Founder NGHIA Architect: 'Dù có thể đi bao xa, với kiến trúc tôi luôn thấy mình như mới bắt đầu cuộc hành trình'
Từng nhận được lời mời và có cơ hội làm việc tại các văn phòng kiến trúc có tiếng tại Pháp, KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa vẫn quyết định bỏ tất cả, chấp nhận 1 khởi đầu mời từ số 0 vì niềm tin “mình sẽ làm được nhiều hơn khi về Việt Nam”. Hành trình theo đuổi công việc KTS và xây dựng công ty kiến trúc của anh là quá trình không ngừng bước ra khỏi vùng an toàn, nâng cao giá trị cốt lõi và thử thách bản thân với những mục tiêu ngày càng khó hơn.
- 24-10-2023Cô gái người Việt kể cú sốc khi mới sang Anh du học: Thấy xấu hổ mỗi lần mở cửa xe taxi, thường xuyên giật mình khi nhìn đồng hồ
- 24-10-2023Trò cưng thời HLV Park Hang-seo kết hôn, khoe vàng đeo rủng rỉnh
- 24-10-2023Làm việc cật lực 40 giờ/tuần để nghỉ hưu sớm rồi lại quay lại làm việc bởi "bi kịch": Tiền không thiếu, nhưng nhàm chán
KTS Nguyễn Tuấn Nghĩa đặt tên cho các công trình mình thiết kế theo một cách đơn giản nhất có thể, không hoa mỹ hay có ẩn ý sâu xa. Anh giải thích rằng chưa bao giờ dành quá nhiều thời gian cho việc đặt tên hay những thứ nằm ngoài chuyên môn thiết kế. Kể cả khi đã điều hành một văn phòng kiến trúc hơn 7 năm, vị KTS này vẫn muốn tiếp tục được vẽ, tập trung được làm đúng chuyên môn như ước mơ thuở nhỏ của mình.
Với hai bằng thạc sĩ tại các trường kiến trúc danh tiếng, anh có rất nhiều cơ hội làm việc tại Pháp cũng như châu Âu, vậy vì sao anh lại chọn trở về Việt Nam?
Thực tế là tôi đã làm việc ở Pháp một thời gian sau khi học xong, có nhiều cơ hội làm việc tại các VP có danh tiếng. Nhưng sau đó tôi nhận ra môi trường làm việc ở đây chỉ cho phép mỗi người làm công việc của mình một cách ổn định và để phát huy được hết thế mạnh của mình sẽ cần rất nhiều thời gian.
Châu Âu hay Pháp đều là những nơi mà nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng đều đã đạt tới những thành tựu rất cao. Mọi thứ gần như đã được sắp đặt một cách hoàn chỉnh nên việc có thể sáng tạo ra những thứ có giá trị và tạo dấu ấn riêng đôi khi bị hạn chế, cơ hội cho những văn phòng nhỏ và kiến trúc sư trẻ không có quá nhiều, nhất là với 1 người nước ngoài làm việc trong lĩnh vực này.
Tất nhiên môi trường như vậy phù hợp với những người thích sự yên bình, chọn lựa lối đi an toàn. Thế nhưng mục đích của tôi khi du học lại không phải như vậy. Tôi không sang Pháp để ở lại Pháp và cũng không sang Pháp chỉ để kiếm việc làm. Mỗi người một ước mơ khác nhau, tôi chỉ biết tại thời điểm đó mình sẽ làm được nhiều hơn khi về Việt Nam.
Là một kiến trúc sư từng du học, khi mới về nước anh có những thuận lợi và cả những khó khăn nào?
Thuận lợi khi trở về là việc bản thân tôi đã có được một tầm nhìn và cách tiếp nhận thông tin theo cách cởi mở hơn. Với khó khăn, tôi nghĩ chắc 100% người đi du học hoặc ở nước ngoài lâu đều sẽ gặp phải. Đó là cú sốc văn hóa, tư duy và cách hòa nhập lại với môi trường Việt Nam. Thuận lợi là rất ít còn thử thách thì không phải ai cũng vượt qua được. Nhiều bạn bè trong nghề của tôi sau khi về nước đi làm một thời gian cũng tìm cách quay trở lại Pháp hoặc nơi mình từng du học trước đây để làm việc.
Điều khó khăn tiếp theo là việc mọi người xung quanh không nghĩ giống mình. Tư duy của tôi trong mắt người khác rất kỳ lạ và thậm chí nhiều người quen khi ấy còn chia sẻ rằng họ không hiểu được tôi nói gì.
