FTA thế hệ mới mở rộng quyền của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam
Tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do nhưng thương mại Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội từ các FTA mang lại.
- 20-10-2018EVFTA: Cơ hội lớn cho nhiều ngành
- 19-10-2018Thủ tướng: Hoan nghênh DN châu Âu có tiếng nói để Hiệp định EVFTA sớm ký kết
- 18-10-2018Tín hiệu tích cực về EVFTA từ chuyến thăm của Thủ tướng
Trong xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) là chủ trương đúng đắn với kỳ vọng các FTA sẽ đem lại nhiều lợi ích thiết thực, nhất là trong thúc việc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, nhìn xuyên suốt cả quá trình tham gia các FTA, xuất nhập khẩu của Việt Nam chưa thực sự tận dụng tốt những ưu đãi, cơ hội từ các FTA mang lại.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam là một trong những quốc gia đã tham gia tới 16 FTA, trong đó, 10 FTA đã ký kết và có hiệu lực. Trong khi các doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa thì kết quả xuất khẩu đạt được nhờ lợi thế của các FTA vẫn còn có những hạn chế nhất định.
Liên quan tới khả năng tận dụng cơ hội từ các FTA, đặc biệt là tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) ưu đãi đối với các mặt hàng xuất khẩu, số liệu của Cục Xuất nhập khẩu và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho thấy, trong nửa đầu năm 2018, các tổ chức cấp C/O đã cấp 458.285 bộ C/O ưu đãi với trị giá 22,7 tỷ USD, tăng 36% về trị giá và tăng 33% về số lượng hồ sơ so với cùng kỳ năm 2017.
Việt Nam cũng chưa khai được lợi thế từ FTA để thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm có tiềm năng.
Đánh giá về thực trạng này, TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) chỉ rõ, thời gian qua tính trên tổng giá trị, các FTA đã giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh, song chủ yếu tăng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Khi doanh nghiệp FDI xuất siêu thì Việt Nam xuất siêu và ngược lại.Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu sử dụng các loại C/O ưu đãi trong 6 tháng đầu năm đạt 20,4 tỷ USD, chiếm 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường có tham gia FTA. Trong khi đó, những năm đầu thực hiện FTA, tỷ lệ sử dụng C/O ưu đãi chỉ là 10%.
Như vậy với mục tiêu tham gia FTA để gia tăng xuất khẩu Việt Nam đã đạt được, song đối tượng hưởng lợi chính lại là các doanh nghiệp FDI, còn các doanh nghiệp nội địa vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu của FTA nên khả năng tận dụng còn rất thấp.
“Cách đây khoảng 10 năm, doanh nghiệp FDI chỉ chiếm khoảng 40% tỷ trọng xuất khẩu thì đến nay con số này là trên 70%. Từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến nay, xu hướng chung là tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp nội địa đi xuống và tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI liên tục đi lên. Với FTA, Nhà nước đã mất rất nhiều công sức để tham gia đàm phán song lợi ích đem lại chưa như kỳ vọng”, TS. Lê Quốc Phương nhấn mạnh.
Doanh nghiệp FDI hưởng lợi
Từ nhận định trên, TS. Lê Quốc Phương cho rằng, với các FTA, Việt Nam sẽ phải mở cửa hoàn toàn thị trường cho doanh nghiệp nước ngoài vào bán hàng và đầu tư với những ưu đãi. Trong các FTA thế hệ mới, nhà đầu tư được trao quyền rất rộng và giảm mạnh quyền của Chính phủ.
Cụ thể là, khi doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, nếu pháp luật Việt Nam đưa ra hạn chế nhất định mà phía doanh nghiệp nước ngoài cho rằng có ảnh hưởng, doanh nghiệp có quyền kiện ra tòa án quốc tế khu vực hoặc thế giới do doanh nghiệp lựa chọn. Khi doanh nghiệp thắng kiện thì Chính phủ Việt Nam lại phải bồi thường.
“Các doanh nghiệp ngoại tham gia đầu tư vào Việt Nam được trao quyền rất lớn. Trong khi đó, nhiều ngành kinh tế như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ tài chính, đầu tư, nông nghiệp… của Việt Nam đều còn kém, cũng như như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, hàng Việt Nam còn yếu thì tất lẽ các ngành kinh tế của Việt Nam rất dễ thua trên sân nhà”, TS. Lê Quốc Phương chỉ rõ.
Nhận định về khả năng tận dụng các ưu đãi từ FTA trong hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, các FTA đã mở ra nhiều cơ hội xuất khẩu, song Việt Nam chưa khai thác hết được những ưu đãi về thương mại hàng hóa.
Mặc dù các mặt hàng sản xuất, xuất khẩu truyền thống như dệt may, da giày...đã được đẩy mạnh nhưng Việt Nam chủ yếu vẫn là làm gia công với chi phí lao động cao. Các mặt hàng truyền thống khác như gạo, tiêu, điều, cà phê,… đều có những ưu đãi thuế quan từ FTA và mở ra cơ hội chế biến sâu hơn cho ngành hàng nhưng Việt Nam lại chưa làm được.
"Mở cửa cho mặt hàng xuất khẩu là ích lợi lớn nhất từ các FTA. Tuy nhiên, đến nay xuất khẩu của Việt Nam mới tăng về số lượng còn chưa thay đổi về cơ cấu, tính chất mặt hàng để tham gia sâu hơn, bền vững hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Gia tăng xuất khẩu vẫn theo kiểu 1 cộng thêm 1 mà không phát triển theo cấp số nhân”, ông Huỳnh phân tích.
Bên cạnh đó theo ông Huỳnh, Việt Nam cũng chưa khai thác được hết các thị trường xuất khẩu trong các quốc gia ký kết FTA. Trong khi kỳ vọng mở rộng được thị trường từ các FTA là rất lớn và xuất khẩu sang các thị trường mới chưa làm được, thì ở các thị trường xuất khẩu truyền thống, Việt Nam cũng chưa khai được lợi thế để thúc đẩy xuất khẩu một số sản phẩm có tiềm năng.
“Với các thị trường xuất khẩu quen thuộc, Việt Nam chỉ có lợi thế "đi trước đón đầu" nhờ ký kết FTA trước, song chưa tìm được các thị trường nhỏ, thị trường ngách trong thị trường truyền thống. Doanh nghiệp xuất khẩu chưa tận dụng được cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để khai thác thị trường. Những mảng thị trường này tuy nhỏ nhưng sẽ giúp ích nhiều, nếu tận dụng tốt, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển sản xuất lớn”, ông Huỳnh nêu quan điểm./.
VOV