Facebook bị chỉ trích nặng nề sau vụ việc người cha livestream cảnh tự tử cùng con gái 11 tháng tuổi
Đây không phải là lần đầu tiên những vụ việc thương tâm như vậy xảy ra. Tuy nhiên, những động thái và hướng giải quyết của Facebook khiến nhiều người hoài nghi: Liệu ông lớn của mạng xã hội này có thực sự quan tâm tới các vụ việc đau lòng này?
Theo trang Guardian đưa tin, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook đang phải hứng chịu sự chỉ trích nặng nề từ người dùng sau vụ việc một người đàn ông Thái Lan phát livestream cảnh tự tử cùng con gái 11 tháng tuổi.
Wuttisan Wongtalay, 20 tuổi đã quay lại cảnh hạ sát con gái trên nóc một khách sạn bỏ hoang trong 2 đoạn video rồi tung lên Facebook trước khi tự tử, cảnh sát tại tỉnh Phuket cho biết.
Những người thân cho biết họ đã xem đoạn video đó vào tối thứ Hai rồi vội vàng báo cho cảnh sát biết. Tuy nhiên, khi cảnh sát tới nơi, mọi chuyện đã quá muộn.
Người cha nhẫn tâm giết con gái rồi livestream lên Facebook.
Sau vụ việc xảy ra, người ta một lần nữa lại thấy sự vào cuộc chậm trễ của Facebook: 2 đoạn video đã tồn tại trên trang Facebook cá nhân của Wongtalay đến gần 1 ngày trước khi bị gỡ xuống vào lúc 5h chiều (theo giờ địa phương) vào hôm thứ Ba.
Trong đó, đoạn video đầu tiên có khoảng 112.000 người xem, đoạn video thứ 2 có tới 258.000 người xem. Nhiều người dùng khác cũng đã kịp tải về và đăng trên các trang Facebook hay mạng xã hội khác.
Tuy nhiên, Youtube cho biết họ đã gỡ nó xuống chỉ 15 phút sau khi có người đăng tải lên.
Một người phát ngôn Facebook cho biết: "Đây là một sự việc đau lòng và chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình và nạn nhân. Những nội dung như thế này đáng nhẽ ra không được xuất hiện trên Facebook và nó đã được gỡ xuống".
Cùng về vấn đề trên, người phát ngôn Youtube chia sẻ: "Youtube có những chính sách rõ ràng về những nội dung không được đăng tải. Chúng tôi tiến hành tháo gỡ nhanh chóng những nội dung như vậy nếu nó vi phạm luật và bị cảnh cáo".
Facebook vẫn chưa có động thái rõ ràng để ngăn chặn tình trạng này
Đoạn video đã được gỡ xuống sau khi bộ trưởng kinh tế mạng của Thái Lan liên lạc với Facebook vào chiều hôm thứ ba theo yêu cầu của cảnh sát.
"Chúng tôi không thể tiến hành phạt Facebook, bởi vì Facebook là đơn vị cung cấp dịch vụ và họ tiến hành theo đúng quy định của mình khi chúng tôi gửi yêu cầu. Họ hợp tác rất tốt với chúng tôi", ông Somsak Khaosuwan, một quan chức bộ cho biết.
Đây không phải lần đầu tiên dịch vụ video của Facebook được sử dụng cho mục đích phát trực tiếp những vụ việc đau lòng như vậy.
Hồi tháng một, đoạn video với cảnh người đàn ông bị tra tấn dã man cũng được đăng tải trên Facebook với hơn 16,000 lượt xem trước khi ai đó đăng lại trên Youtube.
Một vụ giết người rồi livestream khác xảy ra cách đây chỉ vài tuần.
Vào tháng 3, một bé gái 15 tuổi đến từ Chicago đã bị lạm dụng tình dục bởi nhóm 5,6 người đàn ông và cảnh tượng đau lòng đó cũng bị những kẻ thủ ác livestream trên Facebook.
Chỉ cách đây vài tuần, một cụ ông 74 tuổi bị tay sát nhân Steve Stephans cầm súng bắn rồi đoạn video cũng bị tung lên trên Facebook.
Hôm thứ ba vừa qua, tòa án Thụy Điển tuyên án phạt 3 người đàn ông vì tội danh hiếp dâm phụ nữ rồi đăng tải trực tiếp trên Facebook.
Người phát ngôn của mạng xã hội này cho biết họ đang xem xét lại cánh kiểm soát các nội dung mang tính bạo lực sau vụ việc tại Cleveland.
Tuần trước, Mark Zuckerberg, CEO của Facebook hứa rằng công ty sẽ cố gắng hết mình để ngăn chặn những nội dung như vậy và đảm bảo duy trì một cộng đồng an toàn cho người dùng.
Mark Zuckerberg đã lên tiếng sau vụ việc về những nội dung không lành mạnh được chia sẻ trên Facebook (ảnh mang tính chất minh họa).
Hiện tại, tính năng Facebook Live của Facebook cho phép bất cứ người dùng nào với điện thoại thông minh có thể phát trực tiếp lên mạng xã hội. Tính năng này của Facebook cũng vượt qua Youtube hay Twitter.
Trong khi với các phương tiện truyền hình truyền thống, những người thực hiện phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm ngặt thì với dịch vụ trực tuyến internet, những quy định còn khá lỏng lẻo và tùy thuộc vào từng trang mạng xã hội.
Phần lớn việc phát hiện ra nội dung nguy hiểm phức tạp vẫn phải phụ thuộc vào việc người dùng báo cáo lại.
Với 1,8 tỷ người dùng mỗi tháng, trong đó có 1,74 tỷ người dùng tích cực vào Facebook trên điện thoại, việc kiểm soát hết nội dung được đăng tải vẫn còn là thử thách không chỉ với Facebook mà còn nhiều trang mạng xã hội khác.
Thời đại