MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Forbes: Vì sao Trung Quốc không còn là động lực chính phục hồi kinh tế của Việt Nam và các nước châu Á?

Forbes: Vì sao Trung Quốc không còn là động lực chính phục hồi kinh tế của Việt Nam và các nước châu Á?

6 tháng trước, giới chuyên gia đánh giá, Trung Quốc sẽ là động lực tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19 của toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Song các chỉ số kinh tế vừa qua của quốc gia này cho thấy, đà phục hồi dường như có dấu hiệu chậm lại.

Forbes đưa tin, trong bối cảnh các nhà đầu tư toàn cầu luôn phải lo ngại về những bất định trong tương lai, Trung Quốc được đánh giá là một "điểm sáng". Các chuyên gia cho rằng, nền kinh tế lớn nhất châu Á này chắc chắn sẽ phục hồi hình chữ V giai đoạn hậu đại dịch Covid-19. Lý do là quốc gia này đã áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh mẽ, giúp đạt mức tăng trưởng ấn tượng hồi năm ngoái.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, sự bùng nổ của Trung Quốc đang có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, số liệu về sản xuất công nghiệp, doanh số bán lẻ hay đầu tư của quốc gia này thời gian vừa qua đều giảm đáng kể.

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC - Ngân hàng Trung ương) thông báo sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) 50 điểm cơ bản với các tổ chức tài chính đủ điều kiện kể từ ngày 15/7, nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Trên thực tế, một nền kinh tế lớn cần đảm bảo tăng trưởng thương mại ngoài biên giới để có thể giữ đà phát triển mạnh. Mặc dù Trung Quốc đã làm rất tốt trong việc giảm lây lan các ca nhiễm Covid-19 và ổn định nền kinh tế nội địa, song liệu đà tăng trưởng này còn có thể được duy trì khi biến thể mới liên tục xuất hiện?

Một số nước có ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại của Trung Quốc có thể kể đến như Hoa Kỳ, Nhật Bản, các quốc gia châu Âu... Đầu tiên, với Hoa Kỳ, trong khi giai đoạn đầu năm tương đối khởi sắc với việc phục hồi nền kinh tế, thì hiện tại cũng đang đối mặt với nhiều thách thức về việc triển khai vaccine. Điều này đồng nghĩa với việc, ngay cả khi nền kinh tế dần phục hồi, nhu cầu vẫn sẽ khó đạt mức như năm 2019.

Hay như các đợt lây nhiễm liên tiếp xảy ra tại châu Âu cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động thương mại của Trung Quốc. Bởi đây được đánh giá là "khách hàng" chủ chốt của quốc gia này.

Nhật Bản, nền kinh tế đứng thứ 2 châu Á, cũng đang có dấu hiệu chậm lại, bất chấp các lô hàng xuất khẩu sang Trung Quốc vẫn tăng mạnh trong năm nay.

Trung Quốc từng được đánh giá là động lực tăng trưởng giai đoạn hậu Covid-19 của toàn cầu, hay ít nhất là khu vực châu Á, từ Hàn Quốc đến Việt Nam. Mặc dù vậy, giờ đây, sự phục hồi của Trung Quốc lại trở thành một dấu hỏi lớn.

Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đối diện với áp lực suy giảm trong nửa cuối năm nay. Cuối tuần trước, các bộ trường tài chính từ các nước thuộc G20 đã cảnh báo về rủi ro đối với tăng trưởng nền kinh tế toàn cầu, trong đó nhấn mạnh về những điều tiết của nền kinh tế Trung Quốc.

Tuy nhiên, áp lực suy giảm của Trung Quốc có thể phần nào ảnh hưởng đến lạm phát. Thực tế, lạm phát tại Hoa Kỳ tăng trong tháng 6, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng mức 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái là một "lời cảnh báo" đối với thị trường toàn cầu. Việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại có thể giúp định giá toàn cầu, cũng như cho thấy cơn sốt giá vừa qua chỉ là trong ngắn hạn.

Nhưng nhìn chung, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc có lẽ sẽ không còn là động lực tăng trưởng như từng được đánh giá vào 6 tháng trước. Trong khi đó, động lực tăng trưởng của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, được cho rằng sẽ phụ thuộc đáng kể nhờ sự bùng nổ của nền kinh tế Hoa Kỳ.

Dự báo của hai công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes cho thấy, chỉ riêng gói kích thích vừa qua của Hoa Kỳ cũng sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,4% trong 2 năm tới, mức cao thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mexico. Điều này giúp Việt Nam bù đắp những thiệt hại ở ngành du lịch do đại dịch gây ra.

Anh Vũ

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên