MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Facebook bị giới chức châu Âu chỉ trích bất hợp tác trong điều tra tin tức giả mạo

05-08-2018 - 10:49 AM | Tài chính quốc tế

Báo cáo là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Bắc Mỹ đang chuyển hướng hoài nghi sang các ông lớn mạng xã hội, những bên từng được coi là các nhà lãnh đạo của một cuộc cách mạng về tự do ngôn luận và tương tác của nhân loại.

Theo New York Times, Ủy ban Nghị viện Anh mới đây đã cáo buộc Facebook cung cấp những "câu trả lời không thỏa đáng" cho một vài câu hỏi trong khi tránh trả lời "những vấn đề khác." Báo cáo của Hạ viện Anh, đang điều tra "tin tức giả mạo" trên internet, trích dẫn rằng việc Facebook từ chối cung cấp thông tin là bằng chứng về sự cần thiết của các quy tắc nghiêm ngặt hơn nhằm yêu cầu các mạng xã hội lớn phải có trách nhiệm về nội dung của mình.

Trong một báo cáo dự kiến sẽ được công bố vào cuối tuần này nhằm cáo buộc sự bất hợp tác của Facebook trong việc cung cấp thông tin cho Quốc hội là "không có lợi cho sự minh bạch trong tương lai", ủy ban cho biết: "Facebook không nên tự đánh giá hoạt động kinh doanh của mình."

Báo cáo là dấu hiệu mới nhất cho thấy các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Bắc Mỹ đang chuyển hướng hoài nghi sang các ông lớn mạng xã hội, những bên từng được coi là các nhà lãnh đạo của một cuộc cách mạng về tự do ngôn luận và tương tác của nhân loại.

Ủy ban Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao - phối hợp với Ủy ban Tình báo Thượng viện ở Washington, đã tuyên bố vào thứ Sáu vừa rồi rằng họ sẽ tổ chức phiên điều trần riêng trong tuần tới về những tác động từ nước ngoài lên mạng xã hội.

Thượng nghị sĩ Mark Warner bang Virginia, thành viên cấp cao đảng Dân chủ trong Ủy ban Thượng viện, tuyên bố trong một email: "Mối đe dọa này không chỉ là thách thức cho Hoa Kỳ - mà là cuộc đối đầu với tất cả những đất nước chuộng tự do, và chúng ta phải hành động cùng nhau để bảo vệ nền dân chủ của mình".

Bản báo cáo và phiên điều trần xuất hiện ở thời điểm nhạy cảm với hoạt động kinh doanh của Facebook, do một loạt các bê bối gần đây liên quan đến việc phát tán thông tin sai lệch hoặc lạm dụng dữ liệu cá nhân đang bắt đầu gây hại đến sự phát triển của công ty về lượng người dùng và quảng cáo. Những tin tức bất lợi và con số lợi nhuận đáng thất vọng đã đẩy giá cổ phiếu của Facebook sụt giảm 20% trong ngày tiếp theo — khiến giá trị vốn hóa sụt giảm 120 tỉ USD.

Damian Collins, chủ tịch Ủy ban Nghị viện Anh, tuyên bố trong một thông cáo: "Điều chúng tôi phát hiện được chỉ là phần nhỏ của tảng băng chìm. Đây là một bước ngoặt của nhân loại khi họ nhận ra rằng bản thân họ cũng là sản phẩm, chứ không chỉ là người dùng dịch vụ miễn phí. "

Vấn đề của Facebook bắt đầu tăng lên khi cơ quan tình báo Hoa Kỳ cáo buộc rằng Nga đã sử dụng địa chỉ giả để phát tán thông tin sai lệch thông qua Facebook và các mạng xã hội khác cũng cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Sự phát hiện này là một phần trong những nỗ lực của Ủy ban Nghị viện Anh, nhằm xác định liệu Nga có áp dụng những nỗ lực tương tự để cản trở cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 về Brexit. Báo cáo của ủy ban trích dẫn một nghiên cứu cho thấy trong 6 tháng trước cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 6/2016, các đài phát thanh nói tiếng Anh ở Kremlin và tờ Sputnik and Russia Today, đã xuất bản 261 bài viết ủng hộ Anh rút khỏi EU. Bằng cách nào đó, các bài báo này có nhiều lượng truy cập trên Twitter hơn cả nội dung do hai chiến dịch chính của Brexit thực hiện.

