanh nghiệp nào lại giảm mất 30-50% giá trị của mình trong thời gian ngắn như thế, khi lợi nhuận vẫn giữ vững thậm chí có tăng trưởng. Bây giờ tình huống đảo ngược, liệu có doanh nghiệp nào tăng 100% giá trị của mình trong 1 - 2 tháng không?". Câu hỏi này đáng để suy ngẫm.
Các thông tin tác động đến thị trường
Để trả lời câu hỏi thị trường có điều chỉnh mạnh hay không, với thanh khoản 1 tỷ USD như thời điểm hiện tại, nếu dòng tiền vẫn tìm được địa chỉ đầu tư thì dòng tiền sẽ luân chuyển lần lượt giữa các ngành, từ thép, sang ngân hàng, bất động sản…Nhưng dưới đây là các thông tin nhà đầu tư có thể tham khảo:
- Covid-19 vẫn đang hiện hữu. Tính đến thời điểm hiện tại thế giới có 90 triệu người nhiễm Covid, gần 2 triệu người chết, việc tiêm phòng vaccine vẫn cần thời gian. Việt Nam là nước gần như hiếm hoi trên thế giới hiện đang chống dịch rất hiệu quả.
- Giá các loại hàng hoá cơ bản đã tăng đáng kể trong năm 2020, gây lo ngại về lạm phát quay trở lại vào năm 2021.
- Khả năng tăng lãi suất của FED trong năm 2021, nhưng thị trường vẫn đang ủng hộ chính sách bơm tiền và lãi suất thấp để phục hồi kinh tế hậu Covid
- Số liệu từ MSCI cho biết, tại ngày 31/12/2020, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã tăng lên 30,64% và trở thành thị trường lớn nhất trong rổ cận biên của MSCI khi Kuwait đã được nâng hạng lên thị trường mới nổi (Emerging Markets).
- Hạ tầng của HoSE đang quá tải, để đảm bảo giao dịch thông suốt các CTCK hiện nay đang bị giới hạn số lệnh khi truyền đến Sở, hầu như giao dịch vượt 17.000 tỷ là các lệnh nhập vào thị trường rất chậm và đây là một điểm yếu của thị trường ở thời điểm hiện tại. Hệ thống công nghệ thông tin mới của HoSE nếu đi vào vận hành sẽ là một cú hích mới cho thanh khoản của thị trường.
Theo báo cáo của SSI Research, tại ngày 4/1/2021, hệ số P/E thị trường năm 2021 ở mức 16,43 lần. Với mức này, định giá hiện tại của hầu hết các ngành đã quay trở lại mức trước Covid và đã phản ánh phần nào yếu tố lợi nhuận phục hồi mạnh mẽ năm 2021. Tuy nhiên, SSI Research nhìn nhận lạc quan hơn khi bối cảnh năm 2020-2021 có tính đến nền tảng thanh khoản dồi dào và vai trò dẫn dắt thị trường của nhà đầu tư cá nhân.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, CEO CTCK VnDirect, công ty đã có 100.000 tài khoản mở mới năm 2020 cho rằng, tiền gửi tiết kiệm trong hệ thống ngân hàng hiện nay lên tới hơn 5 triệu tỷ đồng, làm thế nào để kích hoạt dòng vốn này vào thị trường chứng khoán và việc phải làm bây giờ là đào tạo nhà đầu tư đầu tư chứng khoán một cách bền vững.
VNDirect nhận định VN-Index sẽ đạt 1.180 điểm trong năm 2021 nhờ các yếu tố sau: (1) TTM P/E của VN-Index sẽ duy trì ổn định ở mức P/E trung bình 5 năm trước đây là 15,9 lần; (2) Dự báo lợi nhuận của các doanh nghiệp trên toàn bộ chỉ số VN-Index sẽ tăng 23% so với cùng kỳ và tỷ suất cổ tức của VN-Index đạt 1,8% trong năm 2021. Tiềm năng tăng giá bao gồm: (1) TTCK Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI từ thị trường cận biên sang thị trường mới nổi trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 6/2021, (2) TTCK Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi loại 2 của FTSE trong kỳ đánh giá hàng năm vào tháng 9/2021 và (3) vắc-xin COVID-19 được đưa vào sử dụng sớm hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (1) kinh tế toàn cầu phục hồi chậm hơn dự kiến và (2) lợi nhuận của các công ty niêm yết phục hồi chậm hơn dự kiến.
FiinGroup, công ty về dữ liệu tài chính đưa ra đánh giá về triển vọng kinh tế Việt Nam 2021, GDP tăng 6,5%-7% cao hơn mức bình quân giai đoạn 2016-2020, tăng trưởng kinh tế sẽ đến từ phục hồi tiêu dùng, đầu tư công, FDI, tài khoá, xuất nhập khẩu. Một số sản phẩm công nghiệp chính sẽ hồi phục trong bối cảnh dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt.
Kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021
FiinGroup cho rằng ngành bán lẻ sẽ có triển vọng trong năm 2021 khi thu nhập khả dụng tăng lên, chu kỳ thay mới điện thoại khi Bộ Thông tin truyền thông dự tính tắt sóng 2G. Ngành điện tăng trưởng khi sản lượng điện năm 2021 dự kiến tăng 9,8% YoY, gần gấp 5 lần mức tăng của năm 2020.
Với ngành ngân hàng, báo cáo FiinGroup cho rằng tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng dự kiến 11% - 13%, chủ yếu đến từ sự phục hồi nhu cầu vay khách hàng. Đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các ngân hàng sẽ hạ nhiệt. NIM dự kiến không được cải thiện nhiều so với 2020 do (i) các ngân hàng chịu sức ép hạ lãi suất từ phía NHNN để chia sẻ khó khăn với khách hàng. Thu nhập từ phí dịch vụ sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt ở mức hai con số do các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, triển khai các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt và bán chéo các sản phẩm bảo hiểm (bancassurance). Các ngân hàng sẽ chủ động chuyển nhóm nợ đối với dư nợ tái cơ cấu, tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, chuẩn bị cho sự hạ cánh mềm về chất lượng tài sản trong thời gian tới.