Thời điểm xây nhà riêng, tôi có hỏi ý kiến bạn bè cùng chuyên môn, đa số đều nói kiểu này khó lắm, không làm được đâu, dù thực tế họ cũng chưa từng bắt tay vào làm. Đó là điểm khác biệt lớn nhất với tôi, khi mọi người không chịu bước qua giới hạn an toàn của bản thân và bị đóng khung trong cách nghĩ, cách làm. Sau đó tôi chỉ chuyên tâm làm việc mình muốn làm, khi người khác thấy thành quả họ sẽ tự có đánh giá của riêng mình.
Thời điểm thành lập văn phòng NGHIA Architect, anh đã cảm thấy mình có chỗ đứng ở trong ngành này chưa?
Sau khi về Việt Nam, tôi có thực hiện một số dự án cá nhân, trò chuyện với mọi người xung quanh nhiều hơn để hiểu được cuộc sống. Đến khi thích nghi được với công việc cũng như cách mọi thứ vận hành, tôi mới nghĩ đây là thời điểm thích hợp mở văn phòng riêng.
Dù lúc đó đã về nước được gần 5 năm nhưng mọi thứ với tôi vẫn là con số 0, không có tên tuổi, chưa có gì trong tay. Khi bắt đầu mở NGHIA Architect, tôi hoàn toàn không dùng bất cứ sự trợ giúp nào từ các mối quan hệ cá nhân, cũng không bỏ một đồng tiền túi nào. Chỉ đơn giản là đặt một cái tên, sau đó tìm kiếm công việc để có những đồng thiết kế phí đầu tiên rồi từng bước thuê văn phòng, mua sắm trang thiết bị. Đó cũng như là 1 đề bài tôi tự đặt ra để thử xem khả năng của mình đến đâu.
Quy mô của văn phòng từ ngày thành lập đến tận bây giờ chỉ khoảng dưới 10 nhân sự. Quy mộ này vừa phù hợp cả về chất lượng chuyên môn lẫn mục tiêu công việc và các dự án của chúng tôi. Xuất phát điểm là một KTS, tôi vẫn muốn mình được vẽ, làm đúng công việc mà bản thân mình đam mê chứ không phải theo kiểu trở thành một vị giám đốc hào nhoáng về danh xưng.
Tôi may mắn có khách hàng tìm đến từ những ngày đầu tiên. Họ hiểu được giá trị định hướng của văn phòng và tin mình có thể “giải” được những bài toán khó họ đặt ra.
Vì sao anh lựa chọn không theo đuổi một phong cách kiến trúc cố định để định hình thương hiệu cá nhân dễ dàng hơn?
Tôi không có mục đích định hình thương hiệu cá nhân hay tạo dựng một phong cách cố định. Kiến trúc là một ngành đòi hỏi cần có sự cởi mở về mặt tư duy, đồng thời cũng là một thế giới mình phải khám phá, tìm kiếm và vượt qua những giới hạn của bản thân.
Một người KTS có cá tính đủ nổi trội và chất lượng chuyên môn có chiều sâu thì tất cả những thứ người đó vẽ ra sẽ thể hiện được màu sắc riêng. Có rất nhiều người nói rằng các công trình của tôi không giống nhau nhưng khi nhìn vào họ vẫn nhận ra đó là do tôi thiết kế.
Tôi không tự bó buộc mình vào một phong cách nào vì hành trình làm nghề còn rất dài. Rất ít ngành giống kiến trúc, 40 tuổi vẫn được gọi là một KTS trẻ. Ví dụ khi 20, 30 hay 40 tuổi, chúng ta đóng khung bản thân vào một hình ảnh mang tính nhất thời. Đến 5, 10 năm sau muốn rẽ hướng khác thì chẳng phải chính mình lại mất công phá bỏ con đường cũ sao?
Nên đôi khi khái niệm phong cách lại trở thành gông cùm nặng nề đặt lên vai KTS về mặt nhận diện hình ảnh, “tôi làm thế này mới là tôi, nếu tôi làm khác mọi người sẽ không nhìn ra đó là tôi”. Dù có thể đi bao xa, với kiến trúc tôi luôn thấy mình như mới bắt đầu cuộc hành trình.
Nguồn cảm hứng sáng tạo khi thiết kế những công trình của anh thường đến như thế nào?
Công việc của KTS bao gồm 2 phần: phần sáng tạo và phần kỹ thuật. Kỹ thuật thì chắc chắn phải được đào tạo qua trường lớp, có bằng cấp chuyên môn. Còn sáng tạo là sự tự do, năng khiếu và cũng cần học tập.
Nhưng một công trình kiến trúc hoàn toàn không đến từ những thứ ngẫu hứng nên có rất nhiều thứ phải được kiểm soát. Vậy nên sự sáng tạo trong kiến trúc nhiều lúc cũng dựa nên những thứ có sẵn và gắn liền các điều kiện kỹ thuật, tính logic và cả tính an toàn.
Tôi luôn tiếp cận mọi đề bài ở phương diện rất rộng, từ một trường dữ liệu lớn vì bản thân mỗi dự án đều có những thông tin, câu chuyện và các yếu tố cần phải phân tích. Nguồn cảm hứng sáng tạo để tạo nên các công trình sẽ đến khi chúng ta tìm kiếm đủ sâu, suy nghĩ thấu đáo và nhìn nó đủ rộng.
Đâu là công trình có đề bài khó mà anh ấn tượng nhất?
Tôi nghĩ đề bài khó nhất sẽ nằm ở tương lai. Còn nếu để nói một yêu cầu khó mà tôi có được thành quả tương đối hài lòng thì đó là công trình Maison TT. Ngôi nhà này của một khách hàng ở Đà Nẵng, họ đã từng thuê thiết kế một số bên nhưng không hài lòng nên tìm đến Nghĩa Architect. Tôi cảm nhận được giấc mơ có một ngôi nhà thực sự để sống và gắn kết mối quan hệ giữa thiều thế hệ trong gia đình họ.
Giữa một thành phố có lối sống ngày càng vội vã như Đà Nẵng, có một Maison TT thiết kế hoàn toàn hiện đại nhưng vẫn mang nét thân thuộc trong không gian sống của một gia đình giữ lối sinh hoạt truyền thống. Có rất nhiều yếu tố đan xen và đối nghịch trong một ngôi nhà như vậy. Maison TT vừa đạt được mục tiêu chủ nhà mong muốn, đồng thời đem lại được giá trị về mặt chuyên môn trong thiết kế mà tôi muốn truyền tải.
Khi ngôi nhà hoàn thành, chủ nhà đã rất xúc động. Chủ nhà không nghĩ tôi có thể giúp anh ấy tạo ra một căn nhà như vậy. Đây thực sự là công trình có nhiều điều để kể.
Để xây dựng và phát triển được một văn phòng kiến trúc thành công, người KTS cần những yếu tố nào?
Cá nhân tôi tự đánh giá yếu tố khó và quan trọng nhất là người KTS phải có giá trị cốt lõi để tin tưởng và sẵn sàng theo đuổi. Vì xung quanh chúng ta có nhiều phương pháp, công cụ đòn bẩy để xây dựng nên một thương hiệu kiến trúc.
KTS có thể học thêm ngoại ngữ, kỹ năng truyền thông, kiến thức kinh tế nhưng KTS cốt lõi vẫn là KTS, phải có kiến thức chuyên môn tốt, thực sự giá trị mới nên mở văn phòng. Sau đó mới đến trang bị thêm các kiến thức ngoài chuyên môn đồng thời thúc đẩy giá trị cốt lõi ngày càng tốt hơn để thương hiệu của mình thành công.
Từ lúc mở văn phòng đến nay 7 năm, chúng tôi chưa từng chạy một quảng cáo nào, cũng không muốn “flex”, đánh bóng tên tuổi bằng truyền thông. Nhưng vẫn có nhiều khách hàng tìm đến nhờ chính chất lượng về chuyên môn, từ các công trình trước đó, qua các giải thưởng cũng như thông qua truyền miệng từ những chủ đầu tư đã làm việc trước đó.
Ở Việt Nam, nhiều người luôn cho rằng những công trình đắt đỏ mới cần đến sự trợ giúp của kiến trúc sư, anh nghĩ sao về quan điểm này?
Trên thực tế thì công việc làm thiết kế kiến trúc chính xác là dành cho những người có điều kiện kinh tế đủ tốt. Nhưng ở Việt Nam thì vai trò của người tư vấn thiết kế chưa hẳn ở một vị thế quá “xa tầm với” nên tôi nghĩ những người chưa có điều kiện kinh tế mạnh vẫn có thể tiếp cận, có những phương án thiết kế “may đo” cho riêng mình.
Văn phòng NGHIA Architect cũng như nhiều đơn vị chuyên về kiến trúc khác cũng luôn có những thiết kế với mức chi phí vừa phải. Bản chất không phải KTS không muốn làm mà vì chi phí thực tế cho công việc thiết kế kiến trúc nghiêm túc là tương đối lớn. Từ chi phí dành cho việc học tập, máy móc trang thiết bị, thời gian và điều kiện làm việc,... đều tốn kém, tốn sức.
Vậy nên không thể có chuyện chi phí đầu vào cao mà chi phí đầu ra lại thấp được. NGHIA Architect đã từng làm những công trình gần như miễn phí, quan trọng là phải gặp được dự án đủ chất lượng, có bài toán đúng và chủ đầu tư tôn trọng giá trị của người làm nghề kiến trúc.