Báo cáo chú thích rằng: "Lại một lần nữa, Facebook lựa chọn trốn tránh trả lời những thắc mắc cả trực tiếp và bằng văn bản của chúng tôi."

Báo cáo cho hay: "Facebook tiếp tục hờ hững trong việc thực hiện các cuộc điều tra về việc liệu các tổ chức của họ có đang bị Nga lợi dụng để tác động lên các đối tượng khác. Đang có một sự chia rẽ giữa các mối quan ngại của chính phủ về sự can thiệp từ nước ngoài lên cuộc bầu cử, và sự bất hợp tác của các công ty công nghệ trong việc giải quyết vấn đề này."

Người phát ngôn chính thức từ Facebook và Twitter, dù chưa sẵn sàng đưa ra bình luận ngay lập tức, cho biết họ sẵn sàng hợp tác với ủy ban điều tra nhằm chứng minh các cơ quan tình báo của Anh đã thất bại trong việc cung cấp các thông tin về những tài khoản giả mạo của Nga cho phép các công ty tiếp cận tin tức của Hoa Kỳ.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất đối với các công ty truyền thông là các kiến nghị của ủy ban nhằm áp đặt các quy định nghiêm ngặt hơn, yêu cầu phải cung cấp thông tin và những mức phạt với các công ty mạng xã hội. Ủy ban cho biết chính phủ Anh dự kiến ​​sẽ đưa ra các đề xuất cho một bộ quy định mới vào cuối năm nay. Vẫn chưa rõ tầm ảnh hưởng của các kiến nghị từ ủy ban đối với bộ luật mới này.

Các nhà hành pháp châu u và Hoa Kỳ từ lâu đã coi mạng xã hội như những nguồn chia sẻ thông tin thụ động từ chính người dùng, và các đạo luật đang bảo vệ những công ty này khỏi trách nhiệm pháp lý về tội phỉ báng, vi phạm quyền riêng tư, vi phạm bản quyền và các vấn đề khác – sự bảo vệ mà các nhà bào chữa cho những công ty này cho rằng rất quan trọng đối với mô hình kinh doanh của họ.

Ủy ban điều tra đã thúc giục cần có một sự trừng phạt, cáo buộc rằng trên thực tế, các công ty phải kiểm soát và có trách nhiệm với nội dung thông tin.

Báo cáo cũng khẳng định: "Các công ty mạng xã hội không thể biện hộ rằng chúng chỉ đơn thuần là một cơ sở dữ liệu. Đó không chỉ là nền tảng dữ liệu thông thường; họ sẽ tiếp tục thay đổi những thông tin có thể hoặc không thể nhìn thấy trên trang web, dựa trên thuật toán và sự can thiệp của con người."

Trong số các đề xuất khác, ủy ban kêu gọi các nhà quản lý giám sát truyền hình và đài phát thanh để đặt ra các tiêu chuẩn về tính chính xác và công bằng trên các trang mạng xã hội, nhằm thành lập một "nhóm chuyên gia" đánh giá độ tin cậy của các trang mạng hoặc những tài khoản "để mọi người có thể dễ dàng nhận thức được độ tin cậy" và áp đặt mức thuế mới cho các công ty internet để chi trả cho việc mở rộng giám sát.

Để giải quyết các chiến dịch tác động lên bầu cử, ủy ban công khai yêu cầu các nhà tài trợ đứng sau bất kỳ quảng cáo chính trị trực tuyến hoặc truyền thông được trả tiền nào bắt buộc phải cung cấp đầy đủ thông tin, như đã yêu cầu các phương tiện truyền thông truyền thống - một ý tưởng được đề xuất trong Quốc hội.

Ủy ban điều tra cũng nhấn mạnh rằng luật pháp Anh hiện đang áp đặt mức phạt cao nhất là 20.000 Bảng cho những vi phạm về luật bầu cử, điều này gần như chẳng có ý nghĩa gì với các ông lớn công nghệ. Ủy ban cho biết sẽ áp đặt mức phạt cao nhất dựa trên tỉ lệ cố định trên lợi nhuận của công ty. Với những công ty như Facebook, điều này hẳn sẽ là một hình phạt vô cùng nặng.


Minh Trang

New York Times

Trở lên trên