MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Fintech và cuộc đua của các "ông lớn" ở Đông Nam Á

07-09-2020 - 09:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhờ vào quá trình số hóa nhanh chóng, khu vực Đông Nam Á đã trở thành “chiến trường” cho các "ông lớn" Fintech đua tranh thị phần.

Hiện nay, rất nhiều dịch vụ tại Singapore chấp nhận thanh toán điện tử Alipay của Trung Quốc, mặc dù trên thực tế có rất ít người Singapore sử dụng dịch vụ này. "Chúng tôi có khách hàng Trung Quốc, vì vậy chúng tôi đã giới thiệu dịch vụ thanh toán Alipay", một quản lý nhà hàng ở khu trung tâm thương mại ở Singapore cho biết.

Fintech và cuộc đua của các ông lớn ở Đông Nam Á - Ảnh 1.

Một khách hàng Trung Quốc sử dụng Alipay để mua hàng tại một cửa hàng ở Singapore.

Nhà điều hành Alipay Ant Group - chi nhánh tài chính của tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ Trung Quốc Alibaba Group Holding đã tích cực triển khai hệ thống thanh toán di động ở thị trường nước ngoài, chủ yếu để phục vụ khách Trung Quốc. Hiện Alipay hiện được chấp nhận ở hơn 200 quốc gia và khu vực.

Ant đặt mục tiêu huy động khoảng 30 tỷ USD trong một đợt niêm yết kép trên thị trường chứng khoán Hồng Kông và Thượng Hải. Nếu thành công, đây sẽ là đợt IPO lớn nhất thế giới từ trước đến nay và mang lại cho Ant nguồn tài chính dồi dào để theo đuổi đầu tư mạnh vào các công ty thanh toán điện tử trên khắp Đông Nam Á.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội ở nước ngoài để cho phép người tiêu dùng thực hiện thanh toán và chuyển tiền trên toàn cầu một cách thuận tiện", Ant tuyên bố trong một hồ sơ gửi đến sàn giao dịch Hồng Kông vào ngày 25/8 vừa qua, đồng thời cho biết thêm rằng công ty sẽ cung cấp các công nghệ thanh toán cũng như giải pháp quản lý rủi ro cho các đối tác ví điện tử của mình.

Fintech và cuộc đua của các ông lớn ở Đông Nam Á - Ảnh 2.

Tại Đông Nam Á, Ant đã đầu tư vào Ascend Money của Thái Lan, với thương hiệu TrueMoney, và đầu tư vào Dana của Indonesia và Mynt của Philippines theo quan hệ đối tác. Gần đây nhất, vào tháng 5 vừa qua, Ant đã công bố khoản đầu tư vào dự án tiền kỹ thuật số Myanmar, hay còn gọi là Wave Money, với 33% cổ phần.

Ông Eric Jing - Chủ tịch điều hành của Ant cho biết khoản đầu tư vào Wave Money sẽ cho phép Wave tận dụng trải nghiệm của Alipay để phục vụ tốt hơn cho các cá nhân cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Myanmar".

Tuy nhiên, trong đơn xin cấp giấy phép ngân hàng số của Ant ở Singapore đã cho thấy tham vọng của  công ty muốn đưa các dịch vụ Fintech phức tạp hơn của mình đến trung tâm tài chính của Đông Nam Á.

Mặc dù Singapore có một thị trường tài chính phát triển cao với sự cạnh tranh khốc liệt, nhưng Ant có thể hướng đến phục vụ các doanh nghiệp nhỏ và vừa bị các ngân hàng truyền thống bỏ qua nhờ vào bí quyết chấm điểm tín dụng và mô hình chi phí thấp hơn. Hơn nữa, thị trường Singapore có thể chỉ là bước đi đầu tiên của Ant trong chiến lược mở rộng ra toàn cầu.

Ông Zennon Kapron - Giám đốc Công ty Nghiên cứu tài chính Kapronasia có trụ sở tại Singapore nhận xét: "IPO sẽ mang lại cho Ant rất nhiều vốn. Điều này cho phép Ant thực hiện các thương vụ M&A khác, hoặc tiến xa hơn ra một số thị trường nước ngoài".

Tính đến hết tháng 6, tổng khối lượng thanh toán của Ant ở Trung Quốc đạt 118 nghìn tỷ CNY (17 nghìn tỷ USD). Lợi nhuận ròng của công ty trong nửa đầu năm 2020 đã tăng lên 21 tỷ CNY, so với 1,3 tỷ CNY một năm trước đó. Điều này được cho là do đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy nhu cầu về thương mại điện tử và dịch vụ giao đồ ăn.

