Founder S&L's Diner - nhà hàng Mỹ đầu tiên tại Hà Nội: Bỏ 2 tỷ đồng mở cửa hàng đầu tiên, khóc rất nhiều trong những ngày đầu khởi nghiệp, nhớ nhất lần 'rút máy thở' cơ sở 2
"Tôi hay đùa với bạn, nếu ghét ai hay rủ người đó mở quán bởi có quá nhiều thứ lắt nhắt, lích kích, cồng kềnh, đó là chưa kể các vấn đề về thời gian,... Lúc mới đầu, tôi chỉ nghĩ tới 'màu hồng', nhưng càng làm càng nhìn ra những khó khăn", Founder S&L's Diner dí dỏm chia sẻ.
- 23-03-2024Cặp vợ chồng hot TikToker 84 triệu lượt thích: Làm clip vì đam mê, là chủ của chuỗi 7 nhà hàng tại nước ngoài
- 17-03-2024Đu trend Tóp Tóp, cô gái quê Đà Nẵng lộ thân phận tiểu thư khi flex gia đình sở hữu 13 siêu thị và chuỗi nhà hàng có tiếng
- 12-03-2024Sao nam Vbiz ở nhà 40 tỷ, CEO chuỗi nhà hàng hơn 100 chi nhánh và chưa từng công khai bạn gái
Chị Vũ Kiều Loan là một cái tên quen thuộc với thế hệ 9x đời đầu trong lĩnh vực làm đẹp. Với mong muốn lan tỏa sự hạnh phúc trong những món ăn cùng chồng chế biến cũng như mang văn hóa ẩm thực Mỹ tới người Việt, chị đã chuyển hướng khởi nghiệp S&L's Diner - nhà hàng Mỹ đầu tiên tại Hà Nội.
Trong tập phát sóng trên Rising VietNam, chị Kiều Loan đã giãi bày về quá trình khởi nghiệp, những thất bại, bài học rút ra. Chị Loan chia sẻ vì yêu thích ẩm thực nên chị đã theo học Quản trị nhà hàng, khách sạn. Nhưng khi ra trường do nhiều yếu tố nên 2 vợ chồng chị không theo đúng ngành nghề. Cho đến một ngày, 2 vợ chồng quyết định sẽ quay lại niềm đam mê, lấy tên 2 người để đặt cho nhà hàng.
Khóc rất nhiều trong những ngày đầu khởi nghiệp...
Ngay khi trong đầu lóe ý tưởng, chị Loan cùng chồng nghĩ tên nhà hàng, xây dựng kế hoạch. Trong khi chồng muốn mở 1 nhà hàng cao cấp thì chị Loan lại muốn bắt đầu bằng sự bình dân, giản dị hơn. Khi bắt đầu mọi thứ, chị Loan tự nhận bản thân còn non về tuổi đời và tuổi nghề.
Đối tượng khách hàng mà 2 vợ chồng chị hướng đến là du khách đến Hà Nội, bạn trẻ du học, cộng đồng người nước ngoài ở Việt Nam. Họ có hiểu biết nhất định về văn hóa Mỹ nhưng đây chính là suy nghĩ sai đầu tiên của chị khi mở nhà hàng.
Chị Kiều Loan chia sẻ: "Tôi đã chọn đối tượng khách hàng sai bởi thời điểm năm 2016, 2017, hầu hết họ không có ngân sách nhiều cho việc ăn uống, trải nghiệm. Tôi phát hiện mình sai trong 3 tháng đầu và nhanh chóng thay đổi chân dung khách hàng.
Chúng tôi đổi hướng nhắm đến khách hàng Việt Nam, có thể họ chưa có kiến thức nhiều về văn hóa Mỹ, ẩm thực Mỹ và nhiệm vụ của chúng tôi là hướng dẫn họ. Khi thay đổi mô hình, chiến lược có nhiều thứ thay đổi theo. Ngoài giới thiệu đồ ăn, chúng tôi cũng cần giới thiệu nét văn hóa Mỹ".
Đối tượng khách hàng là những bạn trẻ, gia đình trẻ, dao động từ độ tuổi 25 - 35. Và đặc biệt, họ yêu thích trải nghiệm, yêu thích văn hóa nước ngoài, có mức chi tiêu trung bình khá. Sau đó, chị Loan đã cấp tốc đi tìm mặt bằng, mua nội thất, trang thiết bị nhà bếp. Chị cho biết, chi phí mở cửa hàng rất cao và đây là giai đoạn chị đã khóc nhiều vì những khó khăn. Số vốn ban đầu mà 2 vợ chồng chị là khoảng 2 tỷ đồng.
"Tuy nhiên đây không phải là con số cố định. Tôi không muốn mọi người nghĩ là cần bỏ 2 tỷ đồng ra mới bắt đầu kinh doanh được. Đối với ngành F&B, chúng ta có bao nhiêu tiền cũng có thể làm được, rất linh động ở mô hình", chị Loan bật mí.
"Nếu ghét ai, hãy rủ người đó mở nhà hàng"...
Điểm tích cực chỉ là bề nổi khi kinh doanh F&B, chị Loan cũng như bao người khác phải trải qua vô vàn khó khăn. "Tôi hay đùa với bạn, nếu ghét ai hay rủ người đó mở quán bởi có quá nhiều thứ lắt nhắt, lích kích, cồng kềnh, đó là chưa kể các vấn đề về thời gian,... Lúc mới đầu, tôi chỉ nghĩ tới 'màu hồng', nhưng càng làm càng nhìn ra những khó khăn", Founder S&L's Diner dí dỏm chia sẻ.
Chị Kiều Loan cho biết một trong những khó khăn lớn nhất là học cách chấp nhận bản thân đã sai ở bước nào để khắc phục. Đó là thử thách đầu đời, rồi đến khó khăn đóng cửa cơ sở thứ 2 ở Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội). Chị đã dũng cảm "rút máy thở", nhanh chóng trả mặt bằng. Điều này khá đau đớn nhưng quan trọng hơn cả là nhận ra những bài học đắt giá để cải thiện ở những cửa hàng sau.
Sau thất bại này, chị Kiều Loan nhận ra cần luôn chuẩn bị 1 quỹ dự phòng để hoạt động khi chưa có lượng khách ổn định. Đôi khi thành công chưa chắc đã là điều tốt và thất bại chưa hẳn đã xấu. Chúng ta phải đảm bảo quy trình hoàn thiện ở số 1 mới lên được số 2. Đôi khi chúng ta do chưa nhìn được các điểm mù nên có nhiều vấn đề phát sinh. Chị Loan cho rằng do bản thân khi đó đã tự tin thành công ở cơ sở số 1 nên mới dẫn đến thất bại ở cơ sở số 2.
Nhờ gặp nhiều thách thức nên sau 8 năm, chị Kiều Loan đã xây dựng được quy trình rõ nét, hoàn chỉnh. Tuy nhiên, quy trình vẫn cần cải thiện luôn luôn, chứ không dừng ở một chỗ. Từ kinh nghiệm của chị Kiều Loan, chị cho rằng người trẻ hay mắc 2 sai lầm khi kinh doanh F&B. Thứ nhất đó là bạn tìm ra mô hình mới, cho rằng chưa ai làm và tin chắc sẽ thành công. Thứ hai là suy nghĩ sản phẩm/dịch vụ đang rất "hot" nên cần bắt tay vào làm ngay. Hai điều trên đều là "bẫy" mà bạn cần cẩn trọng.
May mắn khi có người bạn đời tuyệt vời
Chị Kiều Loan cho biết may mắn của chị là có người bạn đời đồng hành cùng vượt qua những thách thức trong công việc cũng như cuộc sống. Chồng chị là người Mỹ, anh là đầu bếp - đó cũng là lý do chị quyết định mở nhà hàng Mỹ.
Nếu như chồng của chị phụ trách về các sản phẩm thì chị Kiều Loan sẽ có nhiệm vụ xây dựng và triển khai mảng Marketing. Đây là 2 việc luôn cần song hành cùng nhau, không thể tách biệt. Hai vợ chồng chị đã cùng nhau xây dựng menu nhà hàng đa dạng các món ăn gồm khai vị, món chính, món phụ, món tráng miệng,... để mọi người có sự lựa chọn. Đương nhiên có những "món bảng hiệu", "món mũi nhọn" cần đẩy mạnh truyền thông. Tuy nhiên, một menu rộng sẽ giúp khách có nhiều lựa chọn và có nhu cầu quay trở lại vào những lần sau.
Chị Kiều Loan dí dỏm tâm sự: "Trên các nền tảng MXH, chồng chị cũng xuất hiện khá nhiều mặc dù anh ấy không biết. Chị cần quảng cáo về người chủ là đầu bếp Mỹ, do đó các món ăn chuẩn Mỹ từ nguồn gốc món ăn, thành phần, những điều đặc biệt,...
... Theo tôi, cơn sốt cũng sẽ hạ nhiệt, chỉ có thứ gì bền bỉ, đều đặn mới mang lại hiệu quả lâu dài. Vì thế, thành công của Marketing của nhà hàng đến từ việc làm bền bỉ trong nhiều năm chứ không chỉ đến từ 1-2 chiến dịch 'viral'. Chúng ta khi đưa ra chiến dịch luôn cần xác định mục tiêu".
Nguồn: Rising VietNam
Đời sống & pháp luật