MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Forbes "30 Under 30" Lê Đình Hiếu định nghĩa về “công việc tốt” cho tân cử nhân: Đừng chỉ nhìn vào mức lương, hãy nhìn vào những cơ hội tương lai bạn sẽ có!

17-03-2020 - 14:45 PM | Sống

Và nếu không được trả lương nhưng học hỏi rất nhiều từ sếp giỏi, bạn sẽ chấp nhận làm cho họ tối đa trong bao lâu?

Năm 2016, Lê Đình Hiếu được Forbes Việt Nam vinh danh trong danh sách 30 Under 30, cũng là một trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2018. Từng nhận học bổng của Đại học UCLA nhờ bài luận về người mẹ khiếm thính, rồi từ bỏ công việc lương cao tại Deloitte, anh chọn dấn thân vào con đường khởi nghiệp giáo dục.

Đình Hiếu sáng lập Học viện G.A.P, mong muốn phát triển tư duy và kỹ năng sống cho giới trẻ. Dưới đây, chúng tôi xin trích nguyên văn bài chia sẻ của anh về định nghĩa “một công việc tốt” cho sinh viên mới ra trường.

Sẽ không có một định nghĩa chuẩn cho tất cả, nhưng có 3 điều mà mình muốn chia sẻ với các bạn trẻ khi đang cân nhắc công việc tương lai:

1. Đừng chỉ nhìn vào những công việc bạn được giao, mà hãy nhìn vào những điều bạn sẽ được học

Đi qua nhiều bài tuyển dụng, đều thấy rất nhiều bạn comment hỏi "Xin JD". Dường như, các bạn trẻ được dạy nên đọc thật kỹ các đầu mục công việc mà các bạn phải làm trong bản mô tả công việc.

Mình thì lại luôn hướng dẫn sinh viên của mình rằng: "Em hãy nhìn mỗi một gạch đầu dòng công việc đó là một cơ hội học tập mới của bản thân. Chắc chắn sẽ có những thứ các em chưa bao giờ được dạy trong trường, chưa bao giờ được làm trong thực tế, nhưng chính vì vậy, đây sẽ là cơ hội tốt nhất để em được học những thứ đó."

Mình luôn tin rằng với mỗi một nhiệm vụ được giao, các bạn trẻ sẽ luôn có một thứ gì đó để học. Cũng đừng cứng nhắc rằng vào một công ty, người ta sẽ chỉ cho bạn cách làm từ A đến Z.

Forbes 30 Under 30 Lê Đình Hiếu định nghĩa về “công việc tốt” cho tân cử nhân: Đừng chỉ nhìn vào mức lương, hãy nhìn vào những cơ hội tương lai bạn sẽ có! - Ảnh 1.

Framework (mô hình – PV) phát triển nhân viên được các tập đoàn ưa chuộng: 70 – 20 – 10, gồm: 70% phát triển thông qua công việc thực tế nhờ tự nghiên cứu, tự tham khảo, tự mày mò; 20% thông qua việc được hướng dẫn trực tiếp, và chỉ có 10% thông qua các khóa học chuyên nghiệp.

Vì thế, đừng chê việc dễ, đừng sợ việc khó!!! Hãy chuẩn bị một tâm lý vững vàng: Tất cả, đều là một hành trình học hỏi cho các bạn.

2. Đừng chỉ nhìn vào mức lương bây giờ bạn được trả, mà hãy nhìn vào những cơ hội tương lai bạn sẽ có

Mình có một anh bạn rất đặc biệt, là một Tiến sỹ về Khoa học máy tính, đã từng làm việc cho cả Amazon, Google, và Facebook tại Mỹ, và thậm chí bản thân anh ấy cũng là một nhà khởi nghiệp xuất sắc, thành công với 2 công ty công nghệ khác nhau, bán được vài triệu USD.

Anh chia sẻ rằng có một câu hỏi phỏng vấn anh rất thích hỏi: "Nếu anh không trả lương cho em nhưng em được làm việc và học hỏi từ anh rất nhiều, em sẽ chấp nhận làm việc cho anh trong tối đa bao lâu?"

Dĩ nhiên, không phải vì anh muốn "xài free" sức lao động của các bạn trẻ, mà vì anh muốn nhìn thấy sự khao khát, mãnh liệt, và tinh thần dấn thân của sinh viên. Tương tự như vậy, khi nhận một công việc, đừng vội đánh giá qua mức lương, mà hãy luôn tự hỏi bản thân rằng: "Bạn có sẵn sàng hy sinh tuổi trẻ và cống hiến hết mình cho công ty để được làm, tạo ra giá trị và học hỏi nhiều hơn không?"

3. Đừng chỉ nhìn vào sản phẩm của công ty mà hãy nhìn vào giá trị vững bền mà công ty đang đóng góp cho xã hội

Mình sẽ thẳng thắn mà nói: Mình luôn khuyên sinh viên lựa chọn các công việc tại những công ty hướng đến tạo dựng và phát triển những giá trị bền vững cho xã hội. Mình không kêu gọi mỗi bạn trẻ phải trở thành một chuyên gia phát triển bền vững, hay một nhà hoạt động xã hội vì môi trường, nhưng trở thành một phần của những tổ chức có hệ giá trị tốt, cũng là một cách để chúng ta "đứng trên vai người khổng lồ" để cùng họ đồng kiến tạo những giá trị tốt đẹp cho xã hội với quy mô lớn hơn, ảnh hưởng sâu rộng hơn.

Biết đâu đó, chính bạn sẽ là người tiến tạo nên nền kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp đó với tư duy của một người trẻ tiến bộ và văn minh.

Forbes 30 Under 30 Lê Đình Hiếu định nghĩa về “công việc tốt” cho tân cử nhân: Đừng chỉ nhìn vào mức lương, hãy nhìn vào những cơ hội tương lai bạn sẽ có! - Ảnh 2.

Lấy ví dụ một doanh nghiệp đa quốc gia quen thuộc, Samsung vào năm 2020 đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động của dự án Thư Viện Thông Minh Lưu Động, nâng tổng số xe vận hành lên 4 chiếc - đây vốn là những thư viện STEM thu nhỏ, đặt trên xe để đến được nhiều nơi, tiếp cận với nhiều trường học ở cách xa trung tâm.

Một ví dụ khác là tập đoàn Unilever Việt Nam cũng có những dự án khác mang đến cơ hội nghề nghiệp công bằng và bình đẳng giới, giúp phát triển và nâng cao tay nghề của các hộ nông dân vừa và nhỏ để tạo dựng nguồn cung lâu dài, cũng như xây dựng mục tiêu và hành động rõ ràng cho kế hoạch bền vững của công ty, từ khâu sản xuất cho tới những chiến dịch của nhãn hàng (như chương trình tiết kiệm 1 tỷ mét khối nước của Comfort, hay OMO ươm mầm xanh với hơn 30.000 cây xanh được trồng mới ở các đô thị,…)

Mình tin rằng đó là những gì đẹp nhất, bền vững nhất mà các bạn trẻ, thông qua công việc của mình có thể đóng góp cho xã hội. Mình luôn mong ước về một thế hệ trẻ, không chỉ vì bản thân, gia đình, mà còn luôn nghĩ đến cộng đồng và tương lai của đất nước.

Theo Lê Đình Hiều

Trí thức trẻ

Trở lên trên