Trên thực tế, số lượng người dùng các loại ví điện tử ở Trung Quốc đạt 711 triệu người vào tháng 6/2020, chiếm khoảng một nửa dân số cả nước. Điều này có nghĩa là thị trường nội địa Trung Quốc phần lớn đã bão hòa. Sự cạnh tranh từ WeChat Pay của đối thủ Tencent Holdings, đang "bóp chết" triển vọng của Alipay tại Trung Quốc đại lục, khiến nhu cầu mở rộng toàn cầu của Ant trở thành cấp thiết.

Đông Nam Á, với mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ trong lịch sử với Trung Quốc đã trở thành điểm đến ưa thích của Ant, đặc biệt là trong bối cảnh các thị trường Mỹ và Châu Âu đang trở nên thận trọng hơn trong việc đón nhận công nghệ Trung Quốc.

Ant đã lưu ý những rủi ro chính trị như vậy trong hồ sơ IPO của mình. "Căng thẳng địa chính trị đã khiến mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ ngày càng xấu đi và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh và kết quả hoạt động của chúng tôi", Ant cho biết.

Fintech và cuộc đua của các ông lớn ở Đông Nam Á - Ảnh 3.

Ant Financial đang đặt mục tiêu huy động 30 tỷ USD trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng.

Trong bối cảnh đó, Ant đã nhận thấy sự đón nhận nồng nhiệt hơn nhiều ở Đông Nam Á. Thế nhưng, cái gì cũng có giá của nó! Trong khi rủi ro địa chính trị có thể thấp hơn, nhưng Ant lại phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh từ các doanh nghiệp địa phương ở Đông Nam Á.

Nhờ vào quá trình số hóa nhanh chóng, khu vực Đông Nam Á đã trở thành "chiến trường" cho những doanh nghiệp Fintech. Các đối thủ điển hình của Ant trong sân chơi Fintech tại Đông Nam Á có thể kể đến gã khổng lồ Grab hay Gojek, cung cấp dịch vụ ví di động GrabPay và GoPay. Các ứng dụng OVO của Indonesia và LinkAja, Rabbit LINE Pay của Thái Lan và Momo của Việt Nam chỉ là một vài trong số những thách thức mới nổi mà Ant phải đối mặt. Mặt khác, một số các ngân hàng như DBS Group Holdings của Singapore, cũng bắt đầu cung cấp ứng dụng ví điện tử.

Theo ước tính của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., tổng giá trị giao dịch của ví điện tử ở Đông Nam Á sẽ tăng lên 114 tỷ USD vào năm 2025 từ mức 22 tỷ USD vào năm 2019. Các dịch vụ Fintech tiêu dùng như bảo hiểm vi mô trên điện thoại thông minh, cho vay và dịch vụ quản lý tài sản cũng dự kiến sẽ phát triển nhanh chóng.

Fintech và cuộc đua của các ông lớn ở Đông Nam Á - Ảnh 4.

Grab đã ra mắt phương thức thanh toán GrabPay by Moca tại Việt Nam.

Trong khi Ant "để mắt" đến các cơ hội phát triển ở Đông Nam Á, thì những "gã khổng lồ cây nhà lá vườn" của khu vực cũng đang đa dạng hoá sản phẩm, cũng như hướng sự phát triển của mình ra thế giới nhằm đảm bảo vị thế vững chắc của mình. Vào ngày 4/8 vừa qua, Grab cho biết hãng này sẽ sớm tung ra một loạt các dịch vụ Fintech, bao gồm đầu tư tự động, cho vay tiêu dùng và bảo hiểm y tế cho người dùng GrabPay.

Giám đốc điều hành cấp cao tại Công ty tài chính Grab – ông Reuben Lai khẳng định vẫn còn nhiều dư địa để Fintech phát triển, và rằng "đối thủ cạnh tranh thực sự" của họ là các công cụ tài chính truyền thống như tiền mặt và các kênh cho vay không chính thức khác.

Trong khi đó, vào tháng 6 vừa qua, Công ty thanh toán Paypal của Mỹ, cùng Facebook đã thông báo rằng họ sẽ đầu tư vào Gojek. Theo Gojek, khoản đầu tư từ phía Paypal và Facebook sẽ tập trung vào hỗ trợ thanh toán và dịch vụ tài chính trong khu vực Đông Nam Á. Hay Tencent – một trong những cổ đông lớn khác của Gojek, cũng đang tìm kiếm cơ hội phát triển ở những nơi khác trong khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, Tencent đã đầu tư vào một trong những công ty thanh toán điện tử lớn là ZaloPay.

Rõ ràng, "miếng bánh" Fintech tại Đông Nam Á đang rất hấp dẫn, nhưng để có thể có được một phần bánh ngon lành thì lại là một câu chuyện không đơn giản!

Theo An Chi

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên