MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

FPT Shop đầu tư bao nhiêu tiền cho thương mại điện tử?

16-12-2016 - 08:27 AM | Doanh nghiệp

Với tư duy của nhà bán lẻ, khi làm thương mại điện tử FPT Shop cũng đầu tư dựa trên cách họ đã phát triển chuỗi cửa hàng vật lý.

Dự báo hai năm nữa nếu thị trường không có gì thay đổi thì việc mở chuỗi bán lẻ hàng công nghệ sẽ bão hòa, FPT Shop có thể sẽ ngưng mở mới. Do đó hướng đi kế tiếp của chuỗi này là tập trung bán hàng online và tìm ngành nghề mới, ví dụ mở cửa hàng bán sữa Vinamilk chẳng hạn.

Việc đẩy mạnh thương mại điện tử không phải là điều mới mẻ tại FPT Shop. Ông Ngô Quốc Bảo, Giám đốc phát triển kinh doanh chuỗi này đã cho biết đang tập trung phát triển bán hàng online từ giữa năm nay, trong dịp FPT Shop mở bán độc quyền online chiếc Samsung Galaxy On7 – chiếc smartphone đầu tiên của Samsung tại Việt Nam chỉ bán online.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop.

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop.

Trao đổi với ICTnews vào tuần trước, bà Nguyễn Bạch Điệp, Tổng giám đốc FPT Shop cho biết doanh thu bán hàng online của chuỗi này đang chiếm xấp xỉ 10% toàn hệ thống, tức khoảng 1.000 tỷ đồng trong 10.700 tỷ dự kiến đạt được trong năm nay. Năm sau, mục tiêu của công ty là bán hàng qua mạng mang về 12% trên doanh thu dự kiến 14.000 tỷ đồng. Mức 12% doanh thu này tương đương Thế Giới Di Động đạt được khi bán hàng qua mạng, bà Điệp cho biết.

Khi được hỏi về mức đầu tư cho kênh bán hàng trên mạng này, bà Điệp cho biết sẽ dành khoảng 1% cho chi phí marketing, 1% để phát triển hệ thống (backend),… Để dễ hiểu, bà Điệp cho biết sẽ căn cứ vào doanh thu các cửa hàng hiện nay với doanh thu từ thương mại điện tử để quyết định mức tiền cần đầu tư.

Chẳng hạn doanh thu bán hàng online đang là 1.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2016, tức một tháng mang về khoảng 100 tỷ đồng, tương đương doanh thu 3-4 cửa hàng bán lẻ của FPT Shop. Để mở cửa hàng bán lẻ, phải đầu tư chi phí mặt bằng, thuê nhân viên,… Như vậy, mức đầu tư cho bán hàng online khoảng một nửa so với mức đầu tư cho bán lẻ thì chấp nhận được, bà Điệp tính toán.

Bà Điệp cho biết hàng tuần đều họp với nhóm làm trang thương mại điện tử của công ty, và danh sách những việc cần phải khắc phục rất dài. Hầu hết các vấn đề cần giải quyết đều xuất phát từ nội tại, như giao diện trang web, lập trình, tiếp thị,… Tuy còn nhiều khó khăn và “tuần nào cũng chửi mắng” nhưng bà Điệp cho biết sau một năm đẩy mạnh, traffic vào website FPT Shop đã tăng gấp 3 và dự kiến đạt gần 800.000 session (trước đây Google gọi là visit)/ngày vào cuối năm nay; doanh thu từ thương mại điện tử cũng tăng 2,2 lần so với năm ngoái.

Tổng giám đốc FPT Shop cho biết mức đầu tư cho bán hàng online sắp tới sẽ giữ nguyên tỷ lệ chứ không tăng so với năm nay. Tuy nhiên do doanh thu tăng nên tổng tiền đầu tư sẽ tăng theo, mặc phần trăm tiền đầu tư vẫn giữ nguyên.

Trong lĩnh vực bán hàng qua mạng tại Việt Nam, ngành hàng công nghệ vẫn chiếm doanh thu rất lớn. Theo báo cáo về thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam được Euromonitor International phát hành vào đầu năm nay, Thế Giới Di Động là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, theo sau là Rocket Internet (9,3% thị phần), FPT (5,4%), Nguyễn Kim (4,3%), Viễn Thông A (3,1%), Pico (1,7%) và các nhà bán lẻ trực tuyến khác chiếm 66,1% thị phần.

Nhìn vào thị phần kể trên, có thể thấy hầu hết các nhà bán lẻ hàng công nghệ lớn tại Việt Nam đều có mặt, chỉ riêng Rocket Internet (thời điểm đó còn sở hữu các trang Lazada, Zalora) là bán hàng tổng hợp (Lazada) và bán hàng thời trang (Zalora).

Lĩnh vực thương mại điện tử chắc chắn sẽ cạnh tranh nhiều hơn khi Tiki gần đây được đầu tư lớn từ VNG, cùng với Lazada được hậu thuẫn bởi Alibaba, còn Thế Giới Di Động quyết tâm trở thành tập đoàn bán lẻ đa ngành với đại diện là sản phẩm Vuivui.vn chuyên bán hàng online.

Theo Cục Thương mại điện tử và CNTT (Bộ Công Thương), trong năm 2015 doanh số TMĐT B2C đạt 4,07 tỷ USD, ước tính năm 2020 quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến Việt Nam đạt 10 tỷ USD, chiếm khoảng 5% thị trường bán lẻ Việt Nam.

Theo Hải Đăng

ICTnews

Trở lên trên