Việc quyết định nhận yêu cầu của khách hàng cũng cần sự đánh giá để cuối cùng phải có được một công trình trên thực tế, chứ không phải người KTS cứ ngồi vẽ và đưa cho chủ đầu tư bản vẽ là xong. Giả sử thiết kế xong mà người ta không dùng, không coi trọng và sẵn sàng sửa đổi thì lúc bấy giờ nhiều tiền hay ít tiền cũng thành vô nghĩa. Thực tế là ngay cả khi gặp những chủ đầu tư rất nhiều tiền nhưng nếu tôi không cảm thấy họ thực sự hiểu công việc của chúng tôi thì tôi vẫn từ chối.
Những giải thưởng kiến trúc có phải thành tựu khiến anh tự hào?
Tôi chưa bao giờ coi giải thưởng là điều gì đó quá to tát và bản thân tôi cũng dần không thích những giải thưởng nữa. Khi mới mở văn phòng, tôi muốn định vị được giá trị và muốn biết được đánh giá của giới chuyên môn nên đưa các công trình của mình dự thi.
Nhưng những thứ đạt được đó cũng chỉ là bên ngoài thôi, còn bản thân năng lực của cá nhân, của cả văn phòng có thực sự tốt hay không thì chính mình mới là người đánh giá được chính xác, chứ không phải bất cứ giải thưởng nào cả. Đến giờ sau 7 năm, tôi vẫn thấy NGHIA Architect chưa là gì cả, cá nhân tôi còn quá nhiều mục tiêu chưa làm được.
Tại Việt Nam, tôi nhận ra sức cạnh tranh cũng như chất lượng chuyên môn của các công ty tư vấn nước ngoài vẫn đang được đánh giá cao hơn rất nhiều so với công ty trong nước. Trong khi chúng ta có rất nhiều KTS giỏi, KTS trẻ được đào tạo bài bản.
Vậy nên tôi muốn NGHIA Architect sẽ trở thành một văn phòng có nội lực đủ tốt để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các văn phòng quốc tế, ít nhất trước mắt là ở Việt Nam, sau đó là các dự án ở nước ngoài. Quy mô văn phòng chỉ cần vừa phải thôi nhưng phải có năng lực đủ tốt để biến tất cả ý tưởng trở thành công trình thực tế và được ghi nhận bởi chất lượng chuyên môn chứ không phải được đánh bóng bởi các giải thưởng.
Nhìn lại hành trình làm kiến trúc, anh tự đánh giá KTS có phải nghề khó theo đuổi không và liệu mức thu nhập xứng đáng với tâm sức mình bỏ ra?
Theo tôi nghĩ là rất khó vì mức độ đào thải rất lớn. Sau 20 năm ra trường, khóa học Đại học của tôi chỉ còn khoảng 10% vẫn làm kiến trúc, số người làm theo hướng thuần chuyên môn tư vấn thiết kế càng hiếm hơn. Nếu có thể trở thành một KTS tốt thì thu nhập sẽ tốt. Chỉ có điều là thành quả khi theo đuổi công việc này sẽ đến tương đối muộn, giống như câu chuyện 40 tuổi vẫn là KTS trẻ. Muốn đạt mức độ trưởng thành về mặt chuyên môn và kỹ năng để trở thành KTS tốt phải dành rất nhiều thời gian, nỗ lực và cố gắng, và đôi khi cần cả chút may mắn nữa.
Nghề KTS khó ở chỗ chỉ dành cho những người thực sự giỏi, kiên trì và sẵn sàng hy sinh. Để đánh giá thì cũng hơi thiệt thòi cho các bạn KTS trẻ, mức lương mới ra trường không cao như ngành nghề khác. Sau đó để đạt được mức thu nhập tốt, có vị trí trong ngành lại mất nhiều thời gian hơn. Chưa kể nhịp sống hiện nay thay đổi quá nhanh mà phải làm một công việc tương đối chậm thế này lại càng dễ nản.
Nhìn lại chặng đường đã qua, dù việc làm kiến trúc khó khăn và vất vả hơn bản thân tưởng tượng, mọi thứ cũng không phải toàn màu hồng, nhưng với tôi công việc này vẫn rất thú vị và đầy đam mê. Bởi tôi có được sự tự do và có thể sáng tạo ra những thứ có giá trị. Điều này là mục tiêu và con đường của tôi hướng đến từ thuở nhỏ. Vì vậy tôi luôn tin mình đã chọn đúng công việc của cuộc đời mình.
Cảm ơn anh vì cuộc trò chuyện này!