MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fast & Furious 8: Tại sao nghèo ý tưởng vẫn hốt tỷ USD toàn thế giới?

20-04-2017 - 15:21 PM | Sống

Tập phim mới nhất – “The Fate of the Furious” – cho thấy lối mòn của series hành động gắn với tên tuổi Vin Diesel nhưng vẫn hốt bạc phòng vé nhờ các chiêu trò đánh trúng tâm lý người hâm mộ.

Bắt đầu từ một bài báo nói về chuyện đua xe trái phép ở New York và Los Angeles, The Fast & the Furious ra đời từ năm 2001 với hình hài là một phim kinh phí trung bình (38 triệu USD).

Tuy nhiên chỉ sau một thập kỷ rưỡi, series này đã trở thành một "thương hiệu" mang về cho hãng Universal hơn 4,4 tỷ USD. Sau cái chết thương tâm vào cuối năm 2014 của Paul Walker – một trong hai "linh hồn" của loạt phim, Fast & Furious vẫn tiếp tục được thực hiện thêm ít nhất ba tập nữa.

Tập 8 – The Fate of the Furious – chỉ trong gần một tuần từ lúc công chiếu đã thu về hơn nửa tỷ USD. Tại Việt Nam, Fast & Furious 8 xác lập kỷ lục là phim có doanh thu mở màn cao nhất lịch sử phòng vé với 70,5 tỷ đồng sau ba ngày.

Đánh trúng thị hiếu khán giả đại chúng

Tập một với kinh phí vừa (38 triệu USD) nhưng đem lại lợi nhuận rất cao (hơn 200 triệu USD). Thành công của The Fast & the Furious vào năm 2001 được tạo nên bởi tính thời điểm, khi Hollywood chưa có nhiều phim về đua xe.

Mối quan hệ giữa bộ đôi cảnh sát chìm Brian O’Conner với tay đua đường phố Dominic Toretto cùng sự xuất hiện của các siêu xe, mỹ nhân nóng bỏng đã mang tới một làn gió mới mẻ cho dòng phim giải trí.

Sau tập 2 và tập 3 không nổi bật lắm và thiếu Vin Diesel, tập 4 – Fast & Furious – đã thay đổi toàn bộ cục diện của loạt phim này. Tính hành động nhiều hơn, mỹ nhân đẹp hơn, xe "khủng" hơn đã dần tạo dựng "thương hiệu" cho Fast & Furious.

Đến tập 5 – Fast Five, loạt phim này có dấu mốc lịch sử khi chính thức trở thành một bom tấn, được rót kinh phí đầu tư lên đến 125 triệu USD.

Con số doanh thu của Fast & Furious cũng tăng dần lên từ 626,1 triệu USD (tập 5), 789,2 triệu USD (tập 6) và hơn 1,5 tỷ USD (tập 7).

Anh hùng, mỹ nhân, xe đẹp, bối cảnh lung linh và thông điệp về gia đình là những "chiêu bài" của Fast & Furious và đánh trúng vào tâm lý của khán giả đại chúng.

Từ tập 4 đến nay, cứ cách một mùa hè, người hâm mộ trên khắp thế giới lại ngóng trông Vin Diesel và "đồng bọn" sẽ làm gì tiếp theo trên màn ảnh, sẽ đưa những chiếc siêu xe tới thành phố xinh đẹp nào và mỹ nhân mới của phim là ai.

Cái chết vì tốc độ trên đường xe của Paul Walker cũng giống như một "đòn bẩy", khiến Fast & Furious vốn nổi tiếng lại càng thêm lan tỏa sức ảnh hưởng.

Giờ chỉ cần nghe tới Fast & Furious, số đông khán giả đại chúng chẳng cần quan tâm hay hay dở, cứ có tập mới là phải móc ví ra rạp xem ngay lập tức.

Fast 8 – lối mòn của Vin Diesel và xu thế của khán giả

Tập phim mới ra mắt – The Fate of the Furious – là tập đầu tiên được thực hiện sau khi Paul Walker qua đời. Với vai trò là thủ lĩnh của loạt phim, Vin Diesel tiếp tục chiêu đãi khán giả 136 phút kịch tính trên màn ảnh rộng.

Nhưng tập 8 cho thấy tài tử kiêm nhà sản xuất 49 tuổi đã bắt đầu cạn kiệt ý tưởng. Vẫn những chiêu trò cũ, những màn hành động "lác mắt" nhưng phi lý, câu chuyện về gia đình được nhắc đi nhắc lại từ đầu đến cuối phim và những thành phố mới được lựa chọn để "quảng bá".

Tới tập này, Fast & Furious cho thấy một công thức quen thuộc đã bắt đầu trở nên nhàm chán. Mở đầu ở một thành phố du lịch có biển xanh, bikini, đường đua và kết thúc cũng ở một nơi có tiềm năng du lịch.

Nếu tiếp tục kéo dài thêm, có lẽ đội của Dominic Toretto sẽ khiến hàng triệu người ghen tị vì là những người được đi du lịch cả thế giới và đi đến đâu là huyên náo đến đó.

Cảnh sát sẽ không bao giờ bắt được họ dù cả nhóm có gây rối và phá nát bao nhiêu con phố, bao nhiêu tòa nhà đi chăng nữa.

Dù kẻ địch nguy hiểm đến đâu, cuối cùng phần thắng sẽ vẫn thuộc về nhóm của Toretto vì thông điệp "chỉ cần sát cánh bên nhau là sẽ đánh bại tất cả và thậm chí còn cảm hóa kẻ thù".

Tập 8 có chi tiết khá dễ dãi là nhân vật Deckard Shaw, vốn là phản diện ở tập 7 và đã giết chết Han – bạn thân của Toretto – tự dưng lại trở thành người tốt, sát cánh với cả nhóm.

Dù nhận nhiều ý kiến chê bai về nội dung, The Fate of the Furious vẫn cứ hốt bạc trên khắp thế giới và đang trên đà vượt mặt kỷ lục 1,5 tỷ USD của tập 7.

Thành công này cũng cho thấy xu thế của khán giả đại chúng hiện nay – trung thành với những ấn tượng ban đầu. Hollywood đã tận dụng điều này để tạo nên những "cỗ máy ăn tiền" bậc nhất như Fast & Furious, Avengers, Transformers hay Pirates of the Caribbean.

Chỉ cần tập đầu tiên thật hay để tạo thành trào lưu, thương hiệu, các tập sau không cần quá chú trọng vào chất lượng vẫn có thể tạo nên con số tỷ đô.

Xu thế của khán giả đại chúng cũng khiến các bom tấn Hollywood dần nghèo nàn về mặt ý tưởng, chỉ chú tâm vào chiêu trò rồi lắp ghép lại như một công thức.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng rạp chiếu phim vẫn là nơi giải trí dành cho số đông, là nơi là nhiều khán giả vẫn tìm đến để được "chết não" t rong hai tiếng, không cần suy nghĩ gì, chỉ cần tận hưởng sự tiến bộ ngày một mạnh mẽ của công nghệ và kỹ xảo.

Đó là lý do mà những series như Fast & Furious, dù có kéo dài thêm cả chục tập và chất lượng có thấp thế nào đi chăng nữa cũng sẽ vẫn thu tiền tỷ.

Theo Sói Đêm

Trí thức trẻ

Trở lên trên