FED tăng lãi suất “đẩy” chứng khoán Việt vào vùng đáy?
Trao đổi với BizLIVE, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc Chi nhánh TP.HCM, CTCP Chứng khoán KIS Việt Nam, cho rằng TTCK Việt Nam đang trong vùng đáy.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ngày 13/6/2018 đã tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25%, điều này đã ảnh hưởng ngay tới thị trường chứng khoán (TTCK) khi VN-Index giảm điểm phiên sáng, dù đảo chiều tăng điểm trong phiên chiều nhưng thanh khoản lại sụt giảm. Ý kiến của ông về phản ứng của TTCK với việc tăng lãi suất này thế nào?
FED tăng lãi suất lần này đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và có sự rút vốn của nhà đầu tư ngoại nhưng không nhiều.
Tại TTCK Việt Nam nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 70% giao dịch thường xuyên, trong khi đó Fed tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng tới nhà đầu tư tổ chức nhiều hơn tới nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư cá nhân vì tâm lý e dè, có chút khựng lại để quan sát thị trường nên sẽ bị chậm lại trong vài ngày, vì Fed tăng lãi suất không phải là sốc, không phải là mới, đây là việc làm đã có lộ trình từ trước.
Còn nguy cơ nhà đầu tư nước ngoài rút vốn mạnh tại thị trường Việt Nam là không thể, dù điều này có thể xảy ra ở những thị trường mới nổi khác, vì các quốc gia đó có dòng ngoại hối được luân chuyển tự do.
Một điều nữa, tại các thị trường mới nổi, các nhà đầu tư ngoại đã đầu tư lâu năm nên họ muốn rút vốn ra để tìm các thị trường mới hấp dẫn hơn, so với thị trường Việt Nam, các quỹ đầu tư ngoại chưa phải là kỳ cựu nhưng họ cam kết đầu tư lâu dài, nếu có việc rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài có chăng là các quỹ ETF. Vì đây là các quỹ mở, khi công ty mẹ tại nước ngoài yêu cầu thì họ nhanh chóng rút vốn, dù có ảnh hưởng tới thị trường chứng khoán Việt Nam nhưng không nhiều.
Ngoài ra, quan sát trên thị trường ngoại tệ, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng khá ổn định, không có biến động mạnh, cho thấy không có dấu hiệu rút vốn lớn từ nhà đầu tư ngoại.
Trong năm nay, FED sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa. Liệu sẽ có sự phòng thủ của nhà đầu tư đối với các đợt tăng lãi suất tiếp theo của Fed, nó sẽ gián tiếp làm VN-Index không thể bật tăng mạnh?
Chúng ta cần phải xem xét cơ cấu hoạt động của các quỹ đầu tư nước ngoài. Các quỹ đầu tư ngoại hoạt động phải thông qua Ban quản lý quỹ, việc rút vốn không phải một sớm một chiều, phải suy xét đến nhiều yếu tố. Trong khi TTCK Việt Nam còn rất nhiều cơ hội đầu tư, vì nhiều doanh nghiệp lớn, chất lượng chưa lên sàn, cộng với việc thoái vốn của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ rất mạnh để tái cơ cấu hoạt động và quản trị của các doanh nghiệp Nhà nước, do đó, nhà đầu tư nước ngoài chưa tính đến kế hoạch rút vốn khỏi Việt Nam.
Tại các thị trường mới nổi khác đã có tính chất bão hòa, dòng vốn đã “chai” và không có nhiều doanh nghiệp lớn hấp dẫn sẽ IPO nên họ sẽ tìm kiếm thị trường mới để đầu tư.
Mặc dù FED tăng lãi suất tạo sức hấp dẫn hơn cho đồng USD, nhưng so sánh lợi suất đầu tư trái phiếu Mỹ với lợi suất đầu tư cổ phiếu ở Việt Nam rõ ràng lợi suất đầu tư cổ phiếu Việt Nam cao hơn nhiều.
Mặt trái của việc FED tăng lãi suất cơ bản sẽ “đội” chi phí lãi vay cho doanh nghiệp Mỹ, góp phần giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Mỹ vì có thể giá thành sẽ tăng (nếu không có các yếu tố hỗ trợ khác)... mặc dù Chủ tịch FED khẳng định nền kinh tế Mỹ hiện vẫn tải được chi phí vay vốn tăng mà không có dấu hiệu lạm phát tăng vọt.
Ở góc độ bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường chứng khoán Việt Nam gần đây, nguyên nhân do các quỹ đầu tư cơ cấu danh mục, chuyển dòng tiền từ các cổ phiếu lâu năm đã cho sinh lời sang các cổ phiếu mới tiềm năng hơn, như: VHM, VIC, MWG, TCB...
Có ý kiến cho rằng TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục giảm thêm rồi mới tăng trưởng trở lại từ tháng 8/2018. Ông có đồng tình với ý kiền này không? Tại sao?
Việc tiếp tục tạo đáy của TTCK Việt Nam chưa ai khẳng định. Nếu so với đỉnh của chỉ số VN-Index đã lập là 1.200 điểm, hiện chỉ số này đang giảm về vùng 1.000 điểm, đã có cổ phiếu giảm 20-30% so với đỉnh, ngay cả nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng cũng đã giảm giá mạnh... Thị trường đã bị điều chỉnh quá đà và đang trong vùng đáy. Hiện thị trường đang tích lũy, sẽ có những phiên tăng, giảm điểm đan xen.
Trong thời gian từ cuối năm 2016 khi thị trường bắt đầu tăng điểm, thăng hoa trong năm 2017 và quý I/2018, không phải cổ phiếu nào cũng tăng gấp vài lần. Những cổ phiếu tăng bằng lần có câu chuyện riêng của nó. Cho nên, yêu cầu thị trường giảm điểm về vùng khởi điểm tăng giá là không thể.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã khởi sắc do nền kinh tế có những điểm sáng, Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu đã giúp ngành ngân hàng vượt qua khó khăn.
Khi “mạch máu” của nền kinh tế là dòng vốn ngân hàng đã trở nên mạnh mẽ và “dẫn máu” vào “cơ thể” kinh tế, GDP tăng trưởng thì TTCK Việt Nam không thể giảm thêm nữa.
Sự tăng điểm bứt phá trở lại của TTCK có thể sẽ bắt đầu từ tháng 9/2018. Vì tháng 8/2018 nhằm vào tháng 7 âm lịch, mọi hoạt động giao dịch sẽ bị trì trệ, thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng bởi tháng “cô hồn” này.
Ngoài ra, tháng 8/2018 cũng là thời điểm thị trường hết thông tin, nếu có chỉ là những thông tin chiêu trò của những Big Boy... Do vậy, đến tháng 9/2018, đón đầu kết quả kinh doanh quý III, quý IV của năm, đây là những quý doanh nghiệp có những sức bật, sẽ tạo động lực cho thị trường tích lũy tăng điểm.
Xin cảm ơn ông!
BizLIVE