FDI: Vì sao vốn đầu tư tăng cao nhưng nộp ngân sách thấp?
Từ đầu năm đến nay, vốn FDI vào Việt Nam tăng cao, trong đó đáng chú ý là lượng DN FDI tăng vốn đầu tư đạt con số kỷ lục. Nhưng đóng góp vào ngân sách của khu vực FDI lại có dấu hiệu chậm trễ so với dự toán, đồng thời đây cũng là khu vực có mức đóng góp thấp nhất so với hai khu vực còn lại là DN tư nhân và DNNN.
- 11-05-2017Mỗi ngày hút 3,8 triệu USD vốn FDI, thị trường BĐS Việt Nam đang có lực hút đặc biệt nhà đầu tư nước ngoài
- 04-05-2017Có thêm dự án 1,27 tỷ đô trong lĩnh vực dầu khí, vốn FDI 4 tháng đầu năm vẫn giảm 4% so với cùng kỳ 2016
- 28-04-2017Gần 11 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sau 4 tháng
Không đáng lo ngại
Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính chung trong 4 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, một số liệu đáng chú ý là đã có 345 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 % so với cùng kỳ.
Theo ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, việc vốn đăng ký tăng thêm tăng ở mức 241%, cho thấy đây là tín hiệu đáng mừng, vì DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam tăng vốn nghĩa là sản xuất kinh doanh của DN đã tốt hơn, môi trường đầu tư tại Việt Nam tin cậy hơn đối với các nhà đầu tư hiện hữu.
Tuy vậy, phân tích một số số liệu liên quan cho thấy, tuy vốn đầu tư nói chung, trong đó có vốn đăng ký tăng thêm của khu vực FDI tăng cao nhưng trong 4 tháng đầu năm, thu nộp ngân sách của khu vực này lại đang bị chậm trễ so với dự toán. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng qua thu từ DN FDI (không kể dầu thô) đạt 47,3 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán. Nếu so với hai khu vực còn lại là khu vực DN tư nhân và khu vực DNNN, số thu nộp ngân sách của khu vực FDI cũng thấp hơn khi thu thuế từ khu vực DN tư nhân đạt 52,1 nghìn tỷ đồng, thu từ khu vực DNNN đạt 49,4 nghìn tỷ đồng. Còn số liệu của Tổng cục Thuế cho thấy, đến hết tháng 4, vẫn còn một số khoản thu chưa đảm bảo tiến độ dự toán, trong đó có thu từ khu vực DN FDI đạt 31,7% dự toán.
Về vấn đề này, ông Phan Hữu Thắng cho rằng, xét về tổng thể, thu nộp ngân sách của khu vực FDI bao giờ năm sau cũng cao hơn năm trước. Nhưng do hệ thống kế toán của Việt Nam và các nước có một chút khác biệt khi DN FDI thường hạch toán, đóng sổ sách vào tháng 3 của năm sau, do đó đây là thời gian các DN tổng kết hoạt động sản xuất kinh doanh dẫn đến ảnh hưởng đến cập nhật hệ thống. Bên cạnh đó, trong thương mại, thanh toán mua bán… bao giờ quý I hàng năm cũng chậm so với các quý còn lại trong năm và thông thường các quý sau sẽ tăng lên và sẽ bù đắp thiếu hụt của quý I nên tổng thể năm sau sẽ cao hơn năm trước, do đó việc thu nộp ngân sách trong quý I chậm không phải là vấn đề đáng lo ngại.
Bên cạnh đó, theo nhận định của các cơ quan chức năng, về khách quan, quý I/2017 nền kinh tế nói chung có nhiều khó khăn khi tăng trưởng GDP mới đạt được mức tăng 5,1%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm 2017, trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,1%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,4% của 4 tháng năm 2016. Một số ngành có đóng góp lớn cho số thu NSNN tăng trưởng thấp thậm chí giảm sâu so với cùng kỳ như ngành chế biến, chế tạo… một trong những phân ngành chiếm tới 70% vốn FDI. Đây cũng là nguyên nhân chung dẫn tới đóng góp của khu vực FDI cho ngân sách chưa đạt như kỳ vọng.
Trao đổi với Báo Hải quan, đại diện một DN FDI đang có dự án đầu tư tại khu vực Tây Nguyên cho biết, DN của ông đang gặp rất nhiều khó khăn do khi mua lại dự án này từ phía Việt Nam, việc đánh giá về dự án không tốt nên khi bắt đầu triển khai mới biết hệ thống cơ sở vật chất của dự án đã xuống cấp nhiều hơn so với thông tin DN được phía bán cung cấp. “Đến nay đã bước sang năm thứ 2 nhưng DN vẫn chưa thực hiện cải tạo xong dự án do hệ thống hạ tầng của công trình đã xuống cấp trầm trọng hơn so với đánh giá ban đầu, chúng tôi mất cơ hội để sớm có doanh thu, trong khi theo dự tính cải tạo công trình chỉ mất 3 tháng”. Theo đại diện DN này, việc thẩm định dự án không tốt là nguyên nhân dẫn tới doanh thu, lợi nhuận sẽ không như dự kiến ban đầu, ảnh hưởng đến việc nộp ngân sách khi DN hết thời hạn miễn thuế TNDN.
Thẩm định tốt để nâng hiệu quả đầu tư
Theo các chuyên gia, năm 2016 cũng như đầu năm 2017, bản thân các DN FDI cũng gặp những khó khăn nhất định ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng tới nộp thuế. Từng ngành cụ thể sẽ có những khó khăn khác nhau nhưng nhìn chung, những bất ổn chính trị, kinh tế thế giới trong thời gian qua ít nhiều có tác động đến các DN.
