Fintech: Sau bùng nổ là sàng lọc
Sau giai đoạn bùng nổ, thị trường sẽ dần có sự sàng lọc nhất định, những doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech cũng sẽ ra đi, đây đều là quy luật chung của thị trường. Và phía cơ quan quản lý như NHNN cũng sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh.
- 02-01-2021“Đòn bẩy” fintech năm 2021
- 25-12-2020Nắm thông tin thanh toán của bạn, công ty fintech được các ngân hàng sáng lập có tỷ suất sinh lời còn "khủng" hơn cả NAPAS
- 20-12-2020Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Năm 2021 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động Fintech nhằm tận dụng tốt cơ hội để phát triển kinh tế số tại Việt Nam
Theo báo cáo Vietnam Fintech Report 2020 của Fintechnews, hiện có 123 start-up hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam, gấp gần 3 lần so với con số 44 start-up vào năm 2017. Trong đó, thanh toán vẫn là phân khúc lớn nhất, chiếm 31% trong tổng số lượng start-up fintech.
Thực tế, các công ty công nghệ tài chính tiềm năng luôn nhận được sự quan tâm và hậu thuẫn lớn cả về tài chính lẫn con người bởi các quỹ đầu tư. Ngay tại Việt Nam, các quỹ đầu tư tên tuổi ở nước ngoài cũng có sự quan tâm rất lớn đến các công ty công nghệ tài chính.
Ảnh minh họa
Mới đây nhất, MoMo vừa công bố hoàn thành vòng gọi vốn thứ tư (Series D) từ các nhà đầu tư hàng đầu thế giới. Danh sách các nhà đầu tư mới của MoMo có Goodwater Capital, Kora Management và Macquarie Capital, đều là các nhà đầu tư mạo hiểm lớn với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực tài chính và các công ty khởi nghiệp Internet. Trong đó, nổi bật nhất là Goodwater Capital - một tên tuổi lớn đến từ thung lũng Silicon (Mỹ). Công ty được thành lập vào năm 2014 này hiện đang quản lý một số quỹ đầu tư với số vốn tổng cộng hơn 1,1 tỷ USD.Năm 2019, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn thứ 2 trong khu vực ASEAN, thu hút 36% tổng số vốn đầu tư trong khu vực. Năm 2020, kỳ lân VNPay phá kỷ lục với mức nhận đầu tư lên đến 300 triệu USD từ SoftBank’s Vision Fund và GIC, MoMo theo sau với mức nhận đầu tư 100 triệu USD trong vòng gọi vốn Series C.
Theo chuyên gia, số lượng các công ty Fintech tại Việt Nam chắc chắn sẽ còn tăng mạnh thời gian tới, khi nhận được các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ cũng như cơ quan quản lý. Đơn cử như việc eKYC sẽ có hiệu lực từ 5/3/2021, hay Nghị định về sandbox cho Fintech sẽ sớm được Chính phủ ban hành…
Năm 2021, NHNN cũng cho biết sẽ ban hành khung pháp lý thử nghiệm cho P2P Lending (cho vay ngang hàng), đề án thí điểm Mobile Money, các quy định về tiền điện tử, đại lý ngân hàng… Tại Chỉ thị 01-CT/NHNN ngày 7/1/2021, Thống đốc NHNN cũng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách về thanh toán đảm bảo đồng bộ, đáp ứng sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ và sự phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới.
Không phủ nhận sự phủ sóng của Fintech sẽ "dày đặc" hơn thời gian tới, tuy nhiên, chia sẻ với phóng viên, ông Ngô Tấn Vũ Khanh - Giám đốc Kaspersky Indochina cho rằng "sau giai đoạn bùng nổ, thị trường sẽ dần có sự sàng lọc nhất định, những doanh nghiệp mới sẽ được thành lập và nhiều doanh nghiệp Fintech cũng sẽ ra đi, đây đều là quy luật chung của thị trường. Và phía cơ quan quản lý như NHNN cũng sẽ có các chính sách, giải pháp giúp hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái Fintech để phát triển ổn định và có thể cạnh tranh".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Diệp - Phó Chủ tịch Ví điện tử MoMo cũng nhận thấy, với dân số hơn 97 triệu dân, trong vòng khoảng 5 năm tới có thể sẽ chỉ còn khoảng vài ba ví điện tử tồn tại được. Vì thực tế hiện nay 95% tổng số giao dịch trên thị trường thuộc về 5 ví điện tử lớn nhất, cạnh tranh ngày càng gia tăng thì số ví điện tử cũng sẽ giảm đi, những ví nào càng bao phủ được lượng lớn khách hàng, có hệ sinh thái phong phú sẽ trụ lại được trên thị trường. Như vậy, thay vì số lượng, các ví điện tử sẽ cần phải hướng tới chiến lược phát triển và mở rộng hệ sinh thái của mình.
Giới chuyên gia cho rằng, có 4 yếu tố liên quan tới phát triển hệ sinh thái. Thứ nhất, nếu xét tổng thể Chính phủ cần khởi xướng các chương trình, sáng kiến tầm quốc gia thu hút nguồn lực phát triển Fintech. Thứ hai là vấn đề chính sách quản lý có thể phát triển hệ sinh thái Fintech hiệu quả bắt đầu từ hoạt động chính sách, đặc biệt là các chương trình hỗ trợ của Chính phủ như cơ chế sandbox, thành lập đơn vị chuyên trách quản lý lĩnh vực Fintech. Thứ ba, nhân tố con người phải được coi là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển bền vững. Thứ tư là cần thiết kế, cấu trúc các chương trình thu hút, kêu gọi đầu tư từ các quỹ tư nhân, vốn đầu tư mạo hiểm, đi cùng với đó là xây dựng khuôn khổ chính sách thuế và pháp lý để đầu tư vốn tư nhân phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
Kinh nghiệm từ nhiều quốc gia trong việc phát triển hệ sinh thái Fintech cho thấy, sự phát triển đồng đều và tương tác của cả 4 yếu tố nêu trên chính là điều kiện cho việc hình thành một hệ sinh thái Fintech hiệu quả, hỗ trợ sự phát triển của Fintech nói chung.
Cùng với chiến lược "làm đầy" hệ sinh thái, một trong những điều được thị trường Fintech mong đợi nhất hiện nay chính là sandbox. Nhưng trong thời gian chờ hoàn thiện cơ chế sandbox, thì với kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác, ông Ngô Tấn Vũ Khanh nhận thấy có thể có một số hành động cụ thể. Như việc tiếp tục tham khảo và thu thập càng nhiều case-study được thông qua sandbox ở các quốc gia khác, điều này sẽ giúp làm giàu dữ liệu cho cơ chế sandbox, nó cũng chính là chìa khoá thành công. Hay ở một số quốc gia tại châu Âu, trung tâm đổi mới sáng tạo thường đi đầu trong mọi loại hình sandbox, cung cấp sân chơi, cung cấp ý tưởng và đặc biệt là chất lượng nguồn lực con người.
Đáng mừng là tại Việt Nam, ngày 9/1/2021, Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đã chính thức được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút khởi công. Đồng thời, cũng nên có các giải pháp bên cạnh sandbox trong thời gian chờ đợi hoàn thiện, như tiến hành kiểm tra để thử nghiệm các ý tưởng mới trong môi trường thực, kết hợp với chiến lược chờ đợi (wait and see) để giám sát không chính thức các xu hướng trước khi có sự can thiệp trực tiếp.
Thời báo ngân hàng