Đơn cử việc ông Donal Trump đắc cử Tổng thống Mỹ với các chính sách về thương mại thay đổi, sự kiện Brexit tại châu Âu…, theo đó các nước bắt đầu quay sang chủ nghĩa bảo hộ, điều này ảnh hưởng đến thương mại thế giới, ảnh hưởng đến XK nói chung trong đó có XK của các nước đang đầu tư vào Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc có những biến động trong nội bộ cũng có ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của Samsung ở Việt Nam, trong khi đây là DN chiếm tỷ trọng khá lớn trong đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Nhận định về vấn đề thu ngân sách từ FDI còn thấp, ông Nguyễn Văn Toàn, chuyên gia về đầu tư nước ngoài cho rằng, với đầu tư nước ngoài chúng ta thu được nhiều cái lợi khác, không chỉ là vấn đề tiền. Ngân sách chỉ là một trong những cái lợi của FDI, nhưng đương nhiên, ngân sách thu được nhiều thì tốt hơn. Phân tích thêm về nguyên nhân chậm trễ của thu nộp ngân sách của khu vực DN FDI, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, với những trường hợp chuyển giá quá lộ liễu, ví dụ như giá bán không bằng giá thành đã được phát hiện, thì một trong những nguyên nhân của việc nộp ngân sách của khu vực này chậm hoặc thấp là do bản thân việc quản lý DN FDI chưa thật hiệu quả và bài bản, do đó lợi nhuận thực của DN là bao nhiêu, con số này chúng ta không biết chính xác 100% được.
Ông Toàn cũng nhận định, tất cả các nguồn thu từ FDI thì thu từ tiền sử dụng đất chưa đáng kể, còn thu từ thuế Thu nhập DN lại không phải là quá cao so với mặt bằng khác, trong khi đó, nói một cách thẳng thắn thì “nếu không có lợi nhuận DN FDI chẳng đầu tư làm gì”. Bên cạnh đó, có nhiều DN FDI thành lập thêm các công ty con, vì thế có thể một vài năm đầu DN lỗ, một thời gian nữa mới hòa vốn và sau đó mới lãi để đóng thuế.
Chuyên gia Nguyễn Văn Toàn cũng nhấn mạnh, sở dĩ thu nộp ngân sách của khu vực FDI chưa cao là do khi tính khấu hao thường các DN FDI sẽ tính mức tối đa mà pháp luật cho phép. Ví dụ, tính khấu hao trong thời gian dài hơn, hoặc tăng khấu hao lên để giảm lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không nắm bắt được giá nguyên liệu đầu vào như giá trị của vật tư, máy móc thiết bị NK, chưa kể việc tính giá trị công nghệ..., tất cả những cái này làm cho giá thành sản phẩm cao lên và lợi nhuận giảm xuống và thường nếu việc chuyển giá họ làm đúng luật, hồ sơ chứng từ hợp lệ thì không thể làm gì được, không kiểm soát được. Chuyên gia này cũng lưu ý, công tác quản lý của mình chưa đủ tầm cỡ để thu đủ tiền thuế, nhưng nếu thu gắt gao quá thì quá trình đầu tư cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Liên quan đến việc chuyển giá, trốn thuế, trao đổi với Báo Hải quan, PGS.TS. Đinh Trọng Trịnh, Trưởng bộ môn Quản trị Tài chính Quốc tế, khoa Tài chính Quốc tế (Học viện Tài chính) từng nhận định, tất cả các DN FDI đều chuyển giá, chỉ có điều dưới hình thức nào (thô sơ hay tinh vi), nhiều hay ít mà thôi. Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý, khi thu hút FDI phải chú ý hiệu quả đầu tư. Nhiều nhà quản lý, chuyên gia cho rằng hiệu quả là lợi nhuận của nhà đầu tư chứ không tính toán rằng liệu dự án có hiệu quả tài chính thật không và đem lại hiệu quả gì cho phía người tiếp nhận đầu tư. Khi thẩm định dự án đầu tư chặt chẽ, đầy đủ thì dự án đó không bị đội giá lên, vừa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận từ đồng tiền họ bỏ ra, đồng thời họ phải đóng thuế cho phía Việt Nam và vừa đem lại lợi ích kinh tế thực sự cho Việt Nam.
“Hiệu quả cho người tiếp nhận phải tương xứng, nhưng lượng thuế thu được, lợi ích kinh tế thu được chưa đáp ứng được mong muốn của phía Việt Nam khi tổ chức thu hút FDI, không tương xứng với vốn FDI đổ vào Việt Nam cũng như doanh thu của DN FDI. Đây là điểm yếu lớn về mặt tài chính mà chúng ta còn cần phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới để từ đó cắt giảm được “sạn” của nền kinh tế, chắt lọc được các nhà đầu tư kinh doanh đàng hoàng chân chính”, PGS.TS. Đinh Trọng Trịnh nhấn mạnh.
Chuyên gia Nguyễn Văn Toàn:
Sở dĩ thu nộp ngân sách của khu vực FDI chưa cao là do khi tính khấu hao thường các DN FDI sẽ tính mức tối đa mà pháp luật cho phép. Ví dụ, tính khấu hao trong thời gian dài hơn, hoặc tăng khấu hao lên để giảm lợi nhuận. Trong nhiều trường hợp, chúng ta không nắm bắt được giá nguyên liệu đầu vào như giá trị của vật tư, máy móc thiết bị NK, chưa kể việc tính giá trị công nghệ...
Báo